07:31 08/06/2021

Tự chủ nguyên liệu để giá thép không "lẽo đẽo" theo thị trường

Mạnh Đức

Trước năm 2012, thép là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, nhưng kể từ ngày 28/6/2012 khi Quốc hội chính thức ban hành Luật Giá (Luật số 11/2012) thì một số mặt hàng trong đó có thép đã được đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá...

Thép không thuộc mặt hàng bình ổn giá.
Thép không thuộc mặt hàng bình ổn giá.

Đợt tăng giá thép vừa qua không chỉ tác động trực tiếp đến ngành xây dựng mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế. Vì vậy, đã có ý kiến đề xuất thành lập quỹ bình ổn mặt hàng thép. Tuy nhiên, ngay lập tức, ý tưởng này đã không nhận được sự tán thành, nhiều chuyên gia cho rằng đây là việc làm phi thị trường và không hợp lý, bởi thép không nằm trong danh mục sản phẩm thiết yếu.

Trước năm 2012, thép là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, nhưng kể từ ngày 28/6/2012 khi Quốc hội chính thức ban hành Luật Giá (Luật số 11/2012) thì một số mặt hàng trong đó có thép đã được đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá...

Trước ý tưởng hình thành quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ ổn định thị trường thép, các chuyên gia trong và ngoài ngành thép đều cho rằng điều này là đi ngược với quy luật kinh tế thị trường và không phù hợp với nguyên nhân chủ yếu làm biến động giá thép gần đây.

KHÔNG THỂ ĐI NGƯỢC LẠI QUY LUẬT THỊ TRƯỜNG

Quỹ bình ổn là một trong những công cụ vận hành theo Luật Quản lý giá, nhưng mặt hàng thép không thuộc danh mục hàng hóa được bình ổn theo luật nên việc đề xuất xây dựng quỹ bình ổn giá thép không phù hợp. Hơn nữa, thị trường thép đã đi vào cạnh tranh gần 10 năm nay, nên không có lý do gì mà can thiệp vào thị trường cũng như giá thị trường thông qua những công cụ của Nhà nước, kể cả quỹ bình ổn.

Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, việc giá thép tăng mạnh trong thời gian qua là do giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu tăng cao, vì vậy việc lập quỹ bình ổn không phù hợp với các nguyên nhân gây ra bất ổn về giá thép. Đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá thép là tư duy ngược với thể chế về quản lý giá trong cơ chế thị trường, tạo ra những khoản chi không cần thiết, làm cho bộ máy cồng kềnh, hoạt động của lĩnh vực thép trở nên phức tạp. Ngoài ra, còn gây bất lợi cho Việt Nam khi nước ta đã đàm phán và ký kết hàng loạt FTA.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Sưa, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cũng cho rằng đề xuất lập quỹ bình ổn giá thép là không phù hợp với nguyên tắc quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, bởi thép không phải là mặt hàng do Nhà nước quản lý giá. Giá thép trong nước tăng đột biến vừa qua phần lớn do giá nguyên liệu sản xuất mặt hàng này (quặng sắt, than mỡ, thép phế...) đều tăng vọt trên thị trường quốc tế.  

 

Nguyên vật liệu chiếm tới 90% cấu thành giá sản xuất thép, nên khi nguyên vật liệu tăng, đẩy giá thép trong nước lên cao. Giá thép tăng do mặt bằng giá thế giới. Việc lập quỹ bình ổn không phù hợp với những nguyên nhân gây ra bất ổn về giá thép. Phải sử dụng quy luật cung cầu của thị trường hạ nhiệt giá mặt hàng này mới bền vững.

Ông Nguyễn Văn Sưa, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

Thậm chí, một số chuyên gia còn cho biết, theo quy định hiện hành, ngay cả những mặt hàng đang thuộc diện bình ổn giá như mặt hàng sữa cũng không được phép lập quỹ, trừ xăng, dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng và liên quan đến an ninh quốc gia. Đối với ngành thép hiện nay, việc cạnh tranh đã đầy đủ và không có đơn vị nào chiếm thế độc quyền nên không có lý do gì dùng công cụ của Nhà nước, hay thông qua quỹ bình ổn cho thị trường này. Thay vào đó, muốn hạ nhiệt giá thép, nên dùng các công cụ gián tiếp như thuế, chính sách phòng vệ thương mại...

Không chỉ các chuyên gia kinh tế phản đối, ngay cả doanh nghiệp sản xuất thép cũng không đồng tình. Lý do là giá thép đang ở mức cao, nếu đóng tiền thành lập quỹ thì người tiêu dùng thiệt thòi. Nếu khi giá giảm dưới giá thành sản xuất, doanh nghiệp sản xuất có được lấy kinh phí từ quỹ để bù lỗ hoặc điều hành tăng không? Đặc biệt, vấn đề nguồn hình thành quỹ lấy từ đâu bởi các doanh nghiệp sản xuất thép đang hoạt động khá độc lập sẽ có mức giá riêng cho sản phẩm của doanh nghiệp. Như vậy, Bộ Công Thương, Tài chính sẽ lấy giá của doanh nghiệp nào để tham chiếu khi xây dựng giá sàn cần phải bình ổn giống như mặt hàng xăng dầu?

Chính vì vậy, biện pháp lâu dài và khả thi nhất để bình ổn thị trường thép là Chính phủ cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thép tự chủ nguồn nguyên liệu, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu qua đó hạn chế sự tăng giá thép.

KHÔNG PHẢI ĐỀ XUẤT CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

Trước làn sóng phản ứng với ý tưởng thành lập quỹ bình ổn thép, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định “đây không phải ý kiến chính thức” của Bộ. Trong văn bản gửi Chính phủ ngày 20/5 Bộ đã nêu một số giải pháp để hạ nhiệt thị trường nhưng “không có kiến nghị lập quỹ bình ổn”.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, từ cuối năm 2020, giá thép nguyên liệu và thành phẩm đã có xu hướng tăng cao. Trước tình hình đó, ngày 5/2/2021, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng về tình hình cung cầu, biến động giá thép của năm 2020 cũng như dự báo năm 2021, trong đó phân tích các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp ổn định cung cầu giá thép trong thời gian tới.

Gần đây, giá thép tiếp tục tăng cao với biên độ lớn, ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp trong ngành xây dựng và các doanh nghiệp sử dụng thép làm đầu vào cho sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng.

Ngày 8/5/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo về công tác điều hành giá năm 2021, trong đó giao Bộ Công Thương “nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước, nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm”.

Ngày 15/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép; trong đó yêu cầu đề xuất, kiến nghị các biện pháp kiểm soát, giảm tác động của việc tăng giá thép làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thép như: Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát... để nắm bắt tình hình thảo luận, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp.

Ngày 20/5, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2817 gửi Chính phủ và các cơ quan có liên quan về tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu thụ thép. Trong báo cáo, Bộ Công Thương đã đưa ra đánh giá tình hình cung cầu thép và giá thép trên thế giới, khu vực và tại Việt Nam. Bộ đề xuất những kiến nghị để tác động tích cực đến giá thép, góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

 

Trong báo cáo chính thức gửi Chính phủ và các cơ quan có liên quan về tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu thụ thép, Bộ không đề xuất, kiến nghị thành lập quỹ bình ổn giá thép. Vì vậy, có thể khẳng định rằng đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá thép không phải là đề xuất chính thức của Bộ Công Thương.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo với Chính phủ việc triển khai xây dựng các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Bộ Công Thương cũng tiếp tục theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Mặt khác, tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho một số bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng... Trong báo cáo chính thức này, Bộ không đề xuất, kiến nghị thành lập quỹ bình ổn giá thép. Vì vậy, có thể khẳng định rằng đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá thép không phải là đề xuất chính thức của Bộ Công Thương.

Ngày 11/5, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Hiệp hội Thép Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn đề nghị rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu lớn trong nước, tăng nguồn cung, đồng thời hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thép trong nước đang có nhu cầu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu lớn và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.