10:41 30/07/2009

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán hoạt động theo mô hình mới

Hoàng Xuân

Lễ ra mắt hoạt động theo mô hình mới của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã diễn ra vào sáng 29/7

Ông Vũ Văn Ninh - Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại buổi lễ ra mắt hoạt động theo mô hình mới của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
Ông Vũ Văn Ninh - Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại buổi lễ ra mắt hoạt động theo mô hình mới của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
Lễ ra mắt hoạt động theo mô hình mới của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) diễn ra vào sáng 29/7 đã chính thức hoàn tất quá trình chuyển đổi mô hình của các trung tâm giao dịch và trung tâm lưu ký theo quy định của Luật Chứng khoán.

Từ đơn vị sự nghiệp có thu chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu của Nhà nước, VSD đã có một bước chuyển căn bản về mặt tổ chức điều hành theo thông lệ quốc tế, nhằm tạo sự chủ động lớn hơn trong việc phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, và hướng đến mục tiêu xây dựng một Trung tâm Lưu ký Chứng khoán chuyên nghiệp, khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu trong việc đảm bảo sự vận hành an toàn và thông suốt cho thị trường chứng khoán.

Trên 650 nghìn tài khoản của nhà đầu tư
 
Sau 9 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ngày càng khẳng định vai trò là một kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, phấn đấu tạo dựng cơ chế công bằng, minh bạch trên thị trường, bảo vệ nhà đầu tư.

Chỉ trong 2 năm 2007 và 2008, thông qua thị trường chứng khoán, trên 152 nghìn tỷ đồng vốn mới cho đầu tư phát triển đất nước đã được huy động; khối lượng vốn được luân chuyển, giao dịch trên thị trường tương đương gần 40% GDP năm 2008 với giá giao dịch bình quân mỗi phiên trên 1.500 tỷ đồng.

Đến nay, đã có trên 370 chứng khoán được niêm yết, giao dịch; trên 650 nghìn tài khoản của nhà đầu tư; quy mô thị trường cổ phiếu đạt khoảng 33% GDP, thị trường trái phiếu khoảng 16% GDP.

“Việc đảm bảo chính xác, kịp thời, an toàn trong các giao dịch phát hành, chuyển nhượng, bù trừ, thanh toán chứng khoán, đảm bảo an toàn về tài sản và quyền lợi của nhà đầu tư là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu. Thời gian vừa qua, Trung tâm lưu ký chứng khoán đã thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, qua đó góp phần vào việc thúc đẩy thị trường phát triển an toàn. Công việc này tuy thầm lặng nhưng lại rất có ý nghĩa”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã đánh giá cao vai trò của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.

Sau hơn 3 năm hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Ủy ban Chứng khoán - Bộ Tài chính, thực hiện nhiệm vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ việc giao dịch mua, bán chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã hoàn thành tốt vai trò của mình.

Tuy nhiên, cho đến nay, khi thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển ở một mức độ cao hơn, mô hình hoạt động hiện nay của Trung tâm đã bộc lộ những hạn chế nhất định.

“Quyết định thành lập Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở chuyển đổi, tổ chức lại Trung tâm lưu ký chứng khoán, từ đơn vị sự nghiệp có thu sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu của Nhà nước là bước đi cần thiết, tạo đà cho sự phát triển của thị thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam nói riêng nhờ phát huy được các lợi thế”, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết.

So với mô hình cũ, mô hình mới có nhiều điểm khác biệt. VSD được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, có tư cách pháp nhân và con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước, nước ngoài; là đơn vị hạch toán độc lập, tự chủ về tài chính...

Hoạt động theo mô hình mới, VSD là đơn vị hạch toán độc lập, tự chủ về tài chính, thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán và chế độ thống kê theo quy định của pháp luật.

Về chức năng, VSD là tổ chức duy nhất thực hiện đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoàn tất giao dịch cho các chứng khoán niêm yết tại các sở giao dịch và chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết.

Mặc dù VSD kế thừa mọi quyền lợi, trách nhiệm của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán trước đây, nhưng việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phải tuân thủ quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, điều lệ tổ chức và hoạt động của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và các quy định pháp luật liên quan.

Dự kiến chuyển sang mô hình công ty cổ phần năm 2012

Về cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam bao gồm Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc và các chi nhánh, các phòng ban chuyên môn.

Quá trình chuyển đổi của VSD sẽ theo hai giai đoạn. Theo Đề án chuyển đổi của VSD, sau giai đọan 1 (2009 -2010) chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH 1 thành viên, giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2012), VSD sẽ chuyển sang mô hình công ty cổ phần, trong đó Nhà nước là cổ đông lớn nhất và có sự tham gia góp vốn của các sở giao dịch chứng khoán, các tổ chức thành viên và một số đối tác chiến lược.

Theo bà Phương Hoàng Lan Hương, Giám đốc VSD, việc lựa chọn hai giai đoạn chuyển đổi này dựa trên điều kiện và hoàn cảnh của VSD và sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Thứ nhất, hoạt động của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đòi hỏi cần phải được trang bị hệ thống hạ tầng kĩ thuật hiện đại để đảm bảo hoạt động được an toàn và có tính bảo mật cao.

Mô hình công ty TNHH, trong đó Nhà nước là chủ sở hữu duy nhất sẽ đảm bảo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán có được sự đầu tư tập trung về cơ sở vật chất kỹ thuật của Nhà nước ngay từ giai đoạn đầu.

Ngoài ra, điều này cũng giúp Trung tâm Lưu ký Chứng khoán có thêm thời gian để ổn định hoạt động, không gây ra xáo trộn lớn về tổ chức làm ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường.

Thứ hai, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán có vị trí đặc biệt trên thị trường chứng khoán, là tổ chức thực hiện lưu giữ tài sản với giá trị rất lớn của nhà đầu tư trong đó có cả các định chế tài chính quan trọng của Nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước.

Việc Nhà nước sở hữu Trung tâm Lưu ký Chứng khoán sẽ tạo sự an tâm cho nhà đầu tư khi hoạt động của thị trường chưa thực sự mang tính chuyên nghiệp và hiệu quả.

Thứ ba, thị trường chứng khoán Việt Nam mới được hình thành trong thời gian ngắn, các tổ chức thành viên trên thị trường hầu hết đều mới được thành lập, quy mô vốn nhỏ, thành phần sở hữu đa dạng và chưa thiết lập được các nguyên tắc quản trị công ty tốt.

Vì vậy, việc cho phép tham gia góp vốn và quản lý Trung tâm Lưu ký Chứng khoán của các thành phần này sẽ gây ra khó khăn trong vấn đề xây dựng cơ cấu sở hữu hợp lý và ảnh hưởng đến chất lượng quản trị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.

Đồng thời, hiện thị trường đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Để đảm bảo tài sản của Nhà nước được định giá chính xác, tránh gây thất thoát, cần thiết phải có thời gian để chuẩn bị phương án cổ phần hóa và đối tác tham gia góp vốn đảm bảo chiến lược phát triển mang tính ổn định dài hạn và hiệu quả của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.