08:55 26/12/2022

Tổng sản lượng thịt hơi lần đầu chạm mốc 7 triệu tấn

Chu Khôi

Năm 2022, ngành chăn nuôi tiếp tục chịu sự tác động của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá sản phẩm chăn nuôi lên xuống thất thường…

Phát triển chăn nuôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023
Phát triển chăn nuôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023

Tuy nhiên, tại “Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong tình hình mới” tổ chức vào cuối tuần qua tại tỉnh Hà Giang, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi nước ta vẫn tăng trưởng 5,5%, tổng sản lượng thịt hơi các loại lần đầu tiên đạt 7 triệu tấn, vượt xa so với con số 6,69 triệu tấn của năm 2022.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tính đến hết tháng 11/2022, ngành chăn nuôi phát triển ổn định với đàn lợn khoảng 28,8 triệu con, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm 523,6 triệu con, tăng 5,4%; đàn bò 6,42 triệu con, tăng 3,5%; đàn trâu 2,25 triệu con.

CHUYỂN DỊCH NHANH TỪ CHĂN NUÔI NÔNG HỘ SANG TRANG TRẠI TẬP TRUNG

Cũng theo đại diện Cục Chăn nuôi, tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi năm 2022 ước đạt trên 506 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2021. Đặc biệt, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2022 ước đạt 7,0 triệu tấn – cao nhất từ trước đến nay; sản lượng trứng ước dạt trên 18,4 tỷ quả và trên 1,1 triệu tấn sữa.

Tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi tương đối nhanh, giai đoạn 2010 – 2021, sản lượng thịt các loại tăng 1,7 lần, trứng tăng 2,7 lần, sữa tươi tăng 4 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng hơn 2 lần, đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu dân và đóng góp lớn cho xuất khẩu…

 

"Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 68 nhà máy chế biến thịt các loại, sản phẩm thịt chế biến đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm".

Theo Cục Chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi đang từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại tập trung. Đặc biệt, chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo chuỗi khép kín và hữu cơ đang có xu hướng phát triển mạnh.

Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi đã bổ sung nguồn vốn đầu tư, nguồn lực đáng kể cho ngành, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và góp phần nâng cao, cập nhật công nghệ, chuyển đổi phương thức chăn nuôi, nâng cao sức cạnh tranh và tăng khả năng xuất khẩu sản phẩm.

Trong giai đoạn vừa qua, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến diễn ra mạnh mẽ và được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tiếp theo. Tính đến hết tháng 11/2022, cả nước có 109 cơ sở, nhà máy của các doanh nghiệp chế biến thịt, trứng và sữa quy mô công nghiệp để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, đáp ứng nhu cầu chế biến cho khoảng 1,3 triệu tấn thịt, hơn 100 triệu quả trứng, hàng triệu lít sữa tươi hằng năm.

Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang, cho biết tại Hà Giang, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2022 ước đạt 5,04%, đóng góp 28,97% vào cơ cấu kinh tế GRDP của tỉnh. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đến nay tổng đàn gia súc đạt trên 1 triệu con, gia cầm trên 6,27 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước cả năm 2022 đạt 58.789,7 tấn. Đàn ong 63.824 tổ, sản lượng mật ong đạt 438,9 tấn. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong ngành nông nghiệp năm 2022 ước đạt 32%. Tổng giá trị chăn nuôi thu được năm 2022 ước đạt trên 4.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 49 sản phẩm từ chăn nuôi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.

“Phát triển chăn nuôi trong tình hình mới là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Ngành chăn nuôi không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm, tạo thu nhập mà còn là nét văn hóa riêng đối với đồng bào các dân tộc. định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh vùng cao Hà Giang trong thời gian tới đó là khai thác thế mạnh chăn nuôi các con đặc sản theo chuỗi giá trị để xây dựng sản phẩm OCOP”, ông Long chia sẻ.

KIẾN NGHỊ GIẢM CÁC LOẠI THUẾ, PHÍ TRONG NGÀNH CHĂN NUÔI

Năm 2023, ngành chăn nuôi tiếp tục đặt mục tiêu đạt giá trị sản xuất tăng khoảng 4,5 đến 5% so năm 2022.

Phát triển chăn nuôi trong tình hình mới gặp khá nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, xung đột giữa Nga và Ukraina khiến các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào tăng cao là những yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tính bình quân 11 tháng năm 2022, giá các loại thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, từ 7 đến 27%. Tăng mạnh nhất là ngô hạt tăng hơn 8.800 đồng/kg, khô dầu đậu tương tăng 14.500 đồng/kg, methionine tăng 68.000 đồng/kg… Về giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng mạnh, như thức ăn hỗ hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt từ 60 đến xuất chuồng tăng khoảng 13.000 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông mầu tăng 12.800 đồng/kg…

 

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các giải pháp với các địa phương và Chính phủ như: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần sớm phê duyệt 5 đề án ưu tiên thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; kiến nghị với Quốc hội giảm các loại phí, thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2025 để hỗ trợ, khôi phục sản xuất chăn nuôi sau khủng khoảng về dịch bệnh ở vật nuôi và trên người".

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Dự báo, ngành chăn nuôi tiếp tục chịu sự ảnh hưởng của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chi phí logistic tăng cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra các nhóm giải pháp để phát triển chăn nuôi trong tình hình mới như: chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi; sản xuất gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn thực phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường chế biến, chế biến sâu gắn với xúc tiến thị trường thương mại; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi khéo kín, kinh tế tuần hoàn…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ và các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu phát triển các giống vật nuôi năng suất chất lượng cao; quan tâm bảo tồn, phát huy nguồn gen giống vật nuôi bản địa. Chủ động trong nghiên cứu, sản xuất thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi. Định hình lại hoạt động chế biến sản phẩm từ chăn nuôi, biết phát huy lợi thế và có tầm nhìn quốc tế. Quan tâm đầu tư trang thiết bị, chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo môi trường. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi theo hướng bám sát thực tiễn, phục vụ thực tiễn công nghệ.

Đối với các địa phương, Thứ trưởng đề nghị cần tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút, điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.