23:24 21/10/2010

“Trả lại tên” thuế cho xăng, dầu

Nguyên Hà

Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường

Một số vấn đề sau khi tiếp thu, giải trình vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội.
Một số vấn đề sau khi tiếp thu, giải trình vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội.
Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường tại phiên họp Quốc hội sáng 21/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng với việc ban hành luật thuế này thì cần thiết chuyển từ thu phí xăng, dầu sang thu thuế bảo vệ môi trường.

Giải trình này được đưa ra khi quá trình thảo luận trước đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc tính hợp lý khi chỉ riêng đối với mặt hàng xăng, dầu khi áp dụng thuế môi trường sẽ bỏ quy định về thu phí xăng, dầu còn mặt hàng khác như than vẫn tiếp tục chịu phí môi trường.  

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối chiếu với bản chất của sắc thuế bảo vệ môi trường thì khoản thu từ phí xăng, dầu hiện hành thực chất là khoản thu mang bản chất của thuế này. Vì, khoản thu này áp dụng đối với việc sử dụng hàng hóa (là xăng, dầu) gây ô nhiễm môi trường, không áp dụng cho quá trình sản xuất gây ô nhiễm để có thể tiếp tục áp dụng việc thu phí môi trường.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn thu từ phí xăng, dầu mang bản chất của nguồn thu từ thuế vì theo quy định của pháp luật hiện hành thì số thu phí xăng, dầu là khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, không phân biệt mục đích sử dụng, không bù đắp trực tiếp cho xử lý ô nhiễm môi trường tại địa phương như các khoản phí môi trường khác.

Tuy nhiên, do trước đây, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có Luật thuế bảo vệ môi trường nên đã áp dụng quy định thu phí xăng, dầu, mặc dù việc áp dụng hình thức thu phí chưa thật phù hợp với bản chất nguồn thu.

 Cũng theo giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì việc chuyển từ thu phí xăng, dầu sang thu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu không có nghĩa là không bảo đảm tính công bằng đối với các mặt hàng khác, trong đó có than.

Vì, mặc dù mặt hàng xăng, dầu chịu thuế bảo vệ môi trường, song trong quá trình khai thác, chế biến dầu thô, xăng, dầu phát thải gây ô nhiễm môi trường, nhà sản xuất vẫn phải nộp phí môi trường như đối với việc khai thác, chế biến than. Hiện nay các cơ sở chế biến xăng, dầu phải nộp các khoản phí môi trường đối với nước thải; cơ sở khai thác dầu thô phải nộp phí hoạt động khai thác khoáng sản. Cho dù có áp dụng Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu thì doanh nghiệp khai thác, chế biến xăng, dầu vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nộp các khoản phí này.  

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển giải thích thêm, đối với than là mặt hàng mà quá trình khai thác, chế biến thành phẩm gây ô nhiễm nghiêm trọng cho đất đai, nguồn nước và không khí thì cần thiết phải áp dụng phí môi trường cho quá trình khai thác để bù đắp chi phí khắc phục hậu quả môi trường.

Còn thuế bảo vệ môi trường đối với than là nghĩa vụ tài chính mà người tiêu thụ than phải thực hiện do than là sản phẩm khi sử dụng gây ô nhiễm. Như vậy, cả xăng, dầu và than đều có đặc điểm chung là: sản phẩm cùng chịu thuế bảo vệ môi trường khi được sử dụng và cùng chịu phí môi trường cho quá trình khai thác, chế biến do xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Tại phiên thảo luận sáng nay không nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên “gói” lại: tại sao chuyển từ phí sang thuế, trước đây chúng ta đặt tên cho nó không đúng, bây giờ trả lại cho đúng với tên của nó là thuế.