07:43 09/12/2022

Nguồn cung trong nước dồi dào, Việt Nam vẫn chi tới 3 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi

Chương Phượng

Tổng lượng thịt nước ta sản xuất được khoảng 6,5 triệu tấn và 17 tỷ quả trứng gia cầm/năm, tuy nhiên phần lớn là sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, tỷ lệ xuất khẩu chiếm rất thấp. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thịt và trứng gia cầm chỉ đem về 361 triệu USD, nhưng nước ta phải chi tới 3 tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi…

Chăn nuôi gia cầm thường xuyên đối mặt với tình trạng thừa cung.
Chăn nuôi gia cầm thường xuyên đối mặt với tình trạng thừa cung.

Thông tin trên được các nhà quản lý ngành chăn nuôi, thị trường nông sản nêu lên tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ”, do Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 8/12/2022.

 GIẢM NHẬP KHẨU THỊT VÌ NGUỒN CUNG ĐANG DỒI DÀO

Ông Đinh Viết Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Vùng I, thông tin: Hiện nay bình quân người Việt Nam tiêu thụ 55 - 57 kg thị các loại, 130 - 135 quả trứng/năm, chỉ bằng 70-80% so với các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tổng lượng thịt chúng ta sản xuất được khoảng 6,5 triệu tấn và trứng gia cầm, thủy cầm là 17 tỷ quả/năm. Phần lớn là sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, tỷ lệ xuất khẩu chiếm rất thấp.

 

"Xuất khẩu các sản phẩm thịt và trứng của Việt Nam trong năm 2022 ước tính đạt 361 triệu USD. Hiện chúng ta đang xuất khẩu thịt và trứng đi 26 nước, trong đó 4 thị trường lớn là Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc".

Ông Đinh Viết Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Vùng I.

Thế nhưng, trong 11 tháng của năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu trên 3 tỷ USD về mặt hàng thịt và các sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, thịt lợn tươi chiếm thị phần lớn nhất, tiếp đến là các loại thịt khác và phụ phẩm gia cầm.

“Chúng ta đã có các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, cung ứng thịt và trứng, hình thành được chuỗi cung ứng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và giá trị ngành hàng. Tuy nhiên, số lượng thịt và trứng sản xuất ra chủ yếu là tiêu thụ nội địa”, ông Đinh Viết Tú nói.

Ông Vũ Cường, Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) cho biết chuỗi sản xuất-tiêu thụ thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam Bộ có sự khác nhau giữa các hình thức. Cụ thể, không liên kết (thịt gia cầm 86%, trứng gia cầm 74%); có liên kết (thịt gia cầm 12%, trứng gia cầm 22%); hợp nhất (thịt gia cầm 2%, trứng gia cầm 4%).

Giá bán trong chuỗi thịt không liên kết rẻ hơn 10%, lợi nhuận thấp hơn 10,9% so với chuỗi thịt liên kết.

Từ đặc điểm thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP.HCM và Bình Dương, ông Cường cho rằng cần tổ chức sản xuất theo chuỗi có liên kết hoặc hình thức hợp nhất giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Cần có cơ chế chia sẻ lợi ích và rủi do giữa các tác nhân trong chuỗi.

Ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam cho hay Đông Nam bộ đi đầu cả nước về chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm. Qua 11 tháng theo dõi, phân tích, gà công nghiệp chuyên thịt lông trắng là đối tượng biến động giá tăng giảm nhiều nhất.

Trong quý đầu năm, bình quân giá gà xuất chuồng 31.800 đồng, mỗi kg gà chịu lỗ 1.063 đồng. Nửa cuối năm, giá xuất chuồng tăng thì chăn nuôi gà lông trắng mới có lãi.  Giá gà lông màu tương đối ổn, bà con lãi ít. Trong 10 tháng xuất khẩu gia cầm đạt 1 ngàn tấn, trị giá 2,2 triệu USD.

Cho rằng nguồn cung trong nước đang rất dồi dào, ông Phương khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn đông lạnh. Bên cạnh đó, ông Phương cũng đề cập tới việc giảm giá bán lẻ để kích cầu, tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, từ đó bình ổn thị trường cũng như nâng cao giá trị gia tăng.

"Cần kiểm tra rà soát, đánh giá thực trạng kênh phân phối các sản phẩm thịt để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và người chăn nuôi, Nhà nước thành lập quỹ bình ổn về giá thịt để hỗ trợ điều tiết thị trường tốt hơn", ông Phương đề xuất.

Đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam cũng đề nghị ngân hàng hỗ trợ tín dụng, giúp giảm khó khăn cho nông dân, xem xét phương án phù hợp hỗ trợ người chăn nuôi.

CẦN GIẢI QUYẾT 3 VẤN ĐỀ CỦA CHĂN NUÔI

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết Đồng Nai có 1,7 triệu gia cầm nhưng lại không có cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, sản phẩm của tỉnh phải ngược về Long An giết mổ và trở lại người tiêu dùng Đồng Nai. Từ đó người tiêu dùng phải sử dụng giá cao, người chăn nuôi bán giá thấp.

Theo ông Nguyễn Trí Công, ngành chăn nuôi ở Đồng Nai đang cần giải quyết 3 vấn đề.

Thứ nhất, phải khẳng định là khâu dự báo thị trường của tỉnh Đồng Nai khá yếu, người chăn nuôi hầu như không nắm được biến động thị trường, hầu hết sản xuất theo hướng rủi may, thị trường lên giá thì không được hưởng lợi, nhưng khi thị trường đi xuống thì họ gánh chịu là chính.

Chúng ta đã có các phần mềm, đề nghị khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sử dụng và phổ biến rộng rãi tới các chủ thể chuỗi liên kết để chủ động dự báo thị trường, chủ động sản xuất theo thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí của thị trường…

Thứ hai, đưa Ngân hàng Nông nghiệp trở thành ngân hàng đặc thù của ngành nông nghiệp. Hiện lãi suất ngân hàng rất biến động, lãi suất rất cao trong khi người nuôi vẫn đang chịu lỗ, từ việc trở thành đặc thù, Nhà nước có cơ chế để ngân hàng giữ nguyên lãi suất và có lãi suất trong thời gian dài để người chăn nuôi ổn định sản xuất.

Thứ ba, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm còn bất cập. Để làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan cần tăng cường thanh kiểm tra hơn nữa.

Phát biểu kết thúc diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, nhận định thời điểm này, chỉ còn hơn 1 tháng là đến Tết Nguyên đán, đây là thời gian vàng để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

"Qua ý kiến đóng góp của các đại biểu, chúng tôi thống nhất từ nay đến tết cần kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nắm bắt kịp thời diễn biến thị trường. Ngoài ra, cần đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với tất cả các mặt hàng tiêu thụ trong dịp Tết, đặc biệt là TP. HCM - một thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước", ông Toản nhấn mạnh.

Đối với áp lực nhập khẩu các mặt hàng, các sản phẩm thịt lạnh trong khi nguồn cung trong nước rất dồi dào, ông Nguyễn Quốc Toản kiến nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các cơ quan liên quan có nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tham mưu Bộ không chỉ về sản phẩm gia cầm mà còn các mặt hàng khác như thịt bò, lợn… Đồng thời, làm sao tăng năng lực sản xuất, chế biến của người chăn nuôi, doanh nghiệp.

"Chúng ta cần nâng cao năng lực quản trị theo chuỗi và phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan, các chủ thể để tăng chuỗi giá trị. Ngoài ra, chúng ta cần nỗ lực tập trung sản xuất các sản phẩm chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu", ông Toản gợi ý.

Để nâng cao năng lực thị trường cho các HTX chăn nuôi và nông dân chăn nuôi, ông Toản cho rằng có thể thấy việc thiết lập không gian bán hàng trên mạng tại khu vực Đông Nam bộ còn khiêm tốn. Nền tảng thương mại điện tử sẽ là cơ hội mở ra giúp các doanh nghiệp, HTX đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ chăn nuôi.