15:20 09/08/2016

Trung-Hàn lạnh giá vì hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ

An Huy

Hiện tại, Hàn Quốc đã đối mặt với sự trả đũa kinh tế từ Trung Quốc cho dù phải tới cuối năm 2017 Thaad mới thực sự được triển khai

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye - Ảnh: BBC-Bloomberg.<br>
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye - Ảnh: BBC-Bloomberg.<br>
Lần đầu tiên kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cảm nhận được sự lạnh giá trong mối quan hệ Seoul-Bắc Kinh.

Trung Quốc giận dữ

Theo hãng tin Bloomberg, dưới sự lãnh đạo của bà Park, một người có khả năng nói lưu loát tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc đã cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc. Việc Trung-Hàn xích lại gần nhau một phần xuất phát từ mối quan ngại chung của hai nước về quá khứ chiến tranh của Nhật Bản và những tham vọng quân sự của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Năm ngoái, khi Trung Quốc tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, bà Park là nhà lãnh đạo quốc gia đồng minh Mỹ duy nhất tham dự.

Hàn Quốc và Trung Quốc đã có lúc ca ngợi mối quan hệ song phương đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mối quan hệ đó giờ đây xấu đi trông thấy, và Tổng thống Park có thể sẽ nhận được sự tiếp đón kém nồng hậu khi tới Trung Quốc vào tháng tới để dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G-20).

Lý do nằm ở chỗ: bà Park nhất trí để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tối tân Thaad trên đất Hàn Quốc.

Hàn Quốc vẫn nói rằng Thaad nhằm mục đích ứng phó với nguy cơ từ Triều Tiên, quốc gia liên tục phóng thử tên lửa trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản ứng giận dữ, nói rằng lá chắn này có thể nhằm vào Trung Quốc. Nga cũng phản đối việc Thaad được triển khai ở châu Á.

Bloomberg cho rằng, không chỉ có khả năng khiến lượng khách du lịch Trung Quốc tới Hàn Quốc sụt giảm, căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước có thể làm thay đổi bản đồ địa chính trị ở khu vức Bắc Á. Hàn Quốc có thể xích lại gần hơn với Mỹ, thậm chí là cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc có thể thân thiết hơn với Triều Tiên.

“Việc triển khai Thaad là một biểu tượng của cuộc chiến tranh lạnh mới”, ông Shi Yongming, nhà nghiên cứu chuyên về Hàn Quốc và Triều Tiên tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh nói. “Động thái này đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Trung-Hàn. Niềm tin chiến lược đã bị phá vỡ. Động lực ở Đông Bắc Á đã dịch chuyển một cách cơ bản, theo hướng xấu đi một cách sâu sắc”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã miêu tả kế hoạch triển khai Thaad như một động thái “hoàn toàn chiến lược”, nhấn mạnh quan điểm của Bắc Kinh cho rằng việc triển khai lá chắn này là một kế hoạch của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc trong khu vực. Việc Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ với Nhật Bản thông tin về Thaad càng củng cố quan điểm này của Trung Quốc.

Tại một cuộc họp báo vào tháng trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói Thaad “hoàn toàn chỉ có mục đích phòng thủ”. “Không có lý do gì để Trung Quốc hay bất kỳ một quốc gia nào khác lo ngại về khả năng tấn công của hệ thống này”, ông Kirby nói, và cho biết Mỹ đã đề nghị chia sẻ thông tin về Thaad với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh không chấp nhận.

Một hệ quả của căng thẳng quan hệ Trung-Hàn xung quanh lá chắn tên lửa của Mỹ có thể là một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Bắc Á, trong đó cả Trung Quốc và Nga sẽ phát triển những loại vũ khí tinh vi hơn. Ngoài ra, việc triển khai Thaad ở Hàn Quốc cũng có thể làm lợi cho Triều Tiên, cho phép Bình Nhưỡng củng cố quan hệ với Bắc Kinh, đồng minh lớn duy nhất của nước này.

Đối mặt với sự trả đũa kinh tế

Hiện tại, Hàn Quốc đã đối mặt với sự trả đũa kinh tế từ Trung Quốc cho dù phải tới cuối năm 2017 Thaad mới thực sự được triển khai trên lãnh thổ nước này. Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc đã nhận diện được 26 biện pháp mà Trung Quốc sử dụng gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội.

Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm 9%. Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Đối với cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Park Geun Hye, mối quan hệ đi xuống giữa hai nước có thể khiến họ suy giảm vốn liếng chính trị. Khi mới lên cầm quyền, ông Tập đã chọn Seoul thay vì Bình Nhưỡng trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc. Trong khi đó, bà Park đã dựa vào Trung Quốc nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

“Chính việc Trung Quốc không thể kiềm chế Triều Tiên mà lại không sẵn sàng đem đến cho Hàn Quốc sự đảm bảo an ninh đáng kể đã cho thấy giới hạn đối với những gì mà Hàn Quốc có thể kỳ vọng ở Trung Quốc”, ông Phillip Saunders, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quân sự Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ, nhận định.

Nhà phân tích Kim Dong-yup thuộc Học viện Nghiên cứu Viễn Đông, Đại học Kyungnam, Hàn Quốc cho rằng những bất đồng xung quanh Thaad “là niềm vui đối với Triều Tiên”.

Ông Yue Gang, một đại tá nghỉ hưu của Trung Quốc, nói nước này có nhiều lựa chọn để đáp trả. Theo ông Yue, nhằm ngăn chặn Thaad “mở đường cho một NATO phiên bản Đông Bắc Á”, Trung Quốc có thể làm nhiễu radar của Thaad hoặc tăng mật độ triển khai tên lửa của nước này.

Tuy vậy, Trung Quốc vẫn sẽ phải thận trọng để tránh trở nên quá xa cách với Hàn Quốc.

“Hành động nào cũng có hệ quả. Trung Quốc đã đẩy Hàn Quốc về phía Mỹ và Nhật, dù họ vẫn cố thể hiện rằng đây là một âm mưu của Mỹ. Đây là một phần rất phản tác dụng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc”, ông Robert Manning, chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm An ninh Quốc tế Brent Scowcroft ở Washington, nhận xét.