“Vào Quốc hội mà không nói thì vào làm gì?”
Thời xưa, bậc trung quân có thể mất đầu mà vẫn dám dâng lời nói phải lên vua
Câu chuyện trở thành một đại biểu của dân, những trải nghiệm trên nghị trường cùng những suy nghĩ về trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội mà GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ dưới đây, thực sự là những điều khá hiếm hoi và hữu ích. Không triết lý cầu kỳ, không rao giảng khô cứng, những tâm sự mộc mạc của ông có lẽ sẽ thức tỉnh được phần nào khát vọng được cống hiến nhiều hơn trong mỗi công dân để xây dựng một nhà nước "của dân, do dân, vì dân".
Thời xưa, bậc trung quân có thể mất đầu mà vẫn dám dâng lời nói phải lên vua. Trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội là phản ánh đầy đủ ý kiến của cử tri và của cá nhân mình để Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thêm thông tin, cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định. Vì việc chung, người đại biểu không nên nghĩ đến cái ghế của mình mà rụt rè.
Tôi nhớ, vào năm 2002, khi Quốc hội bắt đầu chuẩn bị bầu cử khóa XI, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội có ý định tìm một đại biểu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Vì theo ông Vũ Đình Cự, Phó chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban lúc đó, Ủy ban chỉ toàn các nhà khoa học tự nhiên, mất cân đối quá. Cần một nhà khoa học xã hội có chức vụ từ cấp viện phó, hiệu phó trở lên. Thế là Ủy ban "soi" ngay vào Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Khoa học xã hội và nhân văn) để tìm người.
Làm đại biểu Quốc hội phải như thế nào?
Khi ấy, tôi đang là Phó hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tôi và nhà trường nhận được giấy thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giới thiệu tôi tham gia Quốc hội khóa 11. Đó là công văn do Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân ký. Có thể coi đó như giấy điều động của Quốc hội cũng được.
Trường liền tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để đánh giá và giới thiệu cán bộ, tỷ lệ nhất trí dành cho tôi là 100%. Sau đó, đến khâu xem xét và giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc. Cuối cùng là vòng bầu cử của cử tri. Lúc đó là khoảng tháng 5/2002.
Thú thực vào thời điểm đó, tôi chưa hiểu làm đại biểu Quốc hội phải như thế nào, nên lo lắng lắm. Lo, không biết có đáp ứng được yêu cầu công việc không. Mà tôi đang làm việc trong môi trường giáo dục, ở trường thì vui. Tôi nghĩ làm đại biểu Quốc hội chắc khô khan hơn nhiều.
Nhưng rồi cứ phải vào cuộc, vừa làm việc vừa học thôi. Cũng được sự giúp đỡ của anh em nữa, cho nên sau một khóa Quốc hội, tôi đã học được rất nhiều, thấy mình trưởng thành rất nhiều. Mình được tiếp xúc với thông tin về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, được nghe người khác thảo luận phát biểu, nên tầm nhận thức của mình nâng lên, mình có cái nhìn bao quát hơn.
Người ta bảo, làm đại biểu Quốc hội một khóa giống như qua một trường đại học nữa, là như vậy.
Thời gian đầu thì có nhiều điều phải tìm hiểu, về thủ tục, về quy trình làm việc của đại biểu Quốc hội. Chẳng hạn, phải làm quen dần với cách thức xây dựng luật, cách thức giám sát. Nhưng việc này không khó lắm. Cái khó lớn của một đại biểu là phải làm sao đóng góp ý kiến tốt, nêu được vấn đề, để thúc đẩy công việc chung. Khó vì nhiều lĩnh vực đâu phải chuyên môn của mình. Nhưng khó thì phải tìm hiểu. Mỗi đại biểu Quốc hội thường chỉ am hiểu một vài lĩnh vực, không thể bàn về mọi công việc của Quốc hội nếu không dựa vào trí tuệ của cử tri.
Bởi vậy, đại biểu phải thường xuyên tiếp xúc cử tri, đọc báo, đọc sách, theo dõi tin tức, gặp gỡ chuyên gia để chắt lọc từ đó những tri thức cần cho công việc của mình. Tạo được nếp làm việc như vậy, đại biểu sẽ được rèn luyện tư duy chính trị, đến lúc cần có ý kiến, sẽ có thể có ý kiến xác đáng, chứ không phải cứ đụng đến vấn đề mới chạy đi tìm chuyên gia.
Đại biểu Quốc hội phải chấp nhận rằng, không thể được lòng tất cả mọi người, nhất là người đã bị mình chất vấn. Tức là có thể va chạm với lãnh đạo bộ này bộ kia, hoặc với lãnh đạo ở cấp cao hơn nữa. Nhưng, qua các kỳ họp của hai khóa Quốc hội, tôi thấy nhìn chung các bộ trưởng, trưởng ngành tỏ ra là những chính khách có bản lĩnh. Chúng tôi có thể chất vấn "nảy lửa" trên hội trường nhưng khi gặp nhau ở bên ngoài vẫn trò chuyện vui vẻ.
Chất vấn, một việc tưởng dễ mà thật khó
Tuy vậy, trong Khóa 11, cũng có một lần tôi bị phản ứng. Tại kỳ họp đó, tôi có nêu ý kiến rằng thị trường sách tham khảo đang loạn quá, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Văn hóa và Thông tin nên phối hợp xử lý.
Tôi chất vấn hôm trước thì hôm sau một vị lãnh đạo đã tỏ ra bực dọc: "Có những vị phát biểu thế thôi nhưng đứng tên viết sách tham khảo đầy ra đấy, nếu cần tôi công bố danh sách...".
Tất nhiên là có sự hiểu nhầm đâu đây, vì thực tình tôi có viết sách tham khảo bao giờ đâu. Lúc đó tôi cũng phiền lòng, vì mình lên tiếng vì chuyện chung thôi chứ có phải vì việc riêng đâu. Nhưng cũng chỉ bị phản ứng tới mức đó thôi chứ chưa bao giờ chúng tôi đi đến mức căng thẳng, không nhìn mặt nhau nữa. Tới mức đó thì tức là công việc chất vấn của đại biểu Quốc hội không đạt yêu cầu rồi!
Chất vấn là phải nói trúng vấn đề đáng quan tâm. Chẳng hạn, không nên chỉ nêu cái khó của địa phương ra rồi xin Chính phủ giúp, mà phải chất vấn trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hay Chính phủ, rồi đưa ra giải pháp, nếu có thể. Không phải cái gì cũng đem ra chất vấn được, dù cử tri có thể có rất nhiều bức xúc. Bởi vì đại biểu chỉ có thể chất vấn người được đại biểu bầu và phê chuẩn thôi. Do vậy, sẽ có những vấn đề thuộc trách nhiệm chất vấn của hội đồng nhân dân địa phương chứ không phải của đại biểu Quốc hội.
Một điểm nữa, là chất vấn phải trên tinh thần xây dựng. Chất vấn như thế nào là khá quan trọng. Nhiều khi, trong suy nghĩ thì mình bất bình, nhưng khi chất vấn mình phải giữ được bình tĩnh. Khi tranh luận, phải chú ý đến tính thuyết phục của lập luận.
Cũng phải chấp nhận một thực tế là nhiều khi ý kiến của mình chưa thuyết phục được cơ quan hữu quan. Điều đó có thể có nhiều lý do. Không nên tự ái, vì thực ra ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng chỉ là một ý kiến thôi. Nhưng vẫn phải kiên trì thuyết phục trong những dịp khác.
Nhiều người hỏi tôi rằng, tôi hay nêu vấn đề gai góc như vậy thì có bị làm phiền gì không? Tôi trả lời là không. Được làm đại biểu Quốc hội vui chứ, nhất là nếu làm tròn nhiệm vụ thì vui lắm. Nhưng phải nói thêm rằng, nếu không làm tròn nhiệm vụ thì cũng chẳng ai kỷ luật anh cả. Vì, có ai bắt đại biểu Quốc hội phải phát biểu hay chất vấn trước hội trường đâu!
Nhưng Đảng không cử và dân không bầu một đại biểu vào Quốc hội chỉ để... vỗ tay. Cả lãnh đạo lẫn người dân đều cần tiếng nói phản biện, miễn là phản biện có tính xây dựng, không nhằm đả kích cá nhân và không vụ lợi. Dân đã bầu mà mình không dám nói lên ý kiến của dân thì "phí" phiếu bầu của dân.
Tôi không sợ có người nói tôi rằng chuyện gì cũng phát biểu ý kiến. Tôi quan tâm đến việc phát biểu như thế nào chứ không phải phát biểu bao nhiêu vấn đề. Vào Quốc hội mà không nói thì vào làm gì?
Thời xưa, bậc trung quân có thể mất đầu mà vẫn dám dâng lời nói phải lên vua. Trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội là phản ánh đầy đủ ý kiến của cử tri và của cá nhân mình để Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thêm thông tin, cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định. Vì việc chung, người đại biểu không nên nghĩ đến cái ghế của mình mà rụt rè.
Tôi nhớ, vào năm 2002, khi Quốc hội bắt đầu chuẩn bị bầu cử khóa XI, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội có ý định tìm một đại biểu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Vì theo ông Vũ Đình Cự, Phó chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban lúc đó, Ủy ban chỉ toàn các nhà khoa học tự nhiên, mất cân đối quá. Cần một nhà khoa học xã hội có chức vụ từ cấp viện phó, hiệu phó trở lên. Thế là Ủy ban "soi" ngay vào Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Khoa học xã hội và nhân văn) để tìm người.
Làm đại biểu Quốc hội phải như thế nào?
Khi ấy, tôi đang là Phó hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tôi và nhà trường nhận được giấy thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giới thiệu tôi tham gia Quốc hội khóa 11. Đó là công văn do Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân ký. Có thể coi đó như giấy điều động của Quốc hội cũng được.
Trường liền tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để đánh giá và giới thiệu cán bộ, tỷ lệ nhất trí dành cho tôi là 100%. Sau đó, đến khâu xem xét và giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc. Cuối cùng là vòng bầu cử của cử tri. Lúc đó là khoảng tháng 5/2002.
Thú thực vào thời điểm đó, tôi chưa hiểu làm đại biểu Quốc hội phải như thế nào, nên lo lắng lắm. Lo, không biết có đáp ứng được yêu cầu công việc không. Mà tôi đang làm việc trong môi trường giáo dục, ở trường thì vui. Tôi nghĩ làm đại biểu Quốc hội chắc khô khan hơn nhiều.
Nhưng rồi cứ phải vào cuộc, vừa làm việc vừa học thôi. Cũng được sự giúp đỡ của anh em nữa, cho nên sau một khóa Quốc hội, tôi đã học được rất nhiều, thấy mình trưởng thành rất nhiều. Mình được tiếp xúc với thông tin về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, được nghe người khác thảo luận phát biểu, nên tầm nhận thức của mình nâng lên, mình có cái nhìn bao quát hơn.
Người ta bảo, làm đại biểu Quốc hội một khóa giống như qua một trường đại học nữa, là như vậy.
Thời gian đầu thì có nhiều điều phải tìm hiểu, về thủ tục, về quy trình làm việc của đại biểu Quốc hội. Chẳng hạn, phải làm quen dần với cách thức xây dựng luật, cách thức giám sát. Nhưng việc này không khó lắm. Cái khó lớn của một đại biểu là phải làm sao đóng góp ý kiến tốt, nêu được vấn đề, để thúc đẩy công việc chung. Khó vì nhiều lĩnh vực đâu phải chuyên môn của mình. Nhưng khó thì phải tìm hiểu. Mỗi đại biểu Quốc hội thường chỉ am hiểu một vài lĩnh vực, không thể bàn về mọi công việc của Quốc hội nếu không dựa vào trí tuệ của cử tri.
Bởi vậy, đại biểu phải thường xuyên tiếp xúc cử tri, đọc báo, đọc sách, theo dõi tin tức, gặp gỡ chuyên gia để chắt lọc từ đó những tri thức cần cho công việc của mình. Tạo được nếp làm việc như vậy, đại biểu sẽ được rèn luyện tư duy chính trị, đến lúc cần có ý kiến, sẽ có thể có ý kiến xác đáng, chứ không phải cứ đụng đến vấn đề mới chạy đi tìm chuyên gia.
Đại biểu Quốc hội phải chấp nhận rằng, không thể được lòng tất cả mọi người, nhất là người đã bị mình chất vấn. Tức là có thể va chạm với lãnh đạo bộ này bộ kia, hoặc với lãnh đạo ở cấp cao hơn nữa. Nhưng, qua các kỳ họp của hai khóa Quốc hội, tôi thấy nhìn chung các bộ trưởng, trưởng ngành tỏ ra là những chính khách có bản lĩnh. Chúng tôi có thể chất vấn "nảy lửa" trên hội trường nhưng khi gặp nhau ở bên ngoài vẫn trò chuyện vui vẻ.
Chất vấn, một việc tưởng dễ mà thật khó
Tuy vậy, trong Khóa 11, cũng có một lần tôi bị phản ứng. Tại kỳ họp đó, tôi có nêu ý kiến rằng thị trường sách tham khảo đang loạn quá, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Văn hóa và Thông tin nên phối hợp xử lý.
Tôi chất vấn hôm trước thì hôm sau một vị lãnh đạo đã tỏ ra bực dọc: "Có những vị phát biểu thế thôi nhưng đứng tên viết sách tham khảo đầy ra đấy, nếu cần tôi công bố danh sách...".
Tất nhiên là có sự hiểu nhầm đâu đây, vì thực tình tôi có viết sách tham khảo bao giờ đâu. Lúc đó tôi cũng phiền lòng, vì mình lên tiếng vì chuyện chung thôi chứ có phải vì việc riêng đâu. Nhưng cũng chỉ bị phản ứng tới mức đó thôi chứ chưa bao giờ chúng tôi đi đến mức căng thẳng, không nhìn mặt nhau nữa. Tới mức đó thì tức là công việc chất vấn của đại biểu Quốc hội không đạt yêu cầu rồi!
Chất vấn là phải nói trúng vấn đề đáng quan tâm. Chẳng hạn, không nên chỉ nêu cái khó của địa phương ra rồi xin Chính phủ giúp, mà phải chất vấn trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hay Chính phủ, rồi đưa ra giải pháp, nếu có thể. Không phải cái gì cũng đem ra chất vấn được, dù cử tri có thể có rất nhiều bức xúc. Bởi vì đại biểu chỉ có thể chất vấn người được đại biểu bầu và phê chuẩn thôi. Do vậy, sẽ có những vấn đề thuộc trách nhiệm chất vấn của hội đồng nhân dân địa phương chứ không phải của đại biểu Quốc hội.
Một điểm nữa, là chất vấn phải trên tinh thần xây dựng. Chất vấn như thế nào là khá quan trọng. Nhiều khi, trong suy nghĩ thì mình bất bình, nhưng khi chất vấn mình phải giữ được bình tĩnh. Khi tranh luận, phải chú ý đến tính thuyết phục của lập luận.
Cũng phải chấp nhận một thực tế là nhiều khi ý kiến của mình chưa thuyết phục được cơ quan hữu quan. Điều đó có thể có nhiều lý do. Không nên tự ái, vì thực ra ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng chỉ là một ý kiến thôi. Nhưng vẫn phải kiên trì thuyết phục trong những dịp khác.
Nhiều người hỏi tôi rằng, tôi hay nêu vấn đề gai góc như vậy thì có bị làm phiền gì không? Tôi trả lời là không. Được làm đại biểu Quốc hội vui chứ, nhất là nếu làm tròn nhiệm vụ thì vui lắm. Nhưng phải nói thêm rằng, nếu không làm tròn nhiệm vụ thì cũng chẳng ai kỷ luật anh cả. Vì, có ai bắt đại biểu Quốc hội phải phát biểu hay chất vấn trước hội trường đâu!
Nhưng Đảng không cử và dân không bầu một đại biểu vào Quốc hội chỉ để... vỗ tay. Cả lãnh đạo lẫn người dân đều cần tiếng nói phản biện, miễn là phản biện có tính xây dựng, không nhằm đả kích cá nhân và không vụ lợi. Dân đã bầu mà mình không dám nói lên ý kiến của dân thì "phí" phiếu bầu của dân.
Tôi không sợ có người nói tôi rằng chuyện gì cũng phát biểu ý kiến. Tôi quan tâm đến việc phát biểu như thế nào chứ không phải phát biểu bao nhiêu vấn đề. Vào Quốc hội mà không nói thì vào làm gì?