09:00 24/07/2019

Ủy ban Chứng khoán nhà nước độc lập hay trực thuộc bộ?

thanh hải

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trao đổi là vị thế của Ủy ban Chứng khoán nhà nước

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhằm thu thập thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức, các công ty chứng khoán về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), sáng 23/7, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự án này.

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh cho biết, sau kỳ họp, với vai trò là cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Kinh tế phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tài chính để tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, vẫn có những nội dung lớn và quan trọng còn có ý kiến khác nhau như vị thế của Ủy ban Chứng khoán nhà nước; mô hình tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán; chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... cần phải tiếp tục làm rõ.

Làm rõ vị thế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trao đổi tại hội thảo đó là vị thế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Báo cáo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, Bộ Tài chính kiến nghị giữ nguyên quy định về tổ chức Ủy ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính tại dự thảo Luật. 

Lý do là mô hình này đã phát huy được hiệu quả trong quản lý và điều hành (thể hiện ở việc thị trường chứng khoán đã có những tăng trưởng vượt bậc trong những năm vừa qua); việc duy trì mô hình tổ chức bộ máy Ủy ban Chứng khoán nhà nước thuộc Bộ Tài chính đảm bảo được yêu cầu tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực...; phù hợp với mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán tại nhiều nước, cơ bản phù hợp với các nguyên tắc của IOSCO và phù hợp với điều kiện, đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam...

Trái ngược với đề nghị của Bộ Tài chính, qua thảo luận không ít ý kiến đề nghị, nên để Ủy ban Chứng khoán nhà nước độc lập và trực thuộc Chính phủ để có thêm thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề trực tiếp hơn. 

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, hiện nay trong 128 quốc gia trên thế giới có thị trường chứng khoán thì có tới 121 quốc gia có cơ quan quản lý thị trường chứng khoán là độc lập. Do vậy, để thị trường chứng khoán Việt Nam có sự bứt phá, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế, thì Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần phải được độc lập hoàn toàn.

"Điều quan trọng nhất là nâng cao năng lực của thị trường chứng khoán, cũng như cơ quan quản lý thị trường, thì cần phải có một Ủy ban Chứng khoán nhà nước độc lập, không trực thuộc Bộ Tài chính", chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Việc để Ủy ban Chứng khoán nhà nước độc lập sẽ giúp nâng cao vị thế thị trường tài chính Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế, đã đến lúc cần giao cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước vị thế tương xứng với tốc độ phát triển hiện nay.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) bày tỏ quan điểm, việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, hay độc lập không quan trọng, mà phải rà soát các quy định nhằm đảm bảo tính độc lập của Ủy ban Chứng khoán nhà nước để cơ quan này có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức quản lý và giám sát toàn diện đối với thị trường chứng khoán. 

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập cũng khó. Do vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể vẫn trực thuộc Bộ Tài chính nhưng thẩm quyền nên cân nhắc có những quy định cụ thể hơn trong luật.

Làm rõ mô hình hoạt động của sở giao dịch chứng khoán

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra hồi tháng 5-6/2019 vừa qua, đa số đại biểu Quốc hội có ý kiến nhất trí Sở giao dịch chứng khoán là một đầu mối và được đặt tại trung tâm tài chính (Hà Nội hoặc Tp.HCM). Nếu tổ chức Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là công ty mẹ của hai Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tp.HCM sẽ thêm một cấp trung gian. 

Có ý kiến cho rằng, đối với hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán thì có thể có văn phòng hoặc có chi nhánh ở Hà Nội, Tp.HCM hay các đô thị lớn khác để thuận tiện cho các nhà đầu tư cũng như việc huy động vốn.

"Bộ Tài chính kiến nghị giữ nguyên mô hình tổ chức, hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán như quy định tại dự thảo Luật", Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho biết.

Tại Việt Nam, việc thành lập Sở giao dịch chứng khoán theo mô hình công ty mẹ - con về bản chất là việc thực hiện sắp xếp lại các chức năng nhiệm vụ đang phân tán tại các Sở giao dịch chứng khoán hiện nay. 

Định hướng tổ chức như vậy sẽ hạn chế việc trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của 2 sở, giúp 2 sở tập trung vào chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán và hiệu quả quản lý giám sát đối với thị trường chứng khoán.

Qua phát biểu, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa bày tỏ quan điểm đồng tình kiến nghị của Bộ Tài chính. Theo ông Nghĩa, việc bố trí mô hình tổ chức, hoạt động như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường, trong trường hợp thị trường có những diễn biến bất lợi thì có thể rút về dễ dàng; hoặc khi thành công thì việc mở thêm cơ sở cũng thuận lợi hơn.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng lại cho rằng, mỗi mô hình Sở giao dịch chứng khoán như dự án luật đưa ra đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, nếu quyết định lựa chọn mô hình hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán là công ty mẹ - con, thì trong dự thảo luật lần này cũng nên có quy định rõ ràng để công ty mẹ không nên can thiệp quá nhiều vào hoạt động của công ty con...