Fintech - Hướng đi tất yếu của trung tâm tài chính quốc tế
Fintech là yếu tố hỗ trợ, cũng là động lực chính giúp các trung tâm tài chính (TTTC) duy trì và nâng cao vị thế toàn cầu. Fintech ở Việt Nam là một lĩnh vực tiềm năng, nhưng việc khai phá tiềm lực to lớn của lĩnh vực này đòi hỏi một chiến lược bài bản, linh hoạt và thực tế, bám sát các trọng tâm chính…
Khi số hóa và công nghệ là một xu hướng không thể đảo ngược trong mọi lĩnh vực, ngành công nghệ tài chính (Fintech) trên toàn cầu cũng ghi nhận sự phát triển nhanh.
FINTECH BÙNG NỔ TRÊN TOÀN CẦU
Từ năm 2015 đến 2023, hơn 350 tỷ USD vốn từ các quỹ đầu tư đã được rót vào Fintech, góp phần đưa doanh thu ròng ngành này vượt 150 tỷ USD trên toàn cầu, dự kiến sẽ chạm mốc 400 tỷ USD vào năm 2028.
Riêng năm 2021 ghi nhận mức đầu tư đạt mốc 92 tỷ USD - gần gấp ba lần so với năm trước. Trong giai đoạn 2020 - 2021, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Fintech cũng đạt mức cao hơn 55%, theo Diễn đàn kinh tế thế giới.
Mặc dù đà tăng trưởng có chậm lại sau đại dịch Covid-19, Fintech vẫn tiếp tục có bước phát triển ấn tượng và sẽ là một trong những xu hướng định hình tương lai của ngành dịch vụ tài chính.

Không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia, Fintech còn hỗ trợ thanh toán qua biên giới. Theo báo cáo của Deloitte về xu hướng số hóa trong cuộc cách mạng thanh toán xuyên biên giới, một trong bốn xu hướng chính là Fintech hướng đến tăng trưởng toàn diện và bền vững hơn.
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech cung cấp giải pháp và dịch vụ, đặc biệt cho nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) giúp giao dịch thuận tiện, dễ dàng thiết lập các cửa hàng trực tuyến, mở rộng phạm vi trên nhiều thị trường.
FINTECH TẠI VIỆT NAM CÒN NHIỀU KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN
Với nỗ lực thúc đấy sự phát triển của Fintech, Việt Nam giữ vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ chuyển đổi thanh toán số cao nhất tại Đông Nam Á, tỷ lệ người tiêu dùng không dùng tiền mặt đạt 88%.
Theo báo cáo Vietnam e-conomy 2024, thanh toán bằng hình thức kỹ thuật số và cho vay kỹ thuật số duy trì mức tăng trưởng hai con số, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành Fintech. Vào năm 2030, thanh toán bằng hình thức kỹ thuật số dự kiến đạt 300-350 tỷ USD, trong khi đó dư nợ cho vay trong hoạt động cho vay kỹ thuật số có thể chạm mốc 30-35 tỷ USD. Những dịch vụ khác của Fintech như quản lý tài sản số, bảo hiểm kỹ thuật số,… cũng đang được tạo điều kiện để phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam thuộc nhóm thị trường có tiềm năng cao trong những nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trên phương diện môi trường hội nhập toàn cầu cho thương mại kỹ thuật số.

HƯỚNG ĐI NÀO ĐỂ FINTECH PHÁT HUY SỨC MẠNH TRONG TRUNG TÂM TÀI CHÍNH?
Là một trong những thành tố tạo nên thành công của trung tâm tài chính, Fintech được đánh giá riêng trong xếp hạng chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (Global Financial Centre Index - GFCI). Trong ấn bản số 37, xếp hạng Fintech của TP. Hồ Chí Minh tăng 11 bậc.

Từ kinh nghiệm tư vấn của Deloitte, để Fintech trở thành trụ cột và hỗ trợ sự phát triển của trung tâm tài chính, Việt Nam cần có một chiến lược Fintech, trước mắt tập trung vào ba vấn đề trọng tâm.
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý: Theo khảo sát của Diễn đàn kinh tế thế giới, các công ty Fintech đề cập đến yếu tố môi trường pháp lý trong top ba yếu tố hỗ trợ/cản trở sự phát triển của ngành. Tại châu Á – Thái Bình Dương, môi trường pháp lý thuận lợi là yếu tố hỗ trợ hàng đầu theo 52% công ty tham gia khảo sát, 41% công ty Fintech đánh giá môi trường pháp lý không thuận lợi chính là yếu tố cản trở.
Những yếu tố cần cân nhắc khi hoàn thiện khung pháp lý cho Fintech như việc rõ ràng trong cách tiếp cận pháp lý cụ thể đối với lĩnh vực hoặc công ty; mức độ hiệu quả, minh bạch và tốc độ của quy trình cấp phép và đăng ký; mức độ phối hợp giữa các cơ quan khác nhau trong công tác giám sát; và năng lực và chuyên môn của đội ngũ trong cơ quan quản lý.
Việc hoàn thiện khung pháp lý là bài toán khó khi cần cân bằng giữa việc tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch, xây dựng niềm tin cho các bên tham gia thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty phát triển, đồng thời bảo vệ người dùng, đảm bảo sự ổn định của thị trường và liên kết với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam có thể tham khảo, đánh giá các sáng kiến pháp lý của các trung tâm tài chính quốc tế để tìm ra sáng kiến phù hợp, từ đó đẩy nhanh tiến trình mà vẫn đảm bảo hiệu quả.
Một trong những sáng kiến pháp lý được đánh giá tương đối hiệu quả là khung thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox), cho phép các công ty thử nghiệm sản phẩm và dịch vụ trong môi trường an toàn dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.
Với thực tế được triển khai tại hơn 50 quốc gia, nghiên cứu chỉ ra rằng các quốc gia có triển khai sandbox thường dễ dàng thu hút đầu tư vào Fintech hơn những quốc gia có điều kiện thị trường tương đồng nhưng không có sandbox. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP, đánh dấu bước tiến trên phương diện chính sách. Tuy nhiên, vẫn cần đẩy nhanh việc nghiên cứu và vận hành sandbox hiệu quả và phù hợp với thực tiễn tại.
Thứ hai, xây dựng cơ sở hạ tầng số: Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về những yếu tố tác động đến sự phát triển của Fintech trong tương lai, các công ty Fintech đánh giá AI là yếu tố được đánh giá quan trọng nhất (72%), tiếp đó là tài chính nhúng (embedded finance), kinh tế số, và ngân hàng mở/tài chính mở (open banking/open finance) (53-54%).
AI có thể sẽ làm thay đổi mô hình kinh doanh, cách thức tương tác với khách hàng, cũng như việc tuân thủ các quy định phát sinh. Ngân hàng mở và tài chính mở sẽ đóng vai trò then chốt trong việc cho phép chia sẻ dữ liệu quy mô lớn khi sự chấp thuận của khách hàng, từ đó đổi mới mô hình kinh doanh và có sản phẩm mới.
Việt Nam đang nỗ lực phát triển hạ tầng số, bao gồm các thành phần như định danh điện tử (eKYC), chia sẻ dữ liệu, thanh toán điện tử và các công nghệ mới như AI và blockchain. Việc sử dụng các giao diện lập trình ứng dụng mở (API) trên các nền tảng này giúp kết nối và tích hợp các dịch vụ tài chính, thúc đẩy sự đổi mới và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Do vậy, việc tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đảm bảo bảo mật là cần thiết để Fintech ở Việt Nam kịp bắt nhịp với các trung tâm tài chính khác.
Thứ ba, phát triển hệ sinh thái Fintech năng động và nguồn nhân lực trình độ cao: Về phía cơ quan quản lý, cần có đơn vị chuyên trách nghiên cứu và tham mưu về chiến lược chuyển đổi số, xu hướng công nghệ, đồng thời giám sát việc triển khai các sáng kiến Fintech trong trung tâm tài chính.
Ngoài ra, việc quy tụ các công ty và startup hoạt động trong lĩnh vực Fintech, nhà đầu tư, đơn vị nghiên cứu và đối tác công nghệ,… tạo thành hệ sinh thái cũng có thể chính là cánh tay đắc lực giúp cơ quan quản lý trong việc lựa chọn các sáng kiến tối ưu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có các chương trình đào tạo và chính sách thu hút nhân tài từ nước ngoài một cách linh hoạt, nhằm giải quyết các thách thức về nhân sự, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như AI, blockchain, open banking/open finance… trong bối cảnh có thể thiếu hụt nhân lực.