18:02 17/07/2017

Trung Quốc chi đậm thâu tóm cảng biển khắp thế giới

Kim Tuyến

Trung Quốc tăng gấp đôi đầu tư thâu tóm các cảng biển và tuyến được vận tải biển khắp Á - Âu

Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên biển bằng việc đầu tư vào các cảng biển khắp Á - Âu.
Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên biển bằng việc đầu tư vào các cảng biển khắp Á - Âu.
Từ đầu năm tới nay, đầu tư mua lại các cảng biển và tuyến vận chuyển đường biển mới ở nước ngoài của Trung Quốc tăng lên 20 tỷ USD, gấp đôi so với cả năm ngoái.

Theo tờ Financial Times, ngoài việc tăng chi cho việc thâu tóm cảng biển nước ngoài nhằm tăng cường sức mạnh trên biển, Trung Quốc còn lên kế hoạch mở các tuyến đường vận chuyển mới qua biển Bắc Cực.

Nước này đầu tư chủ yếu vào các cảng biển nằm quanh ba “tuyến đường kinh tế xanh lam” như đã đề cập đến hồi tháng 6 và coi đây là nhân tố quan trọng đối với thành công của sáng kiến “Một vành đai - Một con đường” - kế hoạch thế kỷ kết nối giao thương với 65 quốc gia Á - Âu.

Một nghiên cứu của Grisons Peak thuộc một ngân hàng đầu tư tại London cho thấy, tính tới tháng 6/2017, nhiều công ty Trung Quốc đang có kế hoạch mua hoặc đầu tư vào 9 cảng biển ở nước ngoài với tổng giá trị lên tới 20,1 tỷ USD.

Ngoài ra, các công ty này cũng đang thảo luận để đầu tư vào nhiều cảng khác với giá trị không được tiết lộ.

Con số này tăng gấp đôi so với 9,97 tỷ USD Trung Quốc dành cho các dự án cảng biển ở nước ngoài trong năm 2016, theo ước tính của Financial Times.

Một trong ba tuyến đường biển thuộc “đường kinh tế xanh lam” chạy từ Trung Quốc tới Ấn  Độ Dương, nối tiếp tới Địa Trung Hải, là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Các công ty Trung Quốc cũng đầu tư mạnh cho 4 cảng biến ở Malaysia, cụ thể 7,2 tỷ USD cho cảng Melaka Gateway, 2,84 tỷ USD cho cảng Kuala Linggi, 1,4 tỷ USD cho cảng Penang và 177 triệu USD cho các dự án cảng Kuantan.

Tại Indonesia, công ty Ningbo Zhoushan Port của Trung Quốc dự định đầu tư 590 triệu USD cho Kalibaru - dự án mở rộng Tanjung Priok - cảng biển lớn nhất nước này.

Jing Gu, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển thuộc đại học Sussex của Anh, nhận định việc đầu tư mạnh tay vào các nước Đông Nam Á cho thấy “nỗ lực tạo quan hệ hoà hảo” với các nước trong khu vực này của Trung Quốc.

“Tuy nhiên, điều này cũng gây ra các vấn đề tranh cãi liên quan tới chủ quyền lãnh thổ và sức mạnh kinh tế cũng như nhu cầu nguồn lực của Trung Quốc”, bà Gu cho biết.

Các tuyến đường biển từ Trung Quốc tới châu Âu qua Đại Tây Dương giúp giảm thời gian vận chuyển tới vài ngày, cũng nhận được nhiều quan tâm. Một trong những dự án gây chú ý là cảng nước sâu gần Arkhangelsk, thuộc vùng biển Trắng của Nga và tuyến đường sắt sâu trong nội địa Siberia.

Công ty quốc doanh Poly Group của Trung Quốc là chủ đầu tư lớn nhất của cả dự án cảng biển và đường sắt này.

Cảng Klaipeda thuộc Lithuanian đóng vai trò quan trọng trên tuyến đường biển Đại Tây Dương, cũng thu hút được nhiều chào mời đầu tư từ hãng vận tải cảng biển China Merchants để xây một cảng container mới với quy mô lớn.

Financial Times dẫn nguồn tin thân cận cho biết các công ty Trung Quốc cũng thảo luận về việc đầu tư các cảng tiềm năng như Kirkenes - cảng biển của Na Uy trên biển Barents và hai cảng khác ở Iceland.

Jonathan Hillman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có đang theo đuổi một chiến lược bí mật nào dưới vỏ bọc thương mại hay không.

“Về mặt chiến lược, việc sở hữu các cảng biển sẽ mở cánh cửa cho các hoạt động phi thương mại như tổ chức lực lượng quân đội, thu thập thông tin tình báo”, Hillman nói. “Tuy nhiên, ngoài kế hoạch chiến lược khổng lồ đó, nhiều nhóm lợi ích tại Trung Quốc cũng như những nước liên quan đang tỏ ra ‘háo hức’ tham gia vào các dự án này dưới khẩu hiệu của sáng kiến ‘Một vành đai - Một con đường’, ông nói thêm.