08:47 29/03/2021

Tổng thống Ai Cập tính biện pháp “bất đắc dĩ” để giải phóng con tàu mắc cạn ở Suez

An Huy

Việc Tổng thống Ai Cập phải lên tiếng đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tắc nghẽn ở kênh đào Suez

Tàu Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez - Ảnh: Maxar.
Tàu Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez - Ảnh: Maxar.

Tổng thống Ai Cập Abde Fattahel-Sisi đã hạ lệnh chuẩn bị dỡ hàng hóa khỏi con tàu container siêu trường siêu trọng bị mắc cạn ở kênh đào Suez. Việc dỡ hàng sẽ diễn ra nếu mọi nỗ lực khác nhằm giải quyết vụ tắc nghẽn đều thất bại, tờ Financial Times đưa tin.

Quyết định mà ông Sisi đưa ra là một dấu hiệu cho thấy kênh Suez - một chặng vận tải biển huyết mạch của thế giới - có thể sẽ ở trong tình trạng tắc nghẽn thêm vài tuần nữa, cho dù nỗ lực khơi thông đã kéo dài sang ngày thứ 5 liên tiếp.

Vào ngày Chủ nhật theo giờ địa phương, các nhóm cứu hộ tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực giải cứu con tàu Ever Given với tải trọng 220.000 tấn do Đài Loan vận hành. Nhà chức trách hy vọng, sóng lớn và việc con tàu có thể xê dịch một chút ít có thể giúp tàu thoát khỏi tình trạng mắc cạn trong tình trạng các container hàng hóa vẫn còn nguyên trên tàu.

Tuyên bố mà ông Sisi đưa ra đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Ai Cập can thiệp vào vụ mắc kẹt ở Suez. Giới quan sát lo ngại rằng việc dỡ ít nhất một phần số container hàng hóa khỏi tàu Ever Given - một công việc khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian - có thể sẽ là lựa chọn cuối cùng còn sót lại để khơi thông con kênh đào.

Ông Osama Rabie, người đứng đầu cơ quan quản lý kênh đào Suez SCA, ngày Chủ nhật cho biết đã đề nghị công ty trục vớt quốc tế Smit - đơn vị đang tham gia xử lý vụ tắc nghẽn - bắt đầu chuẩn bị trang thiết bị để dỡ hàng khỏi tàu Ever Given.

"Chúng tôi sẽ chuẩn bị mọi thứ cần thiết để khi cần, chúng tôi không phải chờ thêm", ông Rabie nói.

Kênh đào Suez là tuyến hàng hải mà khoảng 12% tổng lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu đi qua. Vụ tắc con kênh khiến các nhà sản xuất và bán lẻ trên khắp thế giới rơi vào cảnh "như ngồi trên đống lửa" vì chuỗi cung ứng có nguy cơ bại gián đoạn kéo dài. Khoảng 10% lượng dầu thô được vận chuyển bằng tàu chở dầu trên toàn cầu cũng đi qua con kênh này.

Theo Financial Times, nguy cơ gián đoạn kéo dài đã làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra khan hiếm linh kiện và sản phẩm, từ linh kiện ô tô và hàng hóa cơ bản, cho tới đồ chơi và giấy toilet. Dữ liệu từ công ty vận tải biển Lloyd cho thấy khoảng 10 tỷ USD hàng hóa mỗi ngày bị kẹt ở hai đầu ở kênh Suez vì tàu vận chuyển không thể đi qua.

Hai tàu hút công suất cao đã làm việc xuyên đêm ngày thứ Bảy để hút bùn và cát ở những điểm mà tàu Ever Green bị kẹt. Ngày Chủ nhật, 14 tàu kéo cùng tham gia nỗ lực dịch chuyển con tàu. Ông Rabie cho biết con tàu mức cạn đã xê dịch được khoảng 4 mét, một tín hiệu tích cực nhưng chưa đủ để xoay con tàu về vị trí có thể di chuyển.

Giới phân tích cho biết, những con tàu như Ever Given chủ yếu chở những container kích thước 40 foot, tương đương hơn 12 mét, cộng thêm khoảng 1/4 số container trên tàu là loại 20 foot. Tất cả những container này đều cần phải dùng cần cẩu chuyên biệt để dỡ nếu nhà chức trách đi đến quyết định dỡ hàng khỏi tàu. Tổng số container trên tàu ước tính lên tới khoảng 10.000. Việc dỡ số hàng chắc chắn là một công việc đầy khó khăn, xét tới bờ việc hai bờ kênh không phải là một nơi lý tưởng để xếp hàng nghìn thùng hàng.

Các công ty vận tải biển đã bắt đầu đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về cuộc khủng hoảng tắc nghẽn kênh đào Suez. Mediterranean Shipping Company nói rằng đây là "một trong những sự gián đoạn lớn nhất đối với thương mại toàn cầu trong những năm gần đây". Các hãng cũng bắt đầu chuyển hướng tàu đi qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi và tính đến việc dùng máy bay để "giải cứu" những hàng hóa không để được lâu. Tuy nhiên, việc chuyển hướng này sẽ khiến hành trình kéo dài thêm 1 tuần.

Cho dù tàu Ever Given có thể được giải phóng trong vài ngày tới, thì ngành tàu biển cũng sẽ mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng gián đoạn, vì các đội tàu đã rơi vào tình trạng vị trí lộn xộn. Ngoài ra, các cảng biển ở châu Á và châu Âu cũng sẽ bị tắc nghẽn nghiêm trọng sau khi kênh Suez được khơi thông.