Vì sao giới đầu tư quốc tế "hờ hững" với vàng?
Trái với mong đợi của nhiều người, vàng không hề phát huy được vai trò "vịnh tránh bão" truyền thống
Thị trường tài chính toàn cầu đã chứng kiến nhiều bất ổn trong năm nay, bao gồm cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, trái với mong đợi của nhiều người, vàng không hề phát huy được vai trò "vịnh tránh bão" truyền thống trong bối cảnh như vậy.
Thậm chí, giá vàng còn giảm mạnh. Tuần trước, giá vàng đã lần đầu tuột khỏi mốc 1.200 USD/oz kể từ tháng 1/2017 và giảm khoảng 13% so với mức đỉnh của năm nay là hơn 1.365 USD/oz.
Theo quy luật thường thấy, vàng "khỏe" nhất khi đồng USD mất giá, bởi vàng được định giá bằng USD. USD mất giá là lúc các nhà đầu tư thực sự đánh giá cao vai trò của vàng với tư cách một dạng tiền thay thế, chứ không phải chỉ bởi vàng là một kim loại quý - theo trang CNN Money.
Tuy nhiên, đồng USD đã tăng giá mạnh trong năm nay do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất 2 lần từ đầu năm và dự kiến sẽ có thêm 2 đợt nâng lãi suất nữa trong thời gian còn lại của năm. Các nhà đầu tư ở Phố Wall càng có lý do để "hờ hững" với vàng khi các doanh nghiệp niêm yết công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh và nền kinh tế Mỹ duy trì đà tăng vững.
Cũng theo CNN Money, vàng không phải lúc nào cũng được ưa chuộng trong trường hợp giới đầu tư hoảng sợ.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, giá vàng đã có những thời điểm sụt giảm chóng mặt do đồng USD tăng giá mạnh.
Bởi vậy, chừng nào đồng USD còn mạnh, vàng sẽ bớt độ "lấp lánh" - theo ông Simona Gambarini, chuyên gia kinh tế về hàng hóa cơ bản thuộc Capital Economics, nhận định trong một báo cáo vào tuần trước.
"Xét tới quan điểm của chúng tôi cho rằng đồng USD sẽ còn mạnh đến năm 2019, chúng tôi không cho là giá vàng sẽ phục hồi mạnh cho đến thời điểm đó", ông Gambarini viết.
Không chỉ vàng sụt giá thời gian qua, mà kim loại đồng cùng nhiều hàng hóa cơ bản khác cũng mất giá. Đây được xem là một tín hiệu cho thấy giới đầu tư đang lo ngại về sức khỏe phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu, cho dù kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt.
"Gía hàng hóa cơ bản đang giảm cùng với vàng, cho thấy sự thiếu vắng của sức ép lạm phát", nhà quản lý danh mục Paul Nolte thuộc Kingsview Asset Management viết trong một báo cáo.
Ông Rich Sega, chiến lược gia trưởng về đầu tư toàn cầu thuộc Conning, nhất trí với đánh giá trên. Ở thời điểm hiện tại, sự suy yếu của các thị trường mới nổi là một nhân tố bất lợi đối với giá vàng, đồng và các kim loại khác, chứ không phải là lý do để mua vào các kim loại này.
"Nói chung, giá hàng hóa cơ bản yếu đi do sự suy giảm của nhu cầu. Nỗi lo lạm phát cũng không hề lớn", ông Sega nói. Mặc dù giá cả bắt đầu nhích lên, hầu như không có chuyên gia kinh tế nào lo ngại lạm phát trên toàn cầu sẽ sớm leo thang mạnh.
Bên cạnh đó, những lo ngại về chính sách thuế quan của chính quyền ông Trump có thể cũng là một nguyên nhân gây sức ép giảm giá đối với đồng và vàng.
Ông Sega nhấn mạnh rằng vàng thường được mua vì những nỗi lo địa chính trị, trong khi các nỗi lo kinh tế chưa chắc đã dẫn tới việc nhà đầu tư gom vàng. Vị chuyên gia này chỉ ra rằng mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên đã có những bước cải thiện và căng thẳng ở Trung Đông cũng dịu hơn trước, khiến vàng kém hấp dẫn hơn.
Không phải nỗi sợ nào cũng thúc đẩy giới đầu tư mua vàng, và ở thời điểm hiện tại, nỗi sợ khiến người ta phải tìm đến vàng là không tồn tại.