14:44 20/04/2022

TP. Hồ Chí Minh chi gần 5.000 tỷ đồng hỗ trợ 9 triệu người dân và phòng, chống dịch

Trâm Anh

Tính đến ngày 13/4, TP. Hồ Chí Minh chi 4.932 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và trên 9 triệu lượt người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...

Tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi tại TP. Hồ Chí Minh.
Tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi tại TP. Hồ Chí Minh.

Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội nghị báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm và kế hoạch 8 tháng cuối năm 2022.

Thông tin từ hội nghị, Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh bám sát dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được giao năm 2022, phối hợp với hệ thống ngân hàng thương mại, cơ quan thu trên địa bàn tập trung đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu vào ngân sách. Đồng thời, cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ công tác điều hành ngân sách các cấp.

Trong những tháng đầu năm 2022, Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh tập trung thực hiện kiểm soát thanh toán các khoản chi thuộc niên độ ngân sách năm 2021, rà soát đối chiếu số liệu và bám sát dự toán ngân sách năm 2022 được giao, thanh toán kịp thời cho các đơn vị thụ hưởng.

 

Về tình chi ngân sách trên địa bàn, tính đến ngày 13/4, thành phố thực hiện chi hỗ trợ kịp thời cho 9.280.216 lượt với tổng số tiền 4.620 tỷ đồng đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chi cho công tác phòng chống dịch, số tiền 312 tỷ đồng.

Liên quan đến kinh phí chi phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, đại diện Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu lên đến 32.411 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khả năng cân đối của ngân sách thành phố chỉ 17.206 tỷ, còn thiếu 15.205 tỷ. Trong khi đó, trung ương mới hỗ trợ cho thành phố 2.000 tỷ đồng.

Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, các đơn vị xây dựng dự toán kinh phí với số tiền lớn gây áp lực rất lớn cho thành phố. Ngoài ra, số dự toán kinh phí chi công tác phòng, chống dịch liên tục thay đổi.

Bên cạnh đó, chi thường xuyên 13.999 tỷ đồng ngân sách nhà nước niên độ 2022, trong đó, 9.607 tỷ đồng ngân sách địa phương, đạt 24,13% dự toán (39.820 tỷ đồng) và 4.392 tỷ đồng ngân sách trung ương.

Về chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn ngân sách địa phương 2.408 tỷ đồng, đạt 7% kế hoạch; ngân sách trung ương 847 tỷ đồng, đạt 15,6% kế hoạch năm.

Đến thời điểm này về cơ bản các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, ông Trần Quân làm Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước đề nghị tập thể ban lãnh đạo, đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh cần quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện tốt vai trò tham mưu trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước trên địa bàn, đặc biệt luôn là cầu nối trong việc phối hợp công tác điều hành ngân sách trên địa bàn và cầu nối phối hợp giữa Kho bạc Nhà nước Trung ương với các cơ quan địa phương.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu trên địa bàn tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước. Thực hiện kiểm soát chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, đáp ứng kịp thời các yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năng động của thành phố. Đồng thời, nghiên cứu mô hình Kho bạc Nhà nước Thủ Đức phù hợp với yêu cầu của thành phố và mục tiêu chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước.

Thứ hai, tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, triển khai thực hiện tốt công tác cải cách, hiện đại hóa.

Chủ động báo cáo, phản ánh về Kho bạc Nhà nước các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, những bất cập về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, chương trình ứng dụng để kịp thời sửa đổi, hoàn thiện.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác luân phiên, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, đặc biệt là đối với công chức trong diện quy hoạch nhằm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kế cận để phát huy được truyền thống.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và quản lý nội bộ, đặc biệt là hoạt động nghiệp vụ tiềm ẩn rủi ro cao. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát trên dịch vụ công trực tuyến, kiểm tra đột xuất các đơn vị trực thuộc để kịp thời chấn chỉnh tồn tại, sai sót góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền về chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Trong đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng hình ảnh, phối hợp với các sở ban ngành của địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền hướng tới nhiều đối tượng; giữ vững đoàn kết nội bộ, xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh.