12:28 01/06/2018

Tôm Việt gặp khó vì Mỹ đưa vào chương trình giám sát nhập khẩu

Duyên Duyên

Tôm đã chính thức nằm trong danh sách hàng hóa thuộc Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản của Mỹ (SIMP)

Thị phần tôm của Việt Nam tại Mỹ giảm 1,2%, xuống còn 6,8% trong 3 tháng đầu năm nay
Thị phần tôm của Việt Nam tại Mỹ giảm 1,2%, xuống còn 6,8% trong 3 tháng đầu năm nay

Mỹ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu tôm từ Indonesia, Ecuado, Trung Quốc, Mexico... trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam.

Theo số liệu thống kê từ Cục quản lý Nghề cá biển Mỹ (NMFS), tháng 3/2018, Mỹ nhập khẩu 45.979 tấn tôm, tăng 12,5% so với tháng 3/2017. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 155.132 tấn, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Ấn Độ là nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ với 14.950 tấn trong tháng 3/2018, tăng 30% so với tháng 3/2017. Trong 3 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu tôm của Mỹ từ Ấn Độ đạt 48.456 tấn, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2017.

Điều đáng nói là Mỹ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu tôm từ Indonesia, Ecuado, Trung Quốc, Mexico... trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam. Do đó, trong khi thị phần tôm của nhiều nước được cải thiện so với cùng kỳ năm trước, thì thị phần của Thái Lan và Việt Nam giảm.

Tôm Việt gặp khó vì Mỹ đưa vào chương trình giám sát nhập khẩu - Ảnh 1.

10 thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ tháng 3 và 3 tháng năm 2018 - Nguồn: Tính toán từ số liệu của NMFS.

Cụ thể, so với 3 tháng đầu năm 2017, thị phần tôm của Thái Lan đã giảm 4%, xuống còn 7,3% trong 3 tháng đầu năm 2018. Tương tự, thị phần tôm của Việt Nam tại Mỹ cũng giảm 1,2%, xuống còn 6,8% trong 3 tháng đầu năm nay; trong đó sụt giảm mạnh nhất là các loại tôm đông lạnh.

Mặt khác, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, theo phán quyết cuối cùng vào ngày 24/4/2018 của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), tôm đã chính thức nằm trong danh sách hàng hóa thuộc Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản của Mỹ (SIMP).

Theo đó, các nhà nhập khẩu tôm có thời hạn tới ngày 31/12/2018 để hoàn tất tuân thủ các quy định theo chương trình SIMP.

Cụ thể, các nhà nhập khẩu tôm phải là công dân Mỹ; phải bảo đảm và giữ vững giấy phép Thương mại Thủy sản Quốc tế (IFTP) do NOAA cấp; phải báo cáo thông quan vào Mỹ một loạt các thành phần dữ liệu đầu vào cần thiết để xác nhận tính hợp pháp của sản phẩm từ thời điểm thu hoạch.

Cùng với đó, trong vòng 2 năm, lưu trữ các ghi chép về dữ liệu cùng với tài liệu thông tin về chuỗi cung ứng từ thời điểm thu hoạch tới thời điểm thông quan vào Mỹ.

SIMP cũng cho phép NOAA và các cơ quan liên quan thanh kiểm tra thông tin bắt buộc về chuỗi cung ứng do các nhà nhập khẩu cung cấp.

Điều này sẽ mang lại thuận lợi lớn cho các nỗ lực của chính phủ Mỹ chống lại hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (IUU) và hàng loạt các hoạt động gian lận trong chuỗi cung ứng nhập khẩu tôm do các nhà nhập khẩu không trung thực, vi phạm các luật an toàn người tiêu dùng và thương mại Mỹ.

Tôm nhập khẩu có thể liên quan đến hàng loạt các hoạt động phi pháp, bao gồm khai thác bất hợp pháp IUU; sử dụng các kháng sinh nguy hiểm, phạm pháp tại các trang trại nuôi ở nước ngoài; sử dụng lao động nô lệ trên các tàu khai thác thủy sản quốc tế, các trại nuôi tôm và các nhà máy chế biến; né tránh thuế chống bán phá giá Mỹ và các nỗ lực thực thi luật an toàn thực phẩm Mỹ của FDA.