08:39 14/10/2021

Tổng thống Putin: Nga không cố tình đẩy giá khí đốt ở châu Âu leo thang

An Huy

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/10 phủ nhận những cáo buộc cho rằng Nga cố tình đẩy giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng cao bằng cách hạn chế xuất khẩu khí đốt sang thị trường này...

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một hội nghị năng lượng ở Moscow ngày 13/10 - Ảnh: Getty/CNBC.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một hội nghị năng lượng ở Moscow ngày 13/10 - Ảnh: Getty/CNBC.

Phát biểu tại một hội nghị năng lượng ở Moscow, người đứng đầu điện Kremlin gọi những cáo buộc như vậy là “có động cơ chính trị” và vô căn cứ. Ông Putin lên tiếng sau khi giới chức Liên minh châu Âu (EU) gần đây nói rằng nguồn cung khí đốt chậm hơn từ Nga là một phần nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và cam kết đẩy mạnh nỗ lực của khối nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch.

“Nước Nga chẳng sử dụng vũ khí nào”, ông Putin nói. “Ngay cả trong những giai đoạn căng thẳng nhất của chiến tranh lạnh, Nga cũng liên tục hoàn thành các nghĩa vụ trong hợp đồng và cung cấp khí đốt cho châu Âu”.

Lần gần đây nhất Nga hạn chế xuất khẩu khí đốt sang EU là vào tháng 1/2009, sau khi hai bên không thể đạt thoả thuận về giá cả và thuế quan quá cảnh khí đốt qua đường ống ở Ukraine. Trước đó, Nga cũng giảm cung cấp khí đốt cho Ukraine trong một thời gian ngắn vào năm 2006 và 2008 do mâu thuẫn về giá.

Năm 2014, tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom cảnh báo về khả năng lặp lại cuộc khủng hoảng năng lượng 2009 sau khi Ukraine chậm thanh toán tiền mua khí đốt Nga và mối quan hệ giữa Nga với phương Tây giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời chiến tranh lạnh sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên, lời cảnh báo đó của Moscow đã không trở thành hiện thực.

Trong phát biểu ngày 13/10, ông Putin thể hiện một thái độ mềm mỏng hơn, nói rằng Nga “sẵn sàng thảo luận bất kỳ biện pháp bổ sung nào” với các chính phủ châu Âu để xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng xấu đi.

“Nga thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ hợp đồng với đối tác, bao gồm các đối tác ở châu Âu”, ông nói. “Ngoài ra, chúng tôi luôn cố gắng để hài hoà lợi ích của cả đôi bên”.

Giá điện bán buôn ở châu Âu hiện đã tăng 200% so với mức bình quân của năm 2019, theo số liệu của Uỷ ban châu Âu (EC). Nguyên nhân khiến giá điện ở châu Âu tăng vọt là do giá khí đốt tự nhiên tăng phi mã, mà giá khí đốt leo thang là do nhu cầu khí đốt tăng mạnh ở châu Á và lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu ít hơn dự kiến.

Tại hầu hết các quốc gia châu Âu, nhu cầu tiêu thụ điện được đáp ứng bởi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt, trong khi 40% lượng khí đốt mà châu Âu tiêu thụ được nhập khẩu từ Nga – theo cơ quan thống kê châu Âu Eurostat.

Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) kêu gọi Nga cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu để giúp giải toả cuộc khủng hoảng năng lượng tại khu vực này. IEA nói rằng cho dù Nga đang tuân thủ các nghĩa vụ hợp đồng với khách hàng châu Âu, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu thực ra giảm so với mức của năm 2019.

Trong một cuộc họp báo ngày 13/10, người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói rằng Nga đã tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu lên mức cao nhất có thể theo các hợp đồng hiện có và không thể vượt qua ngưỡng này.

Trước đây, giới chức Nga nói rằng việc đẩy nhanh phê chuẩn Nord Stream 2, dự án đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi nối Nga và Đức, có thể giúp giảm giá khí đốt. Đường ống này mới hoàn tất vào tháng trước sau nhiều năm vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia gồm Mỹ, vì Washington cảnh báo rằng đường ống này có thể gia tăng ảnh hưởng của Moscow ở châu Âu.

Hồi tháng 7, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố đã đạt một thoả thuận với Berlin về việc cho phép Nord Stream 2 đi vào hoạt động, nhằm đổi lấy sự hỗ trợ của Đức trong vấn đề Ukraine. Đường ống này hiện đang chờ sự phê chuẩn của Chính phủ Đức.

Uỷ ban châu Âu (EC) ngày 13/10 công bố một loạt biện pháp nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, bao gồm đẩy nhanh cuộc dịch chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh.

Thành viên các nước EU trước đó đã triển khai một loạt biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp ứng phó với giá điện cao nhất một thập kỷ, bao gồm hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các hộ gia đình, trợ cấp cho doanh nghiệp, và giảm thuế có trọng điểm.