16:31 26/10/2022

“Heo ăn chay” mở hướng đi riêng cho ngành chăn nuôi Việt nam

Chu Khôi

Chăn nuôi theo chuẩn cũ, thói quen cũ không đảm bảo an toàn sinh học, thường xuyên dịch bệnh và người chăn nuôi thường xuyên thua lỗ. Muốn thành công trong lĩnh vực nhiều thách thức như chăn nuôi, bắt buộc phải tận dụng được lợi thế và tạo ra được sự khác biệt vượt trội…

Sản phẩm thịt heo ăn chay BaF.
Sản phẩm thịt heo ăn chay BaF.

Ngày 26/10/2022 tại TP.HCM, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BaF) tổ chức họp báo công bố thương hiệu “Heo ăn chay BaF Meat”. Sự kiện có sự tham dự của các đối tác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, tổ chức Tài chính, Ngân hàng, công ty đầu tư; các đối tác, khách hàng khác của công ty BaF và cơ quan thông tấn báo chí…

CUỘC THANH LỌC KHỐC LIỆT TRÊN THỊ TRƯỜNG

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay chăn nuôi heo chiếm trên 60% giá trị ngành chăn nuôi Việt Nam. Việt Nam là quốc gia chăn nuôi và tiêu thụ thịt heo lớn thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc.

“Bão giá heo” năm 2017, dịch tả heo châu Phi (2019) và đại dịch Covid-19 vừa qua là cuộc thanh lọc khốc liệt của thị trường. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, tổng đàn heo đạt cao nhất vào năm 2016 (29,1 triệu con); do có khủng hoảng thừa, còn 27,4 triệu con (năm 2017), tăng trở lại vào năm 2018 (28,1 triệu con).

Do dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn giảm sâu kỷ lục vào năm 2019, chỉ còn 19,6 triệu con và hồi phục nhẹ năm 2020 (22,0 triệu con). Năm 2021, tổng đàn heo cả nước đạt 28 triệu con.

Ước tính tổng số heo của cả nước tính đến thời điểm 30/9/2022 tăng khoảng 8,8% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 3232,7 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Xuân Dương nhận định ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.

Năm 2011, cả nước có khoảng trên 4,13 triệu nông hộ chăn nuôi heo; đến năm 2021, cả nước chỉ còn dưới 2 triệu nông hộ chăn nuôi heo. Những thách thức trong những mấy năm vừa qua đã tạo nên một cuộc thanh lọc khốc liệt trên thị trường thịt heo và ngành chăn nuôi heo.

 

“Sự chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi. Cùng với đó, các doanh nghiệp tích cực xây dựng thương hiệu thịt lợn và hệ thống bán lẻ của mình để tối ưu hóa chuỗi giá trị”.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước như Tân Long, Dabaco, Masan,  Trường Hải, Hòa Phát… và nước ngoài (C.P, Japfa comfeed, Newhope, CJ, Emivest, Cargill…) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Năm 2021, tổng đàn heo thuộc 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi heo quy mô lớn, đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn.

Trong đó, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (thuộc Tập đoàn Tân Long) đã nổi lên trở thành đơn vị chăn nuôi heo lớn, sản xuất bài bản theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BaF cho rằng ngành chăn nuôi nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro từ dịch bệnh, giá cả, thị trường và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, phần lớn sản phẩm thịt chưa truy suất được nguồn gốc, không có các kiểm định hoặc cam kết về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chăn nuôi theo chuẩn cũ, thói quen cũ không đảm bảo an toàn sinh học, thường xuyên dịch bệnh và người chăn nuôi thường xuyên thua lỗ.

“Muốn thành công trong lĩnh vực nhiều thách thức như chăn nuôi, bắt buộc phải tận dụng được lợi thế và tạo ra được sự khác biệt vượt trội. Không những phải đầu tư bài bản, mạnh mẽ, xứng tầm mà còn phải đầu tư khác biệt. Điều đó xuất phát từ tinh thần, khát vọng của một doanh nghiệp Việt Nam muốn tạo nên những sản phẩm thương hiệu Việt sạch - ngon – an toàn - giá cả hợp lý cho chính người tiêu dùng trong nước”, ông Bá nhấn mạnh.

PHÂN PHỐI ĐỘC QUYỀN, CHỈ BÁN TRONG NGÀY

Xuất phát từ nhu cầu thị trường và mục tiêu cung cấp sản phẩm thịt sạch có thương hiệu, giá cả hợp lý đến đông đảo người tiêu dùng, Công ty BaF đã sản xuất và tạo nên sản phẩm thịt heo BaF Meat từ “heo ăn chay”. Ông Trương Sỹ Bá cho hay “Heo ăn chay” là đàn heo chỉ ăn thức ăn với 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật.

Ký kết hợp tác về việc phân phối độc quyền thịt BaF
Ký kết hợp tác về việc phân phối độc quyền thịt BaF

Dinh dưỡng từ nguồn cám chay đáp ứng đầy đủ dưỡng chất cho vật nuôi trong mọi giai đoạn sinh trưởng, phát triển; giảm tỷ lệ rủi ro nhiễm các loại vi khuẩn gây hại đến sức khỏe vật nuôi và liên quan đến an toàn thực phẩm. Kết hợp với con giống nhập khẩu từ Genesus (Canada), quy trình chăn nuôi khép kín hiện đại, thịt heo BaF Meat được cam kết về các tiêu chí sạch, an toàn thực phẩm và chất lượng thơm ngon khác biệt.

 

"Công thức cám chay của BaF loại bỏ hoàn toàn thành phần chứa gốc đạm động vật; được nghiên cứu, sàng lọc khắt khe từ nguồn nguyên liệu tươi mới và sản xuất trong hệ thống các nhà máy cám của BaF; chỉ cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ và không bán thương mại ra thị trường".

Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BaF.

Thịt heo BaF Meat có màu đỏ hồng tự nhiên, độ đàn hồi tốt, tỉ lệ rỉ nước ít; khi luộc thịt sẽ thấy nước trong hơn, ít nổi bọt và miếng thịt mềm, thơm, ăn không ngậy.

Trong sự kiện giới thiệu thương hiệu BaF Meat Heo ăn chay, Công ty BaF cũng ký kết hợp tác về việc phân phối độc quyền thịt và các sản phẩm chế biến khác từ thịt mang thương hiệu BaF trong hệ thống chuỗi thực phẩm Siba Food.

Chuỗi thực phẩm Siba Food bao gồm siêu thị Siba Food chuyên bán lương thực, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu và các điểm bán thịt BaF MeatShop. Thịt mát BaF được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn để đảm bảo độ tươi ngon, thịt nóng được cam kết chỉ bán trong ngày.

Siba Food và MeatShop được phát triển theo mô hình mẹ - con. Lấy siêu thị Siba Food làm trung tâm (Mẹ), trong bán kính 3-5km sẽ đặt 6-12 BaF MeatShop là vệ tinh (Con). Mỗi siêu thị Siba Food vừa là điểm kinh doanh, vừa là kho trung tâm quản lý các quầy thịt BaF MeatShop để tối ưu chi phí vận hành và điều chuyển hàng hóa.

Hiện tại, Siba Food đang vận hành 50 siêu thị và 250 Meatshop; phân bố chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Vinh (Nghệ An). Kế hoạch năm 2023 sẽ mở rộng thêm 100 siêu thị và 1.000 BaF MeatShop. Mục tiêu đến năm 2030, Siba Food sẽ đạt quy mô 1.500 siêu thị và 15.000 BaF MeatShop.

 
“Heo ăn chay” mở hướng đi riêng cho ngành chăn nuôi Việt nam - Ảnh 1

Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam thành lập từ năm 2017, hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi theo mô hình kinh doanh chiến lược chuỗi khép kín Feed – Farm – Food từ Con giống nhập khẩu – Công thức dinh dưỡng – Hệ thống trang trại đến Nhà máy giết mổ.

Ngày 17/10/2022, Tổ chức Bureau Veritas (BV) tổ chức trao Chứng nhận Thực hành Nông nghiệp tốt toàn cầu GLOBALG.A.P. CFM 3.0 và Chứng nhận Hệ thống Quản lý thực phẩm FSSC 22000 version 5.1 cho Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi BaF Tây Ninh. Đặc biệt, đây cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đạt cùng lúc 2 chứng nhận được đánh giá là tiêu chuẩn cao nhất về hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, áp dụng trên toàn thế giới.