12:04 12/11/2008

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm lo cho Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam

Kiều Oanh

Standard & Poor’s (S&P) cho rằng Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam đang có khả năng bị đánh tụt hạng tín nhiệm

Thị trường tài chính Việt Nam đang tiếp tục chịu ảnh hưởng nhất định từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - Ảnh: Việt Tuấn.
Thị trường tài chính Việt Nam đang tiếp tục chịu ảnh hưởng nhất định từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - Ảnh: Việt Tuấn.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) cho rằng, Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam là ba nước châu Á đang có khả năng bị đánh tụt hạng tín nhiệm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái và các dòng vốn cạn dần.

Bà Elena Okorotchenko, người đứng đầu bộ phận xếp hạng tín nhiệm quốc gia khu vực châu Á của S&P nhận định: “Pakistan là quốc gia có khả năng bị đánh tụt hạng cao nhất, tiếp đó là Sri Lanka và Việt Nam”.

Chuyên gia này cho biết thêm, Pakistan đang phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng từ bên ngoài, cộng với các áp lực tài khóa, tiền tệ, tăng trưởng và chính trị. S&P thực hiện đánh giá tín nhiệm một nước trên cơ sở 5 góc độ này, và ở cả 5 góc độ, Pakistan đều bị cho điểm âm.

Ngày 6/10 vừa qua, S&P đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Pakistan về mức CCC+, thấp hơn hạng đầu tư tới 7 mức, do có khả năng nước này sẽ không thể trả nổi khoản nợ lên tới 3 tỷ USD đến hạn vào năm tới. Tháng trước, Pakistan đã phải vay tiền khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong bối cảnh dự trữ ngoại hối tụt từ mức 14,2 tỷ USD cách đây 1 năm xuống còn có 3,71 tỷ USD.

Đối với Sri Lanka, S&P cho rằng, những khó khăn về nguồn vốn đang là mối đe dọa lớn nhất do nợ ngắn hạn của nước này đang tăng cao, trong khi những nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách có vẻ như đang đi sai hướng. Xếp hạng nợ ngoại tệ dài hạn mà S&P dành cho Sri Lanka hiện đang là B+, với triển vọng là “tiêu cực”.

Về phần Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm nợ ngoại tệ dài hạn hiện vẫn ở mức BB, mặc dù đầu tháng 5 vừa qua, S&P đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam xuống mức “tiêu cực” với lý do kinh tế Việt Nam tăng trưởng quá nóng.

Theo nhận định của bà Okorotchenko, những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc “hạ nhiệt” nền kinh tế dường như đã phát huy tác dụng, bằng chứng là sự giảm xuống của tốc độ lạm phát và thâm hụt cán cân vãng lai.

Bà Okorotchenko cho biết, vấn đề mà S&P lo ngại nhất đối với Việt Nam là ngành ngân hàng. “Mối lo lớn nhất của chúng tôi bây giờ là ngành ngân hàng của Việt Nam, lĩnh vực trước đây đóng góp nhiều nhất vào sự phát triển quá nóng. Hiện các ngân hàng ở Việt Nam đang nắm giữ những khoản vay cấp vào thời điểm lãi suất thấp. Hoạt động cho vay hiện đã giảm mạnh và vấn đề đặt ra là liệu thực tế này sẽ ảnh hưởng thế nào tới các ngân hàng, nhất là những ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ”.

Bà cũng cho biết, S&P khó có thể xác định rõ về những vấn đề trong ngành ngân hàng Việt Nam do “mức độ minh bạch thấp”. “Chúng tôi lo ngại về tình trạng của hệ thống ngân hàng Việt Nam và mức độ minh bạch ở đây quá thấp đến nỗi không ai biết tình hình xấu tới mức nào. Rất khó để có được thông tin đáng tin cậy về tình trạng của hệ thống ngân hàng của Việt Nam”, bà nói.

Tuy nhiên, bà cho rằng, ít có khả năng Việt Nam phải nhờ tới sự trợ giúp của IMF do Việt Nam không vay nợ nhiều.

Ngoài Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam, S&P hiện còn theo dõi sát sao các nước châu Á khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Mặc dù triển vọng tín nhiệm của các nước này vẫn là “ổn định” nhưng các nước này đang phải đối mặt với hoặc khó khăn về nguồn vốn, hoặc chính trị, hoặc cả hai.

Đối với Hàn Quốc, một hãng xếp hạng tín nhiệm lớn khác là Fitch Ratings vừa hạ triển vọng tín nhiệm của nước này từ mức “ổn định” xuống mức “tiêu cực” do dự trữ ngoại hối nước này đang sụt giảm mạnh. Fitch cũng đánh tụt triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Malaysia từ “tích cực” xuống “ổn định”.

Các nền kinh tế mà S&P xếp vào nhóm “ít phải lo” nhất ở châu Á là Hồng Kông, Trung Quốc, Philippines, Campuchia và Mông Cổ. Bà Okorotchenko cho biết: “Các nước này có mức xếp hạng tín nhiệm khác nhau, nhưng triển vọng của họ rất ổn định”.

Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất từ sau thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930 đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi các thị trường châu Á đang nổi lên, do những khoản đầu tư rủi ro đang trở nên kém hấp dẫn. Sự rút lui này khiến các nước châu Á gặp khó khăn lớn trong việc có đủ ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu, đồng thời, dự trữ ngoại hối của các nước này cũng giảm mạnh theo.

Bà Okorotchenko nhận xét, không một quốc gia nào ở châu Á có thể thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng. “So với ở cuộc khủng hoảng cách đây 10 năm, châu Á hiện đã ở một trạng thái vững mạnh hơn nhiều. Nhưng ngay cả ở các nước có những yếu tố kinh tế cơ bản vững mạnh thì các nhà đầu tư vẫn rút vốn, vì các nhà đầu tư hiện chẳng quan tâm đến những yếu tố này”.

(Theo Bloomberg)