10:31 15/12/2022

Nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi lên tới 5,16 tỷ USD

Chu Khôi

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu về Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 650 triệu USD, tăng 61,7% so với tháng trước và tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu lên tới 5,16 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021…

Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Dự kiến lượng nhập khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu về Việt Nam năm 2022 sẽ đạt gần 10 triệu tấn, trị giá 5,4 tỷ USD, giảm 4% về lượng nhưng tăng 8% về trị giá so với năm 2021.

HƠN 3,5 TỶ USD NHẬP KHẨU ĐẬU TƯƠNG VÀ KHÔ DẦU ĐẬU TƯƠNG

Trong số 5,16 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi lên tới gần 5 tỷ USD. Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam nhập khẩu 27 chủng loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Trong 11 tháng vừa qua, khối lượng đậu tương về Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn, tiêu tốn 1,18 tỷ USD, giảm 9,8% về lượng nhưng tăng 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Lượng nhập khẩu đậu tương về Việt Nam trong những tháng tới dự kiến đạt từ 120- 160 nghìn tấn/tháng, với giá nhập khẩu từ 700 – 730 USD/tấn.

Việt Nam nhập khẩu đậu tương từ 5 thị trường, trong đó Braxin là thị trường cung cấp đậu tương lớn nhất, chiếm 70% tổng lượng đậu tương nhập khẩu và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo đây sẽ là thị trường cung cấp đậu tương lớn nhất của Việt Nam trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, do nguồn cung dồi dào, giá cạnh tranh so với các thị trường cung cấp khác.

Lượng nhập khẩu đậu tương từ Braxin trong năm 2022 dự kiến đạt trên 1 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2021. Mỹ là thị trường cung cấp đậu tương lớn thứ 2 cho Việt Nam, nhưng lượng nhập khẩu giảm mạnh, đạt 519 nghìn tấn, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 30,3% tỷ trọng nhập khẩu.

 

"Tính chung 11 tháng năm 2022, lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam đạt 4,33  triệu tấn, tiêu tốn tới 2,44 tỷ USD, giảm 7,1% về lượng nhưng tăng 4,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 47% về lượng và 49% về trị giá trong tổng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam".

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Tuy nhiên, đậu tương chưa phải là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn gia súc, mà “vô địch” thuộc về khô dầu đậu tương. 

Nguồn cung cấp chính khô đậu tương là Nam Mỹ và Mỹ. Giá nhập khẩu trung bình khô đậu tương trong tháng 10/2022 ở mức 587 USD/tấn, giảm 1,4% so với tháng trước nhưng tăng 25,2% so với tháng 10/2021. Lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam trong năm 2022 dự kiến đạt 4,7 triệu tấn, trị giá 2,65 tỷ USD, giảm 6% về lượng nhưng tăng 6% về trị giá so với năm 2021.

Đối với mặt hàng khô dầu cọ, nhập khẩu trong 11 tháng đạt 515 nghìn tấn, trị giá 111 triệu USD, giảm 8,2% về lượng nhưng tăng 6,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng khô dầu cọ là Indonesia (đạt 421,3 nghìn tấn) và Malaysia (đạt 27,4 nghìn tấn).

Trong 11 tháng qua, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã nhập khẩu 237 nghìn tấn khô hạt cải, trị giá  91,5 triệu USD, giảm 15,8% về lượng và giảm 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng khô hạt cải là Ấn Độ, UAE, Pakixtan…

Từ đầu năm đến nay, lượng dinh dưỡng gia súc nhập về Việt Nam đạt 1,23 triệu tấn, kim ngạch 460 triệu USD, tăng 0,8% về lượng và tăng 21,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Việt Nam đã nhập khẩu 521 nghìn tấn cám gạo, trị giá 112 triệu USD, tăng 1,8% về lượng và tăng 23,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng này là Ấn Độ. Giá nhập khẩu trung bình cám gạo trong tháng 11/2022 ở mức 241 USD/tấn, tương đương với tháng trước và tăng 23,2% so với tháng 11/2021. 

Nhập khẩu cám ngô cũng tăng mạnh, trong 11 tháng đã nhập  140 nghìn tấn, kim ngạch 43 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng cám ngô là Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, nước ta nhập khẩu 354 nghìn tấn cám mỳ, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung cấp cám mỳ chủ yếu từ Tanzania, Indonesia…

Nhập khẩu bột cá trong 11 tháng đạt 110 nghìn tấn, kim ngạch 163 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng này là Ấn Độ, Ôman, Pêru… Hiện giá nhập khẩu trung bình bột cá ở mức 1.522 USD/tấn.

Trong 11 tháng, các doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi cũng đã chi 503 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng chất bổ trợ, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính là Châu Á (Trung Quốc, Thái Lan…).

LO NGẠI VỀ BỘT THỊT XƯƠNG NHẬP KHẨU

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu 724 nghìn tất bột thịt xương, tiêu tốn 402 triệu USD; tăng 17,1% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhập khẩu trung bình bột thịt xương trong tháng 11/2022 ở mức 565 USD/tấn, tăng 7,8% so với tháng 11/2021.

EU là khối thị trường cung cấp lớn nhất mặt hàng bột thịt xương cho Việt Nam trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023 do những ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại, các dòng thuế nhập khẩu hàng hóa hầu hết về 0%, nên giá nhập khẩu bột thịt xương từ EU sẽ ở mức cạnh tranh so với các thị trường cung cấp khác.

Lượng nhập khẩu bột thịt xương từ EU trong năm 2022 dự kiến đạt gần 500 nghìn tấn, trị giá 277 triệu USD, tăng 22,5% về lượng và tăng 40,6% về trị giá so với năm 2021. Mỹ là thị trường cung cấp mặt hàng bột thịt xương lớn thứ 2 cho Việt Nam,  chiếm 14,9% tổng lượng bột thịt xương nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022.

Việt Nam cũng đã nhập khẩu 210 nghìn tấn bột thịt gia cầm, trị giá 200 triệu USD trong 11 tháng của năm 2022; tăng 8,1% về lượng và tăng 21% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhập khẩu trung bình bột gia cầm trong tháng 11/2022 ở mức 961 USD/tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường cung cấp chính mặt hàng này là Mỹ, Braxin, Ả Rập Xê Út…

Tình trạng nhập khẩu bột thịt xương lợn và bột thịt gia cầm tăng mạnh, cho thấy các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc ở Việt Nam vẫn còn sử dụng nhiều nguyên liệu này.

 

"Bột xương thịt, bột thịt gia cầm được sản xuất từ phế phẩm, nên nguy cơ chứa nhiều chất độc hại, tiềm ẩn nguy cơ chứa virus, vi khuẩn gây bệnh. Bởi vậy, chăn nuôi ở EU không còn sử dụng nguyên liệu này".

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty BaF.

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty BaF cho biết rất nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn sử dụng đạm gốc động vật được nhập khẩu từ các doanh nghiệp châu Âu có giá rất rẻ, được sản xuất từ xương, phụ phẩm heo, những bộ phận không dùng đến của heo.

“Ở các nước phát triển, phần phụ phẩm này nếu không làm bột xương thịt họ phải tốn kém thêm chi phí để xử lý, đảm bảo cho vấn đề môi trường, do đó, đạm gốc động vật được chế biến thực chất không tính đến lợi nhuận, nên giá rất rẻ”, ông Bá thông tin. 

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho biết trước đây, một số axit amin thiết yếu trong vật nuôi, mà trong thực vật không có, con người cũng chưa tổng hợp được. Khi đó, sản xuất thức ăn chăn nuôi phải sử dụng một tỷ lệ nhất định đạm động vật, bao gồm: bột cá, bột thịt, bột xương, bột lông vũ…

Nhưng hiện nay công nghệ đã phát triển, con người đã sản xuất được hầu hết các axit amin thiết yếu và các dinh dưỡng quan trọng để cân đối thức ăn cho vật nuôi. Vì vậy ngày nay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tiên tiến trên thế giới, trong đó có Công ty CP Việt Nam đã không còn sử dụng nguyên liệu đạm động vật nữa, mà sử dụng 100% nguyên liệu từ thực vật.

Ông Tuấn cũng tỏ ra ngạc nhiên khi biết số lượng bột thịt xương, bột thịt gia cầm nhập khẩu về Việt Nam quá lớn, và cho rằng: “Chỉ những doanh nghiệp công nghệ lạc hậu mới còn cần đến nguyên liệu này, và sớm hay muộn các doanh nghiệp đó cần phải thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững”.