Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Lào giai đoạn 2023 - 2025
Việt Nam và Lào nhất trí khuyến khích và tạo cơ chế thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư sang Lào trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa khâu sản xuất ở Lào với các đầu mối chế biến nông sản của Việt Nam...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan đang có chuyến thăm và làm việc chính thức tại Lào từ ngày 27-29/12.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp Lào Phet Phomphiphak đã có cuộc làm việc chính thức, trao đổi thông tin và đưa ra định hướng thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa hai nước trong giai đoạn 2023-2025.
NHIỀU DỰ ÁN HOÀN THÀNH ĐEM LẠI LỢI ÍCH LỚN
Đánh giá kết quả hợp tác nông nghiệp những năm qua, về triển khai các dự án từ nguồn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Lào, từ 2017 - 2021 đã có 7 dự án được phê duyệt, trong đó, có 1 dự án giao cho phía Lào thực hiện; 6 dự án do các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện với tổng số vốn 254,1 tỷ đồng.
"Đến nay, đã có 4 dự án hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng, gồm Dự án Xây dựng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Hủa Phăn (số vốn 39,4 tỷ đồng); Dự án Sửa chữa hai trạm bơm công trình thủy lợi Đông-phu-xi và Tha-pha-nong-phông, thủ đô Viêng Chăn (số vốn 61,4 tỷ đồng); Dự án Phân vùng sản xuất nông nghiệp tại hai tỉnh Hủa Phăn (số vốn 46,6 tỷ đồng); Dự án Nâng cấp và sửa chữa công trình thủy lợi Nậm Loong, huyện Xộp Bấu, tỉnh Hủa Phăn (số vốn: 49,3 tỷ đồng)".
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổng cục Thủy lợi Việt Nam và Cục Thủy lợi Lào đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: Triển khai các dự án thủy lợi sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam; Hỗ trợ Lào nghiên cứu lập quy hoạch thủy lợi.
Phía Việt Nam đã và đang hỗ trợ phía Lào đào tạo nguồn nhân lực tại các trường Đại học Thủy lợi, Đại học Lâm nghiệp và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ngoài đào tạo dài hạn, hằng năm các tổng cục/các viện/các trường đã tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn trong các lĩnh vực thủy lợi, chăn nuôi, thú y… cho đội ngũ cán bộ của Lào.
Về kiểm dịch và bảo vệ thực vật, hai bên phối hợp chặt chẽ trong công tác, thường xuyên gặp mặt, phối hợp trao đổi thông tin trong công tác kiểm dịch thực vật. Đặc biệt, hai bên phối hợp thực hiện tốt mô hình kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) - Densavan (Lào).
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hai bên tiếp tục triển khai các cam kết tại Biên bản ghi nhớ giữa Cục Kiểm lâm Việt Nam và Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào; Phối hợp chia sẻ thông tin trong quá trình kiểm tra, xác minh và cấp giấy phép cho doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu các loài CITES; nâng cao nhận thức các loài mới được bổ sung trong Công ước CITES.
Bộ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp Lào Phet Phomphiphak đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác của phía Việt Nam trong một loạt các lĩnh vực từ quy hoạch nông nghiệp, thủy lợi đến chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ và phối hợp trong công tác chuyên môn như trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản. Các hoạt động hợp tác sâu rộng giữa 2 bên đã tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của 2 nước.
“Với sự hợp tác và hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Lào đã có những bước tiến vững chắc để đảm bảo các mục tiêu đề ra về an ninh lương thực, phát triển các nông sản hàng hóa chủ lực, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều sự hợp tác từ phía Việt Nam để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn Lào trong thời gian tới”, Bộ trưởng Phet nhấn mạnh.
TIẾN TỚI THÀNH LẬP HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP NÔNG NGHIỆP VIỆT - LÀO
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã thông tin cho phía Lào những chuyển đổi mạnh mẽ của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi Ban Chấp hành Trung ương đưa ra Nghị quyết mới về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, tăng cường liên kết hợp tác, kết nối chuỗi giá trị, phát triển chế biến nông sản, phát triển du lịch để kích hoạt kinh tế nông thôn. Đi cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam đang tập trung phát triển nền nông nghiệp có trách nhiệm, sinh thái, phát thải thấp và bền vững.
“Hai bên cần tăng cường hợp tác quản lý tài nguyên xuyên biên giới giữa 2 nước về phát triển rừng, chống phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, kiểm tra, kiểm soát gỗ xuất nhập khẩu qua biên giới, kiểm soát tài nguyên và động vật hoang dã xuyên biên giới. Đây là lĩnh vực mà cả 2 nước đều quan tâm và được sự ủng hộ tích cực của các tổ chức quốc tế”.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra nhiều gợi ý nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ đầu tư, thương mại và phát triển bền vững giữa 2 nước. Đó là, cần thúc đẩy kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Lào trong lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức hoạt động giao lưu thường xuyên, tiến tới thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam - Lào.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông Lâm nghiệp Lào cùng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại (ký ngày 03/3/2015) và Hiệp định thương mại biên giới giữa 2 nước (ký ngày 27/6/2015).
Đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa khâu sản xuất ở Lào với các đầu mối chế biến và xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhằm đưa Lào trở thành một phần vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với các dự án đầu tư, 2 bên tham mưu cho Chính phủ 2 nước khuyến khích và tạo cơ chế thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư sang Lào trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, sản xuất phân bón hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển chế biến nông lâm thủy sản…
Phía Việt Nam mong muốn phối hợp với Lào triển khai tập huấn, xây dựng các mô hình chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong chăn nuôi lợn, gia cầm và bò thịt tại Lào; Đề nghị Lào tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam để khảo sát, đánh giá tiềm năng, đầu tư và phát triển các vùng trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Lào.
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhu cầu xuất khẩu lợn giống, lợn thịt và thịt lợn, gà giống, gà thịt và thịt gà sang Lào, do đó phía Lào sớm cung cấp cho phía Việt Nam (Cục Thú y) các điều kiện, yêu cầu về dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm để có thể xuất khẩu được lợn sống và thịt lợn, gà sống và thịt gà từ Việt Nam sang Lào.
Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo đã ký kết 2 văn kiện quan trọng bao gồm: Biên bản cuộc họp thường niên 2022 giữa 2 Bộ về Đánh giá tình hình hợp tác giai đoạn 2017-2022 và Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2023-2024 trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn; Biên bản bàn giao dự án Phân vùng nông nghiệp tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.