Tìm điểm nghẽn để khơi thông nguồn vốn ra thị trường
Theo các chuyên gia, nguồn vốn dồi dào nhưng doanh nghiệp và người dân vẫn rất khó tiếp cận. Một trong những khuyến nghị được đưa ra lúc này là ngân hàng nên tiếp tục hạ lãi suất cho vay, kích thích đầu tư và tiêu dùng, từ đó khơi thông mạnh hơn nguồn vốn tín dụng ra thị trường…
Theo Ngân hàng Nhà nước, để thúc đẩy tín dụng, ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như giảm lãi suất.
Đến nay, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
SẢN XUẤT YẾU KÉM, DOANH NGHIỆP NGẠI VAY VỐN
Tính đến ngày 27/3, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023.
“Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Còn phía ngân hàng - trong vai người cho vay nên hạ lãi suất đối với các khoản vay cũ, đồng thời tiếp tục đơn giản thủ tục cho vay, tăng cho vay tín chấp…Đối với người đi vay, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành… qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm”.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM.
Đồng thời, tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên, đến cuối tháng 2, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm 24,35% dư nợ toàn nền kinh tế; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 17,94%; tín dụng lĩnh vực xuất khẩu chiếm 2,25%; tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,75%...
Tuy nhiên, tín dụng đầu năm tăng thấp do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp chưa cao. Điểm sáng của hoạt động ngân hàng là tín dụng đã phục hồi, tăng trưởng trở lại trong tháng 3.
Tại hội thảo "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường" vừa được tổ chức tại TP.HCM vào cuối tuần qua, TS.Trương Văn Phước, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết hiện việc tắc tín dụng giống như người chạy xe thấy đèn xanh mà không chạy được, phải xem xét ở nhiều góc độ, xem vì sao doanh nghiệp dè dặt, ngần ngại vay vốn
Thực tế là khi tín dụng được mở ra, lãi suất giảm thì doanh nghiệp đã ở tình trạng quá khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, có đến 73.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý 1, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
“Thể trạng doanh nghiệp yếu đi, khó khăn là điều có thật. Ba trụ cột của nền kinh tế là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, thì tiêu dùng trong quý 1 vừa qua chỉ tăng 5,1%, trong khi cùng kỳ tăng 10,1%, chứng tỏ cầu tiêu dùng yếu”, TS. Trương Văn Phước nhận định.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thông tin rằng ngành thủy sản luôn có doanh số xuất khẩu lớn, song năm 2023 đã sụt giảm nặng nề, chưa đạt 9 tỷ USD, giảm gần 20%.
Lý giải về sự sụt giảm này, bà Lan cho rằng là do các doanh nghiệp không có đơn hàng, các thị trường chính đều suy giảm đơn hàng nên doanh nghiệp ngại vay vốn. Với nhóm 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu thường vay USD, biến động tỉ giá không có lợi cho doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp chững lại về vay vốn, chờ những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường xuất khẩu lớn.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp có chiến lược tốt, có mối quan hệ tốt với ngân hàng thì các ngân hàng sẵn sàng cho vay khi có lịch sử tài chính tốt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng, thậm chí không biết về gói hỗ trợ này.
Theo bà Lan, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vay với mức lãi suất phổ biến là 6 - 7%.Còn với các doanh nghiệp nhỏ, không có tài sản thế chấp thì đang vay với lãi suất 8 - 8,5%.
Từ thực tế trên, bà Lan đề xuất các ngân hàng xem xét hạ lãi suất đối với vay USD với mức dưới 4%. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần phổ biến công khai các gói vay ưu đãi để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
KHƠI THÔNG NGUỒN VỐN TÍN DỤNG
Theo TS. Trương Văn Phước, thế giới đang phục hồi, thời điểm khó khăn nhất đã qua, xu hướng lạm phát đang đi xuống. Nhiều nghiên cứu cho rằng xu hướng lạm phát sẽ giảm cho đến năm 2028, mở ra triển vọng phục hồi cho nền kinh tế.
Ông Phước đề xuất về lâu về dài cần hạ thấp lãi suất xuống. Lãi suất VNĐ đang thấp xuống nên nếu có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán thì doanh nghiệp nên vay VNĐ mua ngoại tệ sẽ hiệu quả hơn. Còn nếu doanh nghiệp cần vay ngoại tệ thì ngân hàng thương mại nên hoán đổi ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Tạo nguồn ứng trước ngoại tệ với lãi suất vừa phải để hỗ trợ xuất khẩu.
Về tỷ giá, theo ông Phước, khi đồng bản tệ mất giá 2-3 % trong 1 quý thì Ngân hàng Nhà nước cần có tiếng nói để trấn an thị trường. Vì tỷ giá tăng ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, trong đó có niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam.
Đồng thời, TS. Trương Văn Phước cũng cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ có tác động nào đó đối với nền kinh tế Việt Nam. Quý 3/2024, USD sẽ quay đầu giảm khi Fed cắt giảm lãi suất.
Trong điều kiện Việt Nam, giữ cho tỷ giá ổn định trong khoảng 3 - 4% là trong tầm tay của Ngân hàng nhà nước, nhưng tuyệt nhiên không thể để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỷ giá hối đoái, vì đó là sự đánh đổi đắt giá nhất.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, khơi thông nguồn vốn ra thị trường là nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và người dân quan tâm. Tuy nhiên, dù vốn ngân hàng dồi dào nhưng vẫn là vấn đề khó khăn đối với một số doanh nghiệp, đặc biệt hiện lãi suất thấp nhất trong 20 năm qua. "Đối với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo thanh khoản đầy đủ, thậm chí dư giả", ông Đào Minh Tú nói.
Ngoài ra, với vai trò là cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
“Vốn cho nền kinh tế không thiếu. Hạn mức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước giao cho ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với 15%. Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên”, ông Tú nhấn mạnh.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02. Để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa thay vì kết thúc vào 30/6 tới.