TP.HCM kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp bình ổn thị trường
Đặt doanh nghiệp làm trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế, tạo đà, tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời tiếp tục thực hiện chương trình kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp bình ổn thị trường...
Tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành công thương TP.HCM diễn ra mới đây, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết năm 2022, Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 47,18 tỷ USD, tăng 5,1% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng tại Thành phố gồm cả dầu thô, ước đạt 41,58 tỷ USD, tăng 1,8% so cùng kỳ.
Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm dần tỷ trọng các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp trung bình và công nghệ cao.
Báo của ngành công thương TP.HCM cho biết năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 13,9% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 14,3%); trong đó, bốn nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 20,4% (cùng kỳ giảm 10,6%), cao hơn 6,5 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Về thương mại và dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong năm 2022 ước đạt 1.089.446 tỷ đồng, tăng 30,5% so với năm 2021. Trong đó, tính riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 625.520 tỷ đồng, tăng 20,5%.
Đối với chương trình bình ổn thị trường, Thành phố vẫn duy trì những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; trong đó một số hàng hóa có lượng hàng bình ổn chiếm tới 30 - 50% thị phần. Việc cung ứng hàng hóa cho người dân luôn được thực hiện thường xuyên.
TP.HCM là địa phương đầu tiên khởi xướng và triển khai liên tục chương trình bình ổn thị trường kể từ năm 2002. Đến nay chương trình được xem là công cụ điều tiết hợp lý, hiệu quả và được nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước... Tổng sản lượng hàng bình ổn thị trường ngày càng lớn, chiếm lĩnh thị phần cao tại Thành phố, đủ sức điều tiết thị trường cũng như sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá.
Cụ thể, chương trình bình ổn năm 2022, lượng hàng trứng gia cầm bình ổn chiếm 79% thị phần; thịt gia cầm chiếm 33,8%; dầu ăn chiếm 28,2%; đường chiếm 21,3%; thịt gia súc chiếm 18,6%... Tổng doanh thu của chương trình năm 2022 ước đạt gần 22.400 tỷ đồng…
Một hoạt động thương mại khác khá phát triển và được xem là một công cụ điều tiết, hỗ trợ trực tuyến đó là thương mại điện tử. Theo đó, các hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM tiếp tục phát triển, tăng trưởng mạnh.
Các kênh phân phối thương mại điện tử được triển khai đa dạng các mô hình, ứng dụng, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử, đáp ứng xu hướng mua sắm trực tuyến thay cho mua sắm truyền thống của người tiêu dùng thành phố.
Nhận định về kế hoạch kinh tế - xã hội của TP.HCM năm 2022, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2022 phục hồi nhanh, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và tăng trưởng vượt mức trên 9%.
Năm 2023, Thành phố đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7,5 - 8% so với năm 2022 (năm 2022 chỉ tiêu đặt ra từ 6 – 6,5% và đã đạt 9,03%).
Ông Võ Văn Hoan đề nghị ngành công thương Thành phố, trong năm 2023 tập trung xây dựng các chương trình, đề án nhất là đề án phát triển các ngành công nghiệp; tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hoạt động thương mại với các tỉnh, thành khác. Thực hiện kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp bình ổn thị trường, như liên kết, kết nối ngân hàng... Đồng thời xây dựng lại kế hoạch phát triển trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.