07:24 24/10/2024

Vai trò của Elon Musk trong chính phủ Mỹ nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng

Hoài Thu

Tuần trước, phát biểu trên tờ Fox News, ông Trump nói rằng ông Musk có thể giữ vị trí “Bộ trưởng Cắt giảm chi phí”, một cơ quan hiện chưa có trong Chính phủ Mỹ...

Tỷ phú Elon Musk tham gia một sự kiện trong chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump ở thành phố Butler, bang Pennsylvania - Ảnh: AP
Tỷ phú Elon Musk tham gia một sự kiện trong chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump ở thành phố Butler, bang Pennsylvania - Ảnh: AP

Thời gian qua, tỷ phú Elon Musk và cựu Tổng thống Donald Trump nhiều lần đề cập công khai về vai trò của CEO hãng xe điện Tesla trong chính phủ Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử.

Dù cả hai không cung cấp thông tin cụ thể, ông Musk từng đùa rằng mình sẽ giữ vị trí lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency, viết tắt là DOGE). DOGE cũng là tên một hình ảnh hài hước  trên mạng (meme) yêu thích của ông Musk và tên của một loại tiền số mà ông ủng hộ.

Tuần trước, phát biểu trên tờ Fox News, ông Trump nói rằng ông Musk có thể giữ vị trí “Bộ trưởng Cắt giảm chi phí”, một cơ quan hiện chưa có trong Chính phủ Mỹ.

Theo hãng tin CNN, cắt giảm chi phí cũng là cách tiếp cận mà ông Musk đang áp dụng cho các công ty của mình. Tuy nhiên, nhìn vào hiệu quả của cách tiếp cận này tại Tesla, SpaceX hay X (trước đây là Twitter), nhiều người hoài nghi về những gì vị tỷ phú có thể làm cho chính phủ Mỹ.

MẠNH TAY CẮT GIẢM CHI TIÊU

Trong một cuộc phỏng vấn với trang August X hồi tháng 8, ông Musk cũng nói rằng nếu đảm nhiệm một vị trí trong chính phủ, ông sẽ đề xuất cắt giảm mạnh chi tiêu để giảm các khoản chi lãng phí, không mang lại lợi ích cho người Mỹ. Có thể ông sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định những khoản chi cần cắt giảm.

Vị tỷ phú cũng có chủ trương loại bỏ một số quy định hành chính gây nhiều tranh cãi từ lâu. Ông cam kết sẽ có cách tiếp cận mềm mỏng với các gói trợ cấp thôi việc cho nhân viên chính phủ bị sa thải, đồng thời đề xuất một hệ thống đánh giá để đề xuất sa thải những công chức không cần thiết.

Về phía ông Trump, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8 cùng ông Musk và nhiều cuộc thảo luận công khai sau đó về vai trò của ông Musk trong chính phủ nếu tái đắc cử, cựu Tổng thống dành nhiều lời khen ngợi cho sự quyết đoán của CEO Tesla trong việc cắt giảm nhân sự.

Nghiệp đoàn ô tô Mỹ (UAW) sau đó đã đâm đơn kiện ông Trump và ông Musk vì vị cựu Tổng thống gọi ông Musk là “chuyên gia cắt giảm” và khuyên ông nên sa thải những nhân viên Tesla đình công.

Vào tháng 9, ông Trump cho biết dự định sẽ dành một vị trí trong chính phủ cho ông Musk khi trở lại Nhà Trắng và nói rằng tỷ phú ô tô điện có khả năng đưa ra nhiều kiến nghị để tạo ra “những cuộc cải tổ quyết liệt”.

Hôm Chủ nhật (20/10), tại một sự kiện ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, ông Musk nhấn mạnh rằng cần phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu của Chính phủ.

“Bước đầu tiên là giảm mạnh chi tiêu. Hãy cùng bắt đầu từ vạch xuất phát”, vị tỷ phú phát biểu tại sự kiện khi thảo luận về những gì ông có thể làm cho chính phủ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại các doanh nghiệp của ông Musk, việc cắt giảm chi phí không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả.

Tại X, ông Musk đã sa thải gần 80% nhân sự sau khi mua lại nền tảng mạng xã hội này. Điều này khiến X rơi vào tình trạng thiếu ổn định. Bằng chứng rõ nhất là X liên tục gặp lỗi khi thuật nghiêm trọng khi ông Musk thực hiện phỏng vấn với Thống đốc bang Florida Ron DeSantis năm ngoái và với ông Trump vài tháng trước.

Ông Musk cũng xóa sổ bộ phận tín nhiệm và an toàn của X, khiến phát ngôn thù địch và thông tin không được kiểm chứng lan tràn. Điều này dẫn đến làn sóng rút quảng cáo của một loạt nhãn hàng khỏi X.

Theo Fidelity, giá trị của mạng xã hội này hiện giảm 80% so với thời điểm ông mua lại công ty này vào tháng 10/2022.

HỦY BỎ NHIỀU QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Suốt nhiều năm, ông Musk nhiều lần phàn nàn về các quy định hành chính của các bang Mỹ, cho rằng đây là những thủ tục quan liêu và rườm rà. Thực tế, đây không phải điều lạ trong giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, điều khác là cách mà ông Musk áp dụng để “lách” hoặc “bẻ cong” các quy định và nhiều khi việc này gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Tại Tesla, ông Musk vẫn tham vọng triển khai công nghệ “tự lái hoàn toàn” bất chấp nhiều tai nạn đã xảy ra cũng như các cảnh báo và cuộc điều tra của nhà chức trách. Với phương châm “triển khai trước, sửa lỗi sau”, Tesla đã phải nhiều lần thu hồi sản phẩm liên quan tới công nghệ này, dù luôn khẳng định các phần mềm tự lái giúp cứu sống nhiều người.

Thứ Sáu tuần trước (18/10), Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) thông báo mở một cuộc điều tra nữa liên quan tới vụ tai nạn chết người mà một người đi bộ bị ô tô tự lái Tesla đâm trúng. Năm ngoái, NHTSA cho biết công nghệ này của Tesla đã "dẫn đến rủi ro bất hợp lý với sự an toàn của các xe cơ giới do không tuân thủ đầy đủ các luật về an toàn giao thông". Cơ quan này cảnh báo rằng xe tự lái Tesla có thể vi phạm luật giao thông tại một số giao lộ "trước khi tài xế có thể can thiệp".

Còn tại công ty khai phá vũ trụ SpaceX của ông Musk, việc công ty này “lách" luật liên quan tới cơ sở phóng và thử nghiệm tên lửa tại bang California đã khiến người dân quanh đó bức xúc và dẫn tới nhiều vụ kiện tụng. Những khiến nại của người dân bao gồm SpaceX xâm phạm quyền riêng tư, phá vỡ cửa kính cửa sổ và tạo ra những bãi đổ nát lớn. Ông Musk đã chuyển phần lớn hoạt động của SpaceX ra khỏi California đến Texas vì có quá nhiều quy định. Công ty này cũng đã đâm đơn kiện một cơ quan quản lý của California vào tuần trước.

QUÂN TÂM TỚI NHÂN VIÊN BỊ SA THẢI

Theo tờ Wall Street Journal, ông Musk đề xuất trợ cấp thôi việc cho nhân viên chính phủ bị sa thải trong 2 năm.

“Điều quan trọng là không được quá khắc nghiệt hoặc khiến họ mất khả năng tài chính khi đang có khoản vay thế chấp mua nhà”, ông Musk phát biểu tại sự kiện hôm thứ Sáu.

Tuy nhiên, tại X, ông Musk bị kiện vì liên tục thất hứa trong việc thực hiện các gói trợ cấp thôi việc cho nhân sự bị sa thải, bao gồm cựu CEO và nhiều giám đốc cấp cao khác. Những người này không được trả tiền trợ cấp thôi việc trị giá hàng trăm triệu USD.

Chương trình trợ cấp thôi việc của công ty nêu rõ rằng những nhân viên vẫn tiếp tục làm việc sau khi công ty bị mua lại nhưng sau đó bị sai thải thì sẽ được nhận tối đa 6 tháng lương, cộng thêm một tuần lương nhân với số năm thâm niên. Tuy nhiên, nhiều nhân viên thuộc trường hợp này đâm đơn kiện vì không nhận được tiền theo chương trình.