15:58 29/09/2007

“Vẫn có thể tái chế rác thải y tế, nếu...”

Quỳnh Lam

VnEconomy hỏi chuyện TS. Nguyễn Việt Hùng, một chuyên gia về chống nhiễm khuẩn bệnh viện ở Việt Nam

"Các sản phẩm từ nhựa tái chế không an toàn cho người sử dụng không chỉ do trong nhựa còn chứa các vi sinh vật gây bệnh, mà chủ yếu do chứa các hóa chất độc hại."
"Các sản phẩm từ nhựa tái chế không an toàn cho người sử dụng không chỉ do trong nhựa còn chứa các vi sinh vật gây bệnh, mà chủ yếu do chứa các hóa chất độc hại."
Xung quanh vấn đề tái chế rác thải y tế gây xôn xao dư luận thời gian qua, VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Việt Hùng, một chuyên gia về chống nhiễm khuẩn bệnh viện ở Việt Nam. Ông Hùng hiện là Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn - Bệnh viện Bạch Mai.

>>Rác thải bệnh viện được… tái chế

Nhiều người dân vẫn đang rất hoang mang về việc hàng tấn chất thải y tế được bán ra ngoài để tái chế thành đồ gia dụng, ông nghĩ gì về điều này?

Đúng là đã có hiện tượng bán chất thải y tế ra ngoài để tái chế ở một số bệnh viện được cảnh sát môi trường kiểm tra. Tôi chia sẻ và thông cảm về nỗi bức xúc, lo ngại của mọi người về hiện tượng trên. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, cốt lõi của sự bất cập trong vấn đề rác thải y tế không chỉ ở chuyện bán rác thải mà chính là sự quan tâm, đầu tư cho công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện chưa thật sự thấu đáo.

Từ năm 1997 đến nay, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành tới 3 chỉ thị về công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện và nhờ vậy có tới 94% bệnh viện thành lập khoa chống nhiễm khuẩn. Nhưng mới có 15% số khoa hoạt động thực sự có hiệu quả.

Ở những nước phát triển, xử lý rác thải chiếm tới 20% kinh phí xây dựng bệnh viện. Nhưng ở Việt Nam, vấn đề này chưa được thống nhất.

Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi mỗi năm đầu tư 3 tỷ đồng cho chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Thế nhưng, nhiều bệnh viện lại rất thờ ơ với công tác này. Thậm chí rất nhiều bệnh viện có lập khoa chống nhiễm khuẩn nhưng lại đóng cửa. Lẽ ra, khoa chống nhiễm khuẩn ở mỗi bệnh viện phải là đầu mối “trông nom”, xử lý vấn đề rác thải y tế.

Tính chất nguy hại của rác thải y tế như thế nào, thưa ông?

Theo ước tính, trong một ngày đêm, mỗi giường bệnh thải ra môi trường khoảng 2,5 kg rác thải, chất thải. Trong đó từ 10% đến 15% là loại chất thải độc hại cao, dễ gây lây nhiễm, tập trung chủ yếu ở những đồ vải, kim tiêm, bông băng, chất thải, dịch... Còn lại, chiếm tỷ lệ 65% là rác thải y tế không độc hại như các loại bao bì carton, giấy báo, vỏ chai đựng huyết thanh…

Loại rác thải có độ nguy hiểm cao là nơi tập trung nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh, sẽ rất nguy hiểm nếu để phát tán ra môi trường. Chúng có thể gây nhiễm độc hoặc làm lây truyền các bệnh nhiễm trùng cho người tiếp xúc trực tiếp với chất thải.

Theo quy định, các chất thải y tế nguy hại cần được quản lý phân loại, cô lập, tiêu huỷ hoặc xử lý tái chế theo phương pháp thích hợp.

Rác thải y tế khi được tái chế thành đồ gia dụng thì mức độ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người như thế nào? Nhiều người cho rằng khi nấu, ép nhựa ở nhiệt độ 160 - 170 độ C đã diệt được hết các vi sinh vật gây bệnh?

Về lý thuyết, nếu nấu, ép nhựa ở nhiệt độ 160 – 170 độ C thì cơ bản có thể bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, nếu không phân loại tốt thì dù ở nhiệt độ 300 độ C, chất thải y tế vẫn có thể không hết nguy hại vì không hủy được các hóa chất độc hại. Chỉ có ở nhiệt độ 1.000 độ C, mọi vi sinh vật và hóa chất độc hại mới bị tiêu huỷ hoàn toàn. Nhưng như thế, nhiều nguyên liệu có thể tái chế lại cũng theo đó mà mất hết.

Các sản phẩm từ nhựa tái chế không an toàn cho người sử dụng không chỉ do trong nhựa còn chứa các vi sinh vật gây bệnh, mà chủ yếu do chứa các hóa chất độc hại. Ví dụ mẫu nhựa là thìa dùng ăn sữa chua, ăn thạch... tái chế từ rác thải y tế mà cảnh sát môi trường thu từ làng Triều Khúc cung cấp cho Viện Hóa học để phân tích, xét nghiệm cũng cho thấy chất độc chủ yếu là hàm lượng kim loại cao.

Vậy, để tránh nguy hiểm cho con người, tốt nhất là tiêu huỷ hoàn toàn rác thải y tế, không nên tái chế?

Làm vậy là cực đoan và gây tốn kém hơn cả… tái chế. Tôi đã nói rồi mà, rác thải y tế có tới 65% không độc hại, hoàn toàn có thể tái chế.

Thật ra, hầu hết các vật liệu y tế làm bằng các chất liệu quý như nhựa cao cấp và thủy tinh tinh khiết, trung tính. Nếu tái chế tốt, chúng ta vừa không phải giành một khoản kinh phí lớn cho thiêu đốt (thời giá hiện nay là 8.000 đồng/kg), lại vừa có thể sử dụng một số chất thải để làm ra các sản phẩm hữu ích cho xã hội.

Hãy thử làm một bài tính nhỏ. Một bệnh viện 500 giường bệnh mỗi tháng thải ra khoảng 1.000 kg các chai thủy tinh - bao bì chứa các dịch truyền vô khuẩn. Nếu để nhà sản xuất xử lý và sử dụng lại lượng chai này thì họ tiết kiệm được 3 triệu đồng vì không phải mua chai mới (giá bán chai thủy tinh đã sử dụng là 200.000 đồng/tấn) trong khi bệnh viện không phải chi 8 triệu đồng để thuê thiêu đốt. Như vậy, tái sử dụng lại 1 tấn chai thủy tinh là chất thải không nguy hại có thể tiết kiệm cho xã hội được 11 triệu đồng/tháng.

Ở Việt Nam, cũng đã có những mô hình bệnh viện làm tốt việc tái chế rác thải như ở một bệnh viện thuộc thành phố Hải Phòng. Bệnh viện này liên kết với công ty nhựa tái chế tại chỗ chất thải nhựa y tế để làm ra bô vịt, vừa có phương tiện phục vụ người bệnh, vừa không phải tốn phí cho việc thuê thiêu đốt nhựa.

Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh, chỉ tái chế khi các cơ sở y tế tổ chức tốt việc phân loại, cô lập chất thải theo hướng giảm thiểu chất thải y tế nguy hại, không để lẫn các chất thải lâm sàng vào chất thải sinh hoạt, chất thải hóa học vào các chất thải khác…

Là chuyên gia đã từng nghiên cứu, hợp tác về chống nhiễm khuẩn với nhiều bệnh viện lớn trên thế giới cũng như với các tổ chức y tế quốc tế, xin ông cho biết ở nước ngoài, rác thải y tế có được tái chế không?

Xu hướng của thế giới hiện nay là tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu lượng chất thải y tế nguy hại thông qua phân loại tốt và nâng cao tỷ lệ tái sử dụng.

Các bệnh viện ở phương Tây đều sử dụng lại tất cả những dụng cụ, hóa chất có thể tái sinh với điều kiện đáp ứng đúng quy định an toàn y tế.

Chính sách quản lý an toàn chất thải y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến khích việc xử lý an toàn để tái sử dụng, tái chế chất thải y tế.

Thế còn ở Việt Nam, công tác quản lý Nhà nước về rác thải y tế như thế nào?

Ở nước ta, Luật Bảo vệ Môi trường đã cho phép tái chế chất thải. Tuy nhiên, quy chế quản lý chất thải y tế hiện hành chưa đề cập đến vấn đề này. Bộ Y tế và các cơ quan quản lý liên quan đang xem xét điều chỉnh quy chế để chất thải y tế được quản lý toàn diện hơn.