17:00 06/01/2010

Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới

Kiều Oanh

Năm 2009, Trung Quốc đã giành vị trí nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới từ Đức

Việc Trung Quốc giành ngôi vị nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đã được nhiều người dự báo từ trước, vì trong suốt thập kỷ vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của nước này liên tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 20%.
Việc Trung Quốc giành ngôi vị nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đã được nhiều người dự báo từ trước, vì trong suốt thập kỷ vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của nước này liên tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 20%.
Năm 2009, Trung Quốc đã giành vị trí nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới từ Đức. Khủng hoảng và suy thoái đã khiến nhiều cường quốc xuất khẩu gặp khó, tạo cơ hội cho Trung Quốc vươn lên.

Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu thống kê hải quan từ công ty nghiên cứu Global Trade Information Serives có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ, cho biết, Trung Quốc đã xuất khẩu một lượng hàng hóa trị giá 975 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2009, so với kim ngạch 917 tỷ USD của Đức.

Theo các chuyên gia, trong 2 tháng cuối cùng của năm 2009, Đức khó có thể đạt được những mức kim ngạch đủ lớn để đảo ngược tình thế. Những thống kê chính thức về xuất nhập khẩu của Trung Quốc sắp sửa được nước này công bố trong vài ngày tới.

Việc Trung Quốc giành ngôi vị nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đã được nhiều người dự báo từ trước, vì trong suốt thập kỷ vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của nước này liên tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 20%.

Năm 2007, Trung Quốc đã vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Hiện Trung Quốc còn đang trên đà vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, sau Mỹ.

“Trung Quốc đã và đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng hơn nhiều so với Đức tển mọi phương diện. Trung Quốc còn có dân số lên tới 1,3 tỷ người, trong khi Đức chỉ có 83 triệu dân”, giáo sư Douglas Irwin thuộc Đại học Dartmouth của Mỹ nhận xét.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc đã tranh thủ được những cơ hội mà khủng hoảng tài chính đem lại để vươn lên. Trong cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc đã không chịu tác động nặng nề như các nền kinh tế lớn khác.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sa sút vì khủng hoảng, xuất khẩu của Trung Quốc đã lao dốc 20,4% trong 10 tháng đầu năm 2009, so với mức suy giảm 27,4% của Đức và 21,4% của Mỹ. Các thống kê thương mại này không bao gồm số liệu về xuất khẩu dịch vụ - lĩnh vực vốn là thế mạnh của các nước phát triển nhưng lại là một điểm hạn chế của Trung Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu của Đức giảm đặc biệt mạnh trong năm 2009 do sự co cụm của hoạt động xuất khẩu máy móc và các hàng hóa cơ bản khác trước tác động từ suy giảm đầu tư trong hầu hết các ngành công nghiệp trên toàn cầu. Trong khi đó, hoạt động tiêu dùng của người dân trên thế giới giảm ít hơn, làm lợi cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc vốn thiên về các mặt hàng tiêu dùng giá cả phải chăng mà ai cũng phải dùng hàng ngày.

Thêm vào đó, do tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được neo buộc vào đồng USD, nên sự mất giá của USD trong năm qua kéo đồng tiền này giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác, tạo ra sức cạnh tranh cho hàng Trung Quốc. Nhờ đó, hàng Trung Quốc đã gia tăng thị phần tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong năm qua.

Theo giới phân tích, kim ngạch xuất khẩu cao không hẳn đồng nghĩa với thành công kinh tế nói chung. Nhiều ý kiến đã chỉ trích rằng Đức và Trung Quốc đã tập trung quá nhiều vào xuất khẩu mà không dành nhiều nỗ lực cho việc thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa. Mặt khác, nhiều nhà xuất khẩu của Trung Quốc đạt được mức lợi nhuận thấp do chỉ thực hiện việc gia công hàng hóa cho các công ty nước ngoài.

Đối với Đức, sự vượt lên của Trung Quốc mang đến cả cơ hội lẫn thách thức. Theo ông Jens Nagel, một chuyên gia về thương mại thuộc Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Đức, Trung Quốc vừa là đối thủ cạnh tranh lớn nhất, vừa là thị trường năng động nhất của nước này.

Nhiều doanh nghiệp Đức cho hay, kim ngạch xuất khẩu của họ sang Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi lên khác đang tăng trưởng mạnh trở lại, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu đang phục hồi chậm chạp.

Các chuyên gia cho rằng, một khi xuất khẩu nhiều hơn, các nhà máy của Trung Quốc sẽ cần tới nhiều hơn các thiết bị máy móc nhập từ Đức, và điều này rõ ràng sẽ tốt cho nền kinh tế Đức.

Vấn đề của Đức lúc này không phải là bị Trung Quốc vượt lên, mà là người tiêu dùng Đức thắt chặt chi tiêu, khiến lĩnh vực dịch vụ của nước này bị kìm hãm. Trong khi đó, ngành dịch vụ vốn được xem là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng hơn đối với thị trường việc làm của Đức so với khu vực xuất khẩu.

(Theo Wall Street Journal)