"Tinh giản biên chế nhưng không đẩy công chức dôi dư ra đường"
Việc thực hiện tinh giản biên chế phải làm khách quan, công tâm, nếu không sẽ tạo ra lợi bất cập hại, mâu thuẫn nội bộ
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với VnEconomy liên quan đến câu chuyện tinh giản biên chế.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, câu chuyện tinh giản biên chế cũng được đề cập trong Nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, mục tiêu là đến hết năm 2020 phải giảm được 10% biên chế.
Ông Lợi cũng thông tin, theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy, đến nay về cơ bản chúng ta đã vượt được chỉ tiêu giảm biên chế 10%.
Hiện nay tinh giản biên chế cũng đang được thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đến ngày 1/1/2021 tới đây, sẽ không còn cơ chế viên chức suốt đời với mục tiêu bố trí người lao động và viên chức theo đúng vị trí việc làm để tăng năng suất lao động, giảm bộ phận "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" và không tạo ra năng suất lao động cho cơ sở.
"Nếu như người lao động có hai năm liên tục không hoàn thành trách nhiệm đương nhiên chủ sử dụng lao động hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn có quyền chấm dứt hợp đồng. Tiền lương là phải gắn với năng suất lao động, không thể có chuyện tiền lương trả cho tất cả mọi người như nhau mà không tính toán đến hiệu quả kinh tế. Sẽ không có một bộ máy nào chịu được như vậy", ông Lợi nhấn mạnh.
Cho rằng tinh giản biên chế dù quan trọng song theo ông Lợi trong tổ chức thực hiện cần phải đảm bảo nguyên tắc đúng người, đúng việc, sắp xếp đúng năng lực trình độ, đúng vị trí việc làm. Hơn hết là không làm cho tình hình phức tạp hơn, tạo ra sự mất đoàn kết thống nhất trong đơn vị.
Ông cũng lưu ý, nếu như người đứng đầu đơn vị không khách quan, giảm những người có trình độ năng lực mà lại giữ những người không có năng lực thực sự hoặc "con ông cháu cha" thì điều đó là không đúng với nguyên tắc của tinh giản biên chế.
"Vấn đề này sẽ đòi hỏi người sử dụng lao động, thủ trưởng các đơn vị phải phát huy tinh thần trách nhiệm thật dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch tất cả trong việc đánh giá cán bộ, làm sao bố trí đúng người đúng việc. Từ đó, đảm bảo đưa ra khỏi bộ máy là những người hoàn toàn không có khả năng đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm", ông Lợi bày tỏ.
Một vấn đề nữa theo ông Lợi khi thực hiện sắp xếp bộ máy là phải nghiên cứu có chính sách hỗ trợ người lao động bị rời khỏi dây chuyền sản xuất cũng như chính sách đào tạo lại để họ có việc làm mới. "Tuyệt đối không được đẩy người lao động dôi dư ra đường, việc này có thể gây ra sự mất trật tự an toàn, không ổn định cho xã hội, cho nên đây là một bài toán khó mà rõ ràng không phải đơn vị nào cũng có thể làm tốt được", ông Lợi nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo vị phó chủ nhiệm, nếu như chủ sử dụng lao động hoặc thủ trưởng cơ quan phát huy được sự dân chủ, khách quan, công tâm trên cơ sở có sự giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện tinh giản biên chế bài bản đúng tinh thần trách nhiệm thì sẽ thúc đẩy cho sự phát triển.
"Ngược lại, nếu làm không khách quan thì có khi sẽ tạo ra lợi bất cập hại, mâu thuẫn nội bộ. Đây sẽ là những vấn đề đòi hỏi người đứng đầu đơn vị phải hết sức nghiêm túc và dân chủ", ông Lợi nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi quy định về các trường hợp tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp như: chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ với vị trí việc làm đang đảm nhiệm; có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm; dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy…