17:21 28/05/2015

"Trung Quốc đang làm biến dạng môi trường biển đảo”

Nguyễn Lê

Nỗi lo bảo vệ chủ quyền biển đảo được thể hiện rất rõ trong phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28/5

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
“Với hành vi đổ hàng vạn m3 bê tông, sắt thép xuống dưới biển, chúng ta hoàn toàn có thể lên án với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc đang làm biến dạng môi trường biển đảo”, đại biểu Lê Việt Trường phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, sáng 28/5 của Quốc hội.

Chỉ có 9 vị đại biểu tham gia thảo luận, nhưng nỗi lo bảo vệ chủ quyền biển đảo được thể hiện rất rõ.

Tại báo cáo giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo luật chưa bao quát hết các loại đảo, như bãi cạn “nửa nổi, nửa chìm”, “đảo ngầm”, “bãi đá”, “bãi san hô”, “đảo nhân tạo”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình rằng, theo quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam thì đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

Như vậy, các bãi cạn chìm xuống khi triều lên và nổi lên khi triều xuống là bãi cạn lúc nổi, lúc chìm, không được coi là đảo, và Luật Biển Việt Nam cũng không quy định về đối tượng này.

Nếu như Luật Biển Việt Nam không nhắc thì bây giờ chúng ta càng phải nhắc, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ quan điểm. Nhưng theo ông thì Luật Biển Việt Nam đã bao gồm các bãi đá, hoặc các bãi cạn nửa chìm nửa nổi.

“Đã từng có tranh chấp đổ máu, có nhiều chiến sĩ đã ngã xuống để giành giật những bãi đá này. Hiện nay, âm mưu của Trung Quốc là xây dựng những cấu trúc để khi nước lớn thì nó vẫn nổi. Bởi vì, bãi đá nửa chìm, nửa nổi không có hải lý, không có lãnh hải, nếu nước lớn nó vẫn nổi thì nó được biến thành bãi đá và khi thành bãi đá nó có 12 hải lý xung quanh, 12 hải lý xung quanh có nghĩa là lãnh hải của nước đó”, ông Nghĩa lập luận.

“Ý kiến của tôi cũng trùng với ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa”, đại biểu Lê Việt Trường nói.

“Ở luật này chúng ta không xác định pháp lý cho từng vùng biển, chúng ta tập trung vào việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường biển. Vì vậy, không có vấn đề gì khi chúng ta đưa các khái niệm, bãi cạn nửa nổi, nửa chìm, đảo ngầm, bãi đá, bãi san hô, đảo nhân tạo vào trong luật”, ông Trường lập luận.

Việc đưa các khái niệm trên vào trong luật, theo đại biểu Lê Việt Trường, chính là việc kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quốc phòng và an ninh một cách hài hòa.

Hiện nay ở khu vực Trường Sa có rất nhiều các khu vực là các bãi nửa chìm, nửa nổi, đảo ngầm, bãi đá, san hô… cũng là thực tế được các vị khác đề cập.

Và ông Trường cho rằng quy định vào trong luật này là hoàn toàn phù hợp và không có mâu thuẫn gì đối với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
 
“Chỉ có quy định thì chúng ta mới có cơ sở để đấu tranh với những hành vi kể cả người trong nước cũng như nước ngoài khi tiến hành các hoạt động gây hại đến tài nguyên và môi trường của biển và hải đảo thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của nước ta”, ông Trường nhấn mạnh.

“Tất cả ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được ghi chép, ghi âm đầy đủ và sẽ được nghiên cứu, tiếp thu một cách rất trách nhiệm và sẽ báo cáo lại Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết thúc phiên thảo luận.