VCCI: Cần bổ sung quy định trong Quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử
Đóng góp ý kiến đối với với đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) của Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng quy hoạch có thể là giải pháp giúp thúc đẩy, nhưng cũng có nguy cơ cản trở sự phát triển của ngành, lĩnh vực đó...
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn đóng góp ý kiến đối với với đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) (gọi tắt là Dự thảo) của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ mục tiêu phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh quốc gia trong tình hình mới.
Luật Năng lượng nguyên tử được Quốc hội Khóa XII (kỳ họp 3) thông qua ngày 03/6/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009.
Tại báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi) của Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Chính phủ cho thấy, trong hơn 15 năm triển khai thực hiện, bên cạnh vai trò, tác động và đóng góp lớn của Luật năng lượng nguyên tử trong việc hình thành công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh, thúc đẩy sự phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình... một số quy định pháp luật về năng lượng nguyên tử đã bộc lộ bất cập, hạn chế, phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành.
Bên cạnh đó, một số quy định thiếu tính khả thi; chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng Luật năng lượng nguyên tử 2008 cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) bổ sung các quy định còn thiếu như quy định về thanh sát hạt nhân; quy định về chính sách quốc gia dài hạn về quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng….
Ngoài ra sửa đổi các quy định chưa hoặc không còn phù hợp như: quy định về chính sách tập trung đầu tư, tạo điều kiện phát triển điện hạt nhân chưa phù hợp hoàn toàn với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay là cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự xã hội; quy định về bồi thường thiệt hạt nhân chưa phù hợp với các công ước quốc tế liên quan; quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp giấy phép…
Đáng lưu ý, một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử đưa ra trong Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) là xây dựng và ban hành quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Góp ý về vấn đề này, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng theo kinh nghiệm xây dựng pháp luật của một số ngành, lĩnh vực khác, quy hoạch có thể là giải pháp giúp thúc đẩy nhưng cũng có nguy cơ cản trở sự phát triển của ngành, lĩnh vực đó.
Nếu quy hoạch được vận dụng như định hướng để thu hút nguồn vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân, nó sẽ có tác dụng thúc đẩy. Ngược lại, nếu quy hoạch được vận dụng như một tiêu chí để được cấp phép kinh doanh (phải phù hợp với quy hoạch) thì có thể sẽ không đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.
VCCI ví dụ, một doanh nghiệp nhận thấy nhu cầu của thị trường tăng cao và sẵn sàng đầu tư để cung cấp hàng hoá, dịch vụ ứng dụng năng lượng nguyên tử, nhưng không được cấp phép do dự án đầu tư đó không phù hợp với quy hoạch.
Vì thế, nhằm khắc phục mâu thuẫn này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng Quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử có vai trò định hướng, nhưng các doanh nghiệp có quyền đề xuất dự án nằm ngoài quy hoạch mà vẫn được phép cấp phép nếu đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn.
Ngoài ra, nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của Luật Năng lượng nguyên tử hiện hành, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 6 chính sách lớn:
Chính sách 1: Thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, coi trọng năng lượng hạt nhân, chế tạo thiết bị, hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực.
Chính sách 2: Bảo đảm an toàn, an ninh nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân và vật liệu hạt nhân.
Chính sách 3: Thanh sát và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Chính sách 4: Quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
Chính sách 5: Ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Chính sách 6: Quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (Khai báo, đăng ký, cấp giấy phép, cấp chứng chỉ; Thanh tra, kiểm tra; xử lý vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo).
Góp ý về các chính sách này, theo VCCI, chính sách 3 trong dự thảo quy định về “Bổ sung, hoàn thiện quy định về không phổ biến hạt nhân và thanh sát hạt nhân” nhằm đáp ứng các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về không phổ biến hạt nhân.
Qua rà soát, VCCI nhận thấy các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này thường chỉ tập trung vào việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, chưa thấy có điều ước nào nói không phổ biến hạt nhân. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và điều chỉnh chính sách 3 cho phù hợp.