13:31 17/07/2024

Vận tải hành khách cạnh tranh khốc liệt sau kỳ “ngủ đông”

Mộc Minh

Hoạt động vận tải đường bộ đang “sôi động” trở lại sau kỳ “ngủ đông” do đại dịch Covid-19…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó thu hút hành khách đến với vận tải đường bộ công cộng là một trong những nhiệm vụ giảm xe cá nhân tham gia giao thông, giảm ùn tắc.

GIA TĂNG LƯỢNG KHÁCH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ, GIẢM XE CÁ NHÂN

Số liệu từ Bộ Giao thông vận tải cho thấy cả nước có khoảng 18.000 xe vận tải khách theo tuyến cố định nội tỉnh và liên tỉnh, với hơn 1.200 đơn vị vận tải đang khai thác, tính đến cuối năm 2023. Hiện cả nước đã có trên 9.450 tuyến xe khách cố định liên tỉnh được công bố.

Mục tiêu của ngành là kéo người dân tham gia vận tải hành khách công cộng, giảm lượng xe cá nhân tham gia giao thông, từ đó giảm ùn tắc kéo dài… Do đó, năm 2024, vận tải hành khách dự kiến sẽ tăng 8% so với năm 2023 (năm 2023 vận chuyển hành khách ước đạt trên 4.200 triệu lượt khách).

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay hoạt động vận tải đường bộ cơ bản ổn định, đi vào nề nếp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại thuận lợi, an toàn của người dân, doanh nghiệp.

Hoạt động vận tải đường bộ đang “sôi động” trở lại sau kỳ “ngủ đông” do đại dịch Covid-19. Tại các bến xe, hoạt động xe khách tuyến cố định đông đúc người đi lại; tại các cửa khẩu, bến cảng, xe cộ hàng hóa nối đuôi nhau, thậm chí có thời điểm tại một số cửa khẩu, do lượng xe cộ đông, hàng hóa nhiều đã gây ra tình trạng ách tắc.

Theo ông Trịnh Thắng, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Vận chuyển quốc tế Hải Vân, thị trường vận tải hành khách đường bộ còn rất tiềm năng khi năm 2023, ngành vận tải Việt Nam đã chở 4 tỷ lượt khách/năm, trong đó, vận tải đường bộ chiếm khá lớn. Điều này cho thấy, đường bộ là lĩnh vực vận tải cốt lõi trong các hoạt động kinh tế, xã hội.

HÀNH KHÁCH ĐƯỢC LỢI TỪ CẠNH TRANH

Tuy nhiên, do ngày càng có nhiều hãng xe tham gia thị trường vận tải đường bộ, cùng hoạt động trên tuyến nên thị trường kinh doanh vận tải đang cạnh tranh khốc liệt. Để thu hút và giữ chân hành khách, các doanh nghiệp vận tải phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và tìm hướng phát triển các phân khúc mới.

Anh Vương Nhất Minh, chủ một hãng xe tại TP.HCM, cho biết hành khách bây giờ khó tính hơn xưa nhiều rồi. Họ yêu cầu xe mới và có ghế ngồi thoải mái. Khách họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho xe mới, tiện nghi như vậy. Việc đầu tư xe kinh doanh vận tải hành khách không còn phụ thuộc mua xe giá rẻ - bán vé rẻ để thu được nhiều khách nữa. Làm vậy doanh nghiệp sẽ bị đối thủ “vượt mặt” và tụt lại trên đường đua kinh doanh ngày càng khốc liệt này.

Hành khách chính là trọng tâm phục vụ của ngành vận tải, vì thế việc đầu tư xe đáp ứng yêu cầu của hành khách chính là bước đi khôn ngoan của doanh nghiệp, mở ra triển vọng phát triển bền vững và lâu dài, đặc biệt trong khoảng thời gian sắp tới bùng nổ du lịch tại Việt Nam.

Đơn cử như tuyến Bà Rịa – Vũng Tàu đi sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) hiện có hàng trăm hãng xe khai thác tuyến này, như: nhà xe Phú Hải, Phương Nam, Phát Lộc An, Toàn Thắng, Hoa Mai...

Để cạnh tranh, Công ty Liên doanh Vận chuyển quốc tế Hải Vân đưa vào khai thác 15 xe Limousine Royal 9 chỗ với 4 bộ ghế VIP, phục vụ vận tải hành khách tuyến sân bay Tân Sơn Nhất - Bà Rịa Vũng Tàu và ngược lại với tần suất 30 phút/chuyến.

Ông Trịnh Thắng, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Vận chuyển quốc tế Hải Vân, cho biết doanh nghiệp cùng các đối tác chiến lược đã đầu tư hàng triệu USD để cùng nhau đưa ra sản phẩm chất lượng, phục vụ người dân, cố gắng tìm kiếm sản phẩm tốt nhất để người dân được trải nghiệm, tận hưởng dịch vụ tốt nhất.

"Chúng tôi cũng đã có kế hoạch, ý định mở những tuyến xa hơn để người dân khắp cả nước được trải nghiệm dịch vụ đẳng cấp. Sau khi thử nghiệm thành công tuyến Vũng Tàu - Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục nhận rộng xe ghế hạng sang ra các tuyến Hà Nội - Mộc Châu, Hà Nội - Sơn La... Kế hoạch này sẽ được thực hiện trong quý 4/2024", ông Thắng nói thêm.

Các đơn vị vận tải hành khách đã quan tâm, đầu tư hơn vào chất lượng phương tiện, nâng cao đạo đức, ý thức phục vụ hành khách.
Các đơn vị vận tải hành khách đã quan tâm, đầu tư hơn vào chất lượng phương tiện, nâng cao đạo đức, ý thức phục vụ hành khách.

Bên cạnh đó, các tuyến xe đường dài hiện cũng có cả chục hãng xe hoạt động như: Hoàng Sơn, Hoàng Long, Đức Tâm, Minh Phúc, Thảo Hồng…  Đại diện công ty Vận tải Hoàng Sơn cho biết tuyến đường dài các nhà xe cũng cạnh tranh thu hút khách về mình bằng việc đầu tư xe mới. Nếu trước đây sử dụng xe ghế ngồi thì hiện nay hầu hết đều đưa xe giường nằm vào phục vụ hành khách.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có gần 100 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, gồm: các hộ cá thể, doanh nghiệp, hợp tác xã… với hàng nghìn đầu xe. Các xe hoạt động trong tỉnh và lưu thông qua 47 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều nhất là tuyến Vũng Tàu - TP.HCM.

Để cạnh tranh, các đơn vị vận tải hành khách đã quan tâm, đầu tư hơn vào chất lượng phương tiện, nâng cao đạo đức, ý thức phục vụ hành khách cho đội ngũ lái xe. Các hãng xe đều phục vụ nước uống, khăn lau mặt cho khách. Không còn cảnh chèn khách vào quán ăn mà khách không thích. Ngay việc nếu khách có nhu cầu ăn cơm, nhà xe cũng đặt cơm từ những quán ăn mà khách quen. Đội ngũ tài xế, nhân viên phục vụ đều được chủ xe nhắc nhở, giáo dục đạo đức,  luôn vui vẻ với hành khách.

Ngoài ra, các nhà xe còn cạnh tranh bằng cách tăng cường xe trung chuyển đưa, đón tận nhà để đáp ứng nhu cầu của hành khách; cung cách phục vụ của nhân viên, tài xế cũng ngày càng chuyên nghiệp…

Để xử lý nghiêm xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo tổ chức tổng kiểm tra tình hình hoạt động của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch, nhất là phương tiện từ 10 chỗ trở lên; kiểm tra công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 63 tỉnh, thành phố.