23:33 23/07/2011

“Vai trò Chủ tịch Quốc hội có những đặc thù nhất định”

Nguyễn Lê

Góc nhìn của một đại biểu Quốc hội về những thuận lợi, khó khăn ban đầu của Chủ tịch Quốc hội

Tân Chủ tịch Quốc hội khóa 13 Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: TTXVN.
Tân Chủ tịch Quốc hội khóa 13 Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: TTXVN.
Chiều 23/7, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhậm chức, 17 vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 cũng đã ra mắt Quốc hội.

Tin tưởng vào bộ máy lãnh đạo mới của Quốc hội, song nhiều vị đại biểu cũng chia sẻ với những khó khăn ban đầu có thể gặp phải của những vị lãnh đạo đang công tác tại cơ quan hành pháp chuyển sang cơ quan lập pháp.

Bên hành lang kỳ họp, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí, ngay khi việc bỏ phiếu bầu Chủ tịch mới vừa hoàn thành.

Khi Phó thủ tướng Chính phủ được bầu giữ trọng trách Chủ tịch Quốc hội, theo ông sẽ có những thuận lợi và khó khăn cơ bản nào?

Tôi cho rằng chủ yếu là thuận lợi.

Quyền lực Nhà nước ở Việt Nam là thống nhất, chẳng qua là sự phân công phối hợp giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, cho nên bản thân người làm ở hành pháp cũng hiểu được công việc bên lập pháp và tư pháp.

Về vấn đề lập pháp, bản thân một thành viên của Chính phủ như Phó thủ tướng thì cũng là người tham gia thường xuyên rất nhiều vào công tác lập pháp. Hầu hết các dự án luật của nước ta trình lên Quốc hội đều từ Chính phủ. Hầu hết các vấn đề kinh tế - xã hội mà Quốc hội quyết định cũng đều trên cơ sở đề xuất của Chính phủ.

Còn về giám sát, Chính phủ chịu sự giám sát của Quốc hội nên thành viên của Chính phủ cũng hiểu những vấn đề được Quốc hội giám sát là gì và làm thế nào để thực hiện cho đúng. Bây giờ sang “vai” của người tổ chức giám sát thì tôi cho rằng hoàn toàn thuận lợi.

Hơn nữa, ông Nguyễn Sinh Hùng đã kinh qua nhiều cương vị lãnh đạo cao cấp, qua nhiều nhiệm kỳ trong bộ máy Nhà nước, thì thuận lợi nhiều hơn khó khăn.

Khó khăn cơ bản, theo tôi ở Chính phủ thì là cơ quan chế độ thủ trưởng, thủ trưởng nghe các ý kiến tham mưu và đưa ra quyết định. Nhưng ở Quốc hội thì không thể như vậy được, vì là cơ quan đại diện cho dân, nên vai trò Chủ tịch Quốc hội có những đặc thù nhất định.

Khi chủ tọa một cuộc họp Quốc hội cũng thế, Chủ tịch là giữ vai trò điều hành, nhưng không thể lồng quá nhiều ý kiến cá nhân của mình vào trong cuộc điều hành đó. Chủ tịch Quốc hội là người phải giải thích, thuyết phục dựa trên cơ sở pháp lý. Trước nhiều ý kiến khác nhau để làm sao tranh thủ được sự ủng hộ của đa số. Đó là khó khăn mà người mới giữ vai trò Chủ tịch Quốc hội có thể sẽ phải gặp phải.

Thực tế cho thấy, những người đang nắm giữ vai trò lãnh đạo ở các bộ, ngành khi làm ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng hay mắc phải khó khăn đó, từ suy nghĩ đến quyết sách của người ở cương vị làm thủ trưởng sang một chế độ làm việc thực sự là dân chủ, cởi mở, mọi cái quyết định theo đa số..., nên sẽ có khó khăn ban đầu.

Tuy nhiên, tôi cho rằng để thích nghi sẽ rất nhanh chóng thôi.

Lãnh đạo Quốc hội nhiệm kỳ này có khá nhiều người là thành viên Chính phủ, từng chịu sự giám sát và được Quốc hội chất vấn nhiều lần, liệu có sự nể nang nào không khi bây giờ lại thực hiện vai trò giám sát Chính phủ?

Tôi không nghĩ như vậy, bởi vì ở Quốc hội thì ý kiến của một người cũng chỉ là một lá phiếu, còn rất nhiều các ý kiến khác. Quyết định của Quốc hội là trên cơ sở mong muốn, nguyện vọng của nhân dân.

Nếu quyết định nào chưa đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng đó thì cũng phải giải thích công khai trước nhân dân, cử tri cả nước rằng cơ quan hành pháp đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì.

Trên diễn đàn Quốc hội, vấn đề “nhóm lợi ích” cũng đã không ít lần được đặt ra với nhiều lo ngại. Theo ông, lãnh đạo Quốc hội cần ứng xử như thế nào với vấn đề này?

Khái niệm "nhóm lợi ích" đúng là có xuất hiện trong thời gian gần đây, Quốc hội cũng nhận thấy điều này và cho rằng có trách nhiệm của các ủy ban  và của đại biểu Quốc hội.

Ngay như nhiệm kỳ này, cũng có hơn 30 đại biểu thuộc các doanh nghiệp, nhưng đại biểu thuộc các ngành giáo dục, y tế... cũng có nhiều. Do vậy mà không có lĩnh vực nào chiếm đa số cả, đại biểu Quốc hội là phải có trách nhiệm lo cho dân.

Các nước có quy định về vận động hành lang, Việt Nam chưa có quy định này và cũng có ý kiến đề nghị cần sớm có quy định này để công khai hóa các quyền lợi ích của các nhóm.

Các nhóm nhỏ, thậm chí là một cá nhân  cũng có thể có những việc làm mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, chứ không nhất thiết phải là tổ chức của Nhà nước hoặc tổ chức có quy mô đồ sộ mới làm được việc đó.

Trong Quốc hội khóa 13, khi nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp cũng cần xem xét để cho phép quy định về vận động hành lang. Nền kinh tế thị trường, coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực để phát triển kinh tế. Do vậy, kinh tế tư nhân cũng cần phải được bình đẳng để phát triển. Điều này cần phải thể hiện được trong pháp luật.

Tôi cho rằng nhiều vấn đề về thể chế, về lập hiến, lập pháp… đang được đặt ra với Quốc hội khóa này. Trong đó có cả việc khắc phục những hạn chế của nền kinh tế mà đã được nêu nhiều tại diễn đàn Quốc hội khóa trước, như bội chi lớn, nhập siêu cao…

Tân Chủ tịch Quốc hội là tiến sĩ kinh tế và có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính,  ông có  cho rằng đây chính là lợi thế khi Quốc hội bàn thảo và quyết định những vấn đề lớn về kinh tế?

Tôi tin rằng, đây cũng là một thuận lợi của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.

Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011 là kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Còn việc tăng trưởng thì phải tính toán phù hợp.

Việc quyết định chính sách tài khóa thắt chặt, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, cắt giảm các hạng mục đầu tư trong năm 2011... đã thể hiện rất rõ quyết tâm của Chính phủ và Quốc hội trong việc thực hiện mục tiêu này.