11:15 15/12/2022

TP.HCM dẫn đầu cả nước về xuất nhập khẩu

Minh Hà

Trong 11 tháng năm 2022, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM đạt 101,58 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 43,62 tỷ USD, nhập khẩu 57,96 tỷ USD…

Kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM đạt hơn 101,58 tỷ USD trong 11 tháng.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM đạt hơn 101,58 tỷ USD trong 11 tháng.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, với kết quả 101,58 tỷ USD sau 11 tháng năm 2022, TP.HCM bỏ xa các địa phương khác trong nhóm dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu. Cụ thể, sau 11 tháng, quy mô xuất nhập khẩu của tỉnh Bắc Ninh đạt 78,55 tỷ USD; Bình Dương đứng thứ 3, đạt 54,4 tỷ USD… Ngoài ra, TP.HCM tiếp tục duy trì vị thế đứng đầu trong tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết ước tính hết tháng 12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố năm 2022 đạt khoảng 140 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2021, tổng nguồn thu khoảng 138.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cán cân thương mại của TP.HCM nhập siêu trên 14 tỷ USD. Điều này phản ánh tình hình sản xuất xuất khẩu trên địa bàn TP.HCM đang có dấu hiệu giảm tốc những tháng cuối năm do ảnh hưởng lạm phát ở các thị trường trọng điểm.

Năm ngoái, dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 trong cuối quý 2/2021 nhưng TP.HCM vẫn dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, đạt gần 45 tỷ USD, kế tiếp là Bắc Ninh với 44,8 tỷ USD, Bình Dương đứng thứ 3 với 32,7 tỷ USD.

Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, nhất các sản phẩm nông-lâm-thủy sản, dệt may, da giày, điện thoại các loại và linh kiện, hàng điện tử - những mặt hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao.

Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các khu vực và các quốc gia trên thế giới. Các hiệp định thương mại tự do đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới, cùng với diễn biến phức tạp về địa chính trị tại một số khu vực, lượng kiều hối chảy về TPHCM vẫn tiếp tục tăng trưởng khá tích cực và được dự báo đạt khoảng 6,8 tỷ USD.

Đây được xem là nguồn lực vàng không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân trong nước, mà còn là nguồn lực tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Được biết, trong những năm qua, TPHCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối nhận được. Năm 2021, lượng kiều hối chảy về TPHCM đạt khoảng 6,5-6,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước đó, bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, tính chung cả nước, lượng kiều hối về đạt khoảng 12,5 tỷ USD.