07:51 05/07/2013

Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”

Bảo Anh

Người có số phiếu "tín nhiệm thấp" nhiều nhất của Hà Nội chia sẻ với báo giới về kết quả kém vui của mình

Ông Nguyễn Đình Đức: "Tôi cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này phản ánh đúng tình hình".
Ông Nguyễn Đình Đức: "Tôi cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này phản ánh đúng tình hình".
Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh, cán bộ chủ chốt do Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội công bố chiều 4/7, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội là người có số phiếu “tín nhiệm cao” ít nhất trong số 18 cán bộ lãnh đạo Hà Nội, với 27 phiếu. Ông Đức cũng là người có số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất với 23 phiếu.

Ngay sau khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố, ông Đức đã khá cởi mở với báo giới về kết quả có phần kém vui của mình.

Ông nhìn nhận thế nào về kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này?

Tôi cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này phản ánh đúng tình hình.

Bản thân tôi phải nhìn lại mình. Kết quả này cũng chứng tỏ mong muốn của dư luận xã hôi, cử tri với lĩnh vực của mình chưa thỏa mãn và buộc ta phải cố gắng tiếp.

Nhưng cụ thể là xuất phát từ nguyên nhân nào mà một người đứng đầu ngành an sinh xã hội của thành phố như ông lại là người có ít phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất?

Thực tế, mặc dù thời gian vừa qua cá nhân tôi và ngành đã có rất nhiều cố gắng, nhưng trước tình hình kinh tế khó khăn như thế này thì nhu cầu về an sinh xã hội thì của người dân vẫn cứ mong muốn lớn hơn nữa.

Bản thân chúng tôi, nhất là với vai trò là Uỷ viên UBND thành phố, cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong các giải pháp để tham mưu trong ban lãnh đạo thành phố nhằm củng cố nâng cao đời sống an sinh xã hội, nhất là những đối tượng ngành chúng tôi đang quản lý, như quỹ xóa nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng cần bảo trợ xã hội…

Bên cạnh đó, nhiệm vụ của chúng tôi là phải góp phần đảm bảo ổn định đời sống cho đối tượng nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội phải được quan tâm, đào tạo nghề…, nhưng thú thực đây là những vấn đề đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế như vậy.

Ông nói “tín nhiệm thấp” là do yếu tố khách quan là kinh tế khó khăn. Chẳng lẽ không có nguyên nhân chủ quan?

Tỷ lệ phiếu thấp thì không mấy ai lại vui, nhưng tôi cho rằng đây cũng là tấm gương phản chiếu để cá nhân tôi và ngành phải cố gắng hơn nữa. Bởi lẽ, kết quả này cho thấy dư luận và cử tri chưa hài lòng với kết quả làm việc của mình.

Vậy, cá nhân ông và tập thể ngành sẽ làm gì trong thời gian tới để cải thiện tín nhiệm từ cử tri Hà Nội?

Vừa rồi chúng tôi cũng đã có nhiều cố gắng trong chế độ chính sách. Đặc biệt lĩnh vực hành chính, một cửa đã được đơn giản hóa nhiều, rồi thủ tục liên thông đến cấp sở chúng tôi cũng đã cố gắng nhiều.

Tuy nhiên thời gian tới, dù  có khó khăn chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết. Chẳng hạn việc triển khai Pháp lệnh 04, sửa đổi Pháp lệnh Người có công… chúng tôi sẽ cố gắng cải cách thủ tục để các chính sách của nhà nước sớm đến với người dân, đặc biệt là người có công với cách mạng.