09:31 06/09/2024

Ông Trump công bố kế hoạch kinh tế, muốn mời Elon Musk làm phụ tá

An Huy

Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, ông Trump tuyên bố sẽ tăng sản lượng năng lượng của Mỹ, cắt giảm thuế và cải tổ các quy chế giám sát...

Ông Trump phát biểu tại câu lạc bộ kinh tế New York ngày 5/9 - Ảnh: Reuters.
Ông Trump phát biểu tại câu lạc bộ kinh tế New York ngày 5/9 - Ảnh: Reuters.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/9 công bố một kế hoạch lớn nhằm giảm giá cả và hạn chế tình trạng quan liêu, đồng thời tuyên bố sẽ bổ nhiệm tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk làm phụ tá. Những ý tưởng này được đưa ra trong bối cảnh ứng viên tổng thống 2024 của Đảng Cộng hòa lấy vấn đề kinh tế làm trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử.

Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, ông Trump tuyên bố sẽ tăng sản lượng năng lượng của Mỹ, cắt giảm thuế và cải tổ các quy chế giám sát. Bài phát biểu cho tháy ông cố gắng tạo ra sự tương phản với kế hoạch kinh tế của Phó tổng thống Kamala Harris - người đại diện cho Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới.

“Bà ta hứa hẹn các biện pháp kiểm soát giá, tịch thu tài sản, hạn chế sự phát triển của lĩnh vực năng lượng truyền thống, bồi thường, tăng thuế mạnh nhất từ trước đến nay, và ân xá hàng loạt và cấp quyền công dân cho hàng chục triệu người nhập cư trái phép, những kẻ sẽ tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD tiền trợ cấp liên bang và hủy hoại chương trình an sinh xã hội và Medicare”, ông Trump nói.

“Tôi cam kết đưa ra thuế thấp, quy định thông thoáng, chi phí năng lượng thấp, lãi suất thấp, biên giới an toàn, ít tội phạm, và thu nhập tăng cao cho công dân thuộc mọi chủng tộc, tôn giáo, màu da và tín ngưỡng”, ông nhấn mạnh, và nói thêm: “Kế hoạch của tôi sẽ nhanh chóng đánh bại lạm phát, nhanh chóng kéo giá cả xuống và khơi dậy tăng trưởng kinh tế bùng nổ”.

Trump cho biết cứ mỗi quy định mới được tạo ra, ông sẽ loại bỏ ít nhất 10 quy định cũ và ông sẽ bổ nhiệm ông Musk - CEO hãng xe điện Tesla - lãnh đạo một ủy ban “có nhiệm vụ tiến hành kiểm toán tổng thể hoạt động và tình hình tài chính của toàn bộ chính phủ liên bang, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cải cách mạnh mẽ”.

Phản hồi ý tưởng trên của ông Trump, ông Musk viết trên mạng xã hội X rằng ông “mong được phục vụ nước Mỹ nếu có cơ hội. Không cần lương, không chức danh, không cần được công nhận.”

KHÁC BIỆT CHÍNH SÁCH GIỮA HAI ỨNG CỬ VIÊN

Ông Trump có bài phát biểu trước khán giả là các nhà điều hành ở Phố Wall trong bối cảnh ông và bà Harris chạy đua thuyết phục người Mỹ rằng họ có thể giải quyết vấn đề giá cả tăng cao đối với nhà ở, thực phẩm và các hàng hóa khác - vấn đề đang là nỗi lo lớn nhất của nhiều cử tri Mỹ ở thời điểm 2 tháng trước ngày bầu cử 5/11.

Trong khi bà Harris cam kết mở rộng khả năng tiếp cận nhà ở giá rẻ và hạn chế tình trạng tăng giá thực phẩm - với trọng tâm đặt vào nền kinh tế chăm sóc, nền tảng chiến lược kinh tế của ông Trump là cam kết hạ thuế trong nước, tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu và nới lỏng các quy chế giám sát.

“Chúng tôi đã tạo ra một phép màu kinh tế, nhưng bà Kamala Harris và ông Joe Biden đã biến tất cả thành một thảm họa kinh tế, ông Trump nói, đồng thời cho rằng bà Harris là “thủ phạm” gây ra lạm phát cao ở Mỹ trong những năm gần đây.

Lạm phát đã tăng trong nhiệm kỳ của ông Biden do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, nhưng đã giảm đáng kể sau khi đạt đỉnh vào năm 2022. Lạm phát hiện đang giảm về hướng mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mở đường cho ngân hàng trung ương này tiến tới giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9.

Thị trường việc làm Mỹ dù đang yếu đi nhưng vẫn lành mạnh nếu so với tiêu chuẩn lịch sử, với tỷ lệ thất nghiệp còn thấp, trong khi nền kinh tế giữ nhịp tăng trưởng. Nhờ đó, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã lập nhiều kỷ lục trong năm nay.

Trong bài phát biểu ngày 5/9, ông Trump cũng tuyên bố sẽ mang lại “sự dồi dào về năng lượng, sự độc lập về năng lượng và thậm chí là sự thống trị về năng lượng” nếu ông thắng cử. Ông cho biết sẽ làm được điều đó bằng bằng cách tuyên bố ngay lập tức tình trạng khẩn cấp quốc gia để đạt được “sự gia tăng lớn về nguồn cung năng lượng trong nước”. Ông khẳng định những hành động này sẽ khiến giá năng lượng giảm ít nhất một nửa trong vòng 12 tháng sau khi ông nhậm chức.

Sản lượng dầu khí của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, mặc dù giá xăng và giá các loại năng lượng khác ở nước này hiện cao hơn so với thời ông Trump cầm quyền.

Ông Trump cũng nhắc lại kế hoạch cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% xuống 15% đối với các công ty sản xuất sản phẩm trong nước, đồng thời mở rộng tín dụng thuế cho các doanh nghiệp tập trung vào nghiên cứu và phát triển.

Trái lại, vào tháng trước, bà Harris ủng hộ việc tăng thuế suất doanh nghiệp lên 28% từ mức 21%. Hôm 4/9, bà còn đề xuất tăng thuế suất đánh trên lãi vốn dài hạn lên 28% đối với tầng lớp người Mỹ giàu nhất, nhưng mức tăng mà bà đề xuất vẫn ít hơn so với đề xuất của ông Biden.

Cho dù ai đắc cử khóa tới, kế hoạch điều chỉnh thuế của ông Trump và bà Harris đều cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

ÔNG TRUMP MUỐN LẬP QUỸ ĐẦU TƯ QUỐC GIA

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy bà Harris đang dẫn trước ông Trump ở một số bang chiến địa quan trọng - những bang sẽ nắm vai trò quyết định kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11. Cuộc thăm dò gần đây nhất của FT-Michigan Ross cũng cho thấy nhiều người Mỹ tin tưởng bà Harris sẽ điều hành nền kinh tế Mỹ tốt hơn so với ông Trump.

Phát biểu ngày 5/9, ông Trump nhắc lại lập trường cứng rắn của mình về vấn đề nhập cư, tiếp tục đưa ra kế hoạch trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ và cam kết không để người nhập cư trái phép tiếp cận các chính sách phúc lợi liên bang.

Ông Kevin Hassett, cựu Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng thời ông Trump cầm quyền, nhận định ông Trump sẽ sẽ “nhân đôi” các chính sách - bao gồm cả thuế quan - vốn là đặc điểm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Ông Trump đã công bố kế hoạch áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại sâu rộng, bao gồm thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và thuế hơn 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Hôm thứ Năm, ông nói kế hoạch của ông là một “chính sách thương mại tốt cho nước Mỹ, sử dụng thuế quan để khuyến khích sản xuất trong nước” và sẽ dẫn đến “sự phục hưng kinh tế quốc gia”.

Trump gợi ý rằng ông có thể sử dụng số tiền thu được từ thuế quan để thành lập một quỹ đầu tư quốc gia, mặc dù ông không đưa ra thông tin chi tiết về cách thức hoạt động của quỹ này trên thực tế.

“Tại sao chúng ta không có quỹ đầu tư quốc gia? Các nước khác có quỹ như vậy mà chúng ta lại không có”, ông nói.

Nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo rằng các chính sách của Trump sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát thay vì giảm lạm phát, và có khả năng kìm hãm tăng trưởng, trong khi kế hoạch cắt giảm thuế sâu hơn của ông cũng có thể làm tăng gánh nặng nợ nần của Mỹ. Tuy nhiên, ông Hassett bác bỏ những lo ngại đó, cho rằng có “bằng chứng mạnh mẽ về sự thành công” trong các ý tưởng của ông Trump.