11:08 26/08/2015

Tội phạm tham nhũng: “Không cần tử hình mà nhốt vào lồng”

Nguyễn Lê

Phiên thảo luận về dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) của các vị đại biểu chuyên trách

Đại biểu Quốc hội Lê Nam (Thanh Hóa) - Ảnh: NLĐ.<br>
Đại biểu Quốc hội Lê Nam (Thanh Hóa) - Ảnh: NLĐ.<br>
Bàn sửa Bộ luật Hình sự, khá nhiều đại biểu cho rằng không thể bỏ tử hình với tội phạm tham nhũng, riêng đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nói tội này không cần bắn.

Do có nhiều vị đăng ký phát biểu nên phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự của các vị đại biểu chuyên trách không dừng ở chiều 25/8 như dự kiến.

“Nhốt vào lồng”

Sáng 26/8, đăng đàn đầu tiên, đại biểu Lê Nam cho rằng, cần phải có đổi mới trong áp dụng hình phạt.

Trước đó, một số vị đại biểu đã đề cập hình phạt đánh roi của Singapore, và ông Nam cho rằng “đánh roi thì đơn giản, và xã hội ta đang cần phải đánh roi”.

Với tội tham nhũng, quan điểm của ông Nam thì “cần gì bắn, cứ làm cái lồng thật đẹp ở nhà cho vợ nuôi để cảm thấy xấu hổ”.

Vị đại biểu kế bên nói nhỏ điều gì đó, ông Nam đáp, “quan điểm của tôi thì cái đó không phải nhục hình”.

Có nên bỏ hình phạt tử hình hay không và nên bỏ tội danh nào cũng là vấn đề được tranh luận sôi nổi từ đầu phiên thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, bên cạnh 7 tội danh tại dự thảo luật, một số vị đại biểu Quốc hội đề nghị cần bỏ hình phạt tử hình ở cả các tội khác: tham ô, nhận hối lộ, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh vì thực tế việc truy tố, xét xử các tội này từ trước đến nay rất ít.

Có ý kiến đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm về kinh tế.

Với kinh nghiệm hơn chục năm nghiên cứu về hình phạt tử hinh, đại biểu Trẩn Văn Độ (An Giang) quả quyết, chưa có ai khẳng định cứ tử hình nhiều là giảm được tội phạm.

Đại biểu Độ cho rằng, mục đích của hình phạt không nên là trừng trị mà là giáo dục phòng ngừa.

Từ góc nhìn khác, đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng, nói mục đích của hình phạt là giáo dục cải tạo là sai, phải trừng trị đã, còn giáo dục cải tạo thì đã có nhiều thiết chế khác.

Đồng ý với quan điểm của đại biểu Độ là không phải cứ tăng tử hình là giảm tội phạm, đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) cho rằng trước mắt bỏ 7 tội như dự thảo luật là hợp lý, sau này nên giảm dần.

70 tuổi vẫn phải tử hình

Thảo luận tại kỳ họp thứ 9, nhiều đại biểu Quốc hội đã phản đối mạnh mẽ quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên.

Một số ý kiến đề nghị không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội thuộc các trường hợp: là nữ giới; người từ 75 hoặc 80 tuổi trở lên; là đối tượng chính sách; người mắc bệnh AIDS, ung thư giai đoạn cuối; người sau khi phạm tội đã mất hoàn toàn năng lực hành vi.

Cân nhắc ý kiến của đại biểu, dự thảo luật mới nhất đã được chỉnh lý theo hướng: "Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử".

Không đồng ý với việc bỏ hình phạt tử hình với người từ 70 tuổi trở lên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu lý do là những người này biết rất rõ hậu quả của hành vi phạm tội.

Theo ông Vinh, với tuổi này nếu được hưởng nhân đạo mà giảm án thì bên cạnh việc nhà nước phải bỏ tiền ra cai quản quản còn làm khổ cả con cháu thăm nuôi. Vì thế 70 tuổi mà phạm tội đáng phải tử hình “thì chết là xứng đáng”.

“Có đại biểu nói 70 tuổi trở lên thì bắn cho gọn, nhưng theo tôi thì quan trọng không phải là bắn”, đại biểu Lê Nam “phản biện”.

Ông Nam cũng “phê” nhiều quy định tại dự thảo bộ luật “chưa đủ độ” trong khi xã hội đang có rất nhiều vấn đề đang yêu cầu pháp luật điều chỉnh.
 
“Chẳng hạn chống tham nhũng, tài sản bất minh thì giải quyết thế nào, luật phải quy định để những người kê khai không đến nơi đến chốn thì nhìn vào luật này điều chỉnh”, ông Nam nói.