10:34 31/08/2011

Vẫn tiếp tục kiểm toán việc hỗ trợ lãi suất

Lê Hường

Chậm nhất là tháng 8/2012, kết quả về kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được công bố

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái.
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái.
Ngày 30/8, Kiểm toán Nhà nước đã công bố công khai Báo cáo kiểm toán năm 2010 về niên độ ngân sách 2009 và Báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2009 của Kiểm toán Nhà nước.

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái đã trao đổi với báo chí về nhiều nội dung đáng chú ý tại báo cáo này.

Thưa ông, hoạt động của  doanh nghiệp nhà nước được phản ánh trong kết quả kiểm toán như thế nào?

Kết quả kiểm toán tại 25/27 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cho thấy các đơn vị này đều có lãi, bảo toàn và phát triển vốn. Tổng lợi nhuận trước thuế là 48.461 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu, thu nhập bình quân đạt 15,98%, trên vốn đầu tư chủ sở hữu bình quân đạt 25,13%. Trong đó, kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty tiếp tục tăng trưởng so với năm 2008, giữ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, như: Tập đoàn Dầu khí, Dệt may, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn...

Tuy nhiên, tại một số tập đoàn, tổng công ty, mặc dù tình hình tài chính tại công ty mẹ tốt song tại các đơn vị thành viên chưa đồng đều, thậm chí có đơn vị thua lỗ lớn như tại Tổng công ty Bưu chính thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội.....

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý chi phí, giá thành còn hạn chế, hệ số huy động vốn cao, còn tiềm ẩn các yếu tố rủi ro... nên chưa phát huy tốt vai trò chủ đạo, đầu tàu của nền kinh tế, chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của nhà nước, “đe dọa” đến việc bảo toàn vốn.

Tình trạng đầu tư tài chính của các tập đoàn, tổng công ty có chuyển biến gì không, thưa ông?

Tổng các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn tại các tập đoàn, tổng công ty là 110.865 tỷ đồng, trong đó đầu tư dài hạn chủ yếu là đầu tư vào công ty con thành viên và các công ty liên kết có nguồn gốc từ cổ phần hóa doanh nghiệp.

Việc đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính tại phần lớn các tập đoàn, tổng công ty năm 2009 chiếm tỷ lệ nhỏ so với vốn điều lệ, một số đơn vị không thực hiện đầu tư, song tỷ lệ đầu tư tài chính trên vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị chưa phù hợp quy định của Nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, năm 2009 do thị trường chứng khoán suy thoái nên hoạt động đầu tư chứng khoán tại các doanh nghiệp đều thua lỗ.

Việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất được thực hiện như thế nào, qua “con mắt” của Kiểm toán Nhà nước, thưa ông?

Việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ lấi suất cơ bản được triển khai đúng quy định, đã góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế năm 2009 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, một số văn bản hướng dẫn thiếu chi tiết, chưa rõ ràng, cụ thể, không nhất quán, gây khó khăn khi thực hiện.

Quy định hỗ trợ lãi suất chỉ thực hiện đối với các khoản vay để đầu tư mới phát triển sản xuất kinh doanh nhưng tiêu chí xác định dự án đầu tư mới có nhiều quan điểm khác nhau dẫn đến khó khăn, chậm trễ trong hỗ trợ lãi suất. Việc hỗ trợ lãi suất cho vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn chưa thực sự đi vào đời sống của nhân dân do còn những vướng mắc, chưa đạt được mục tiêu đề ra, khách hàng chưa tiếp cận được vốn vay một số tổ chức tín dụng cho vay hỗ trợ lãi suất chưa đúng quy định 258,742 tỷ đồng.

Năm 2011, Kiểm toán Nhà nước vẫn tiếp tục kiểm toán việc hỗ trợ lãi suất trong năm 2010 khi thực hiện kiểm tại các tổ chức tài chính ngân hàng.

Cũng liên quan đế hoạt động ngân hàng, thông qua việc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của Ngân hàng Nhà nước và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cho thấy, ở một số ngân hàng, do tăng trưởng huy động vốn thấp hơn tăng trưởng tín dụng nên tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu chỉ đạt 4,69%-6,21%, thấp hơn mức quy định 8% của Ngân hàng Nhà nước.

Một số ngân hàng không đảm bảo khả năng chi trả, phải xin tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước và vay các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, phát hành trái phiếu để bù đắp thiếu hụt thanh khoản; hiệu quả kinh doanh thấp; chất lượng tín dụng sụt giảm so với năm 2008. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 17.095 tỷ đồng.

Việc kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được thực hiện và ghi nhận bước đầu của Kiểm toán Nhà nước như thế nào, thưa ông?

Kiểm toán Nhà nước đang tiến hành kiểm toán về quỹ bình ổn tại 10 doanh nghiệp kinh doanh dầu mối xăng dầu nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Về việc công khai kết quả kiểm toán thì sau khi có kết quả kết luận của đơn vị kiểm toán, việc công bố kết quả sẽ được thực hiện ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào tính chất và mức độ quan trọng của thông tin đó.

Kết quả có thể chỉ được công bố tại đơn vị được kiểm toán, công bố trên website của Tổng Kiểm toán Nhà nước hoặc họp báo công khai rộng rãi. Trong trường hợp chưa công khai ngay thì trong báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ báo cáo ngân sách 2010 và chậm nhất là tháng 8/2012, kết quả về kiểm toán quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được công bố.