11:57 11/03/2014

Vì sao thị trường hộ chiếu đánh cắp ở Thái Lan nở rộ?

An Huy

Không chỉ có hộ chiếu giả, ở Bangkok còn có rất nhiều bằng lái xe giả, thẻ nhà báo giả, thị thực giả

Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, trong thời gian từ tháng 6/2012-6/2013, có 
hơn 60.000 hộ chiếu, bao gồm của người Thái Lan và người nước ngoài, bị 
báo thất lạc hoặc bị đánh cắp.
Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, trong thời gian từ tháng 6/2012-6/2013, có hơn 60.000 hộ chiếu, bao gồm của người Thái Lan và người nước ngoài, bị báo thất lạc hoặc bị đánh cắp.
Với lượng du khách lớn và các quy định luật pháp có phần lỏng lẻo, Thái Lan đang có một thị trường “chợ đen” phát triển bùng nổ cho các loại giấy tờ tùy thân giả mạo, trong đó có hộ chiếu. Các nhà chức trách đã phát hiện ra rằng, trong số hành khách trên chuyến bay MH370 mất tích của Malaysia Airlines, có 2 người dùng hộ chiếu bị đánh cắp ở Thái.

Hãng tin Reuters cho biết, các nhà chức trách Thái Lan gặp nhiều thách thức khi lần tìm dấu vết của hàng nghìn vụ mất hoặc bị đánh cắp hộ chiếu mỗi năm. Một số hộ chiếu trong số này được bán cho những kẻ buôn ma túy, trong khi một số khác bị cho là rơi vào tay các nhân vật Hồi giáo có vũ trang.

“Hộ chiếu giả và gian lận nhận dạng nói chúng là một vấn đề lớn ở Thái Lan”, chỉ huy cảnh sát kiêm Giám đốc tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol tại Thái Lan, ông Apichart Suriboonya, phát biểu.

Theo một bài viết đăng trên tờ Christian Science Monitor của Mỹ, Xu Ke - một cựu phi công hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Cảnh sát Triết Giang - cho rằng, những cuốn hộ chiếu bị đánh cắp còn có thể được những người nhập cư trái phép sử dụng.

Về hai người dùng hộ chiếu giả để lên chuyến bay mất tích, ông Xu nhận định, rất có khả năng hai người này là những người nhập cư trái phép muốn vào châu Âu. Cả hai đã mua vé cùng thời điểm ở Thái Lan cho hành trình một chiều từ Kuala Lumpur tới Amsterdam qua Bắc Kinh. Một trong hai người mang hộ chiếu giả này đã đặt vé từ Amsterdam tới Đan Mạch, và người còn lại dự định tới Frankfurt, Đức.

Việc nhập cư trái phép thông qua Trung Quốc không phải là chuyện hiếm. Tháng 1 năm nay, một nhóm 6 người nhập cư trái phép mang theo hộ chiếu giả đi từ sân bay Bắc Kinh tới châu Âu đã bị phát hiện và bắt giữ, theo tờ Legal Evening Post của nước này.

Thậm chí, theo ông Apichart, trong một số trường hợp, người chủ thực sự của hộ chiếu còn bán giấy tờ này để lấy có tiền trang trải chi phí đi lại. Sau đó, những cuốn hộ chiếu rơi vào tay những người trung gian, có thể là người Thái hoặc người nước ngoài làm việc cho các mạng lưới tội phạm. Tiếp theo, hộ chiếu có thể được sửa đổi, như dán ảnh mới. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người mang hộ chiếu giả hy vọng qua được cửa kiểm soát như thể là người chủ thực sự của hộ chiếu.

Hai công dân châu Âu bị giả danh bằng hộ chiếu trên chuyến bay mất tích gồm một người Italy có tên Luigi Maraldi và một người Áo có tên Christian Kozel. Cả hai người này đều bị mất hộ chiếu khi đi nghỉ trên đảo Phuket ở Thái Lan.

Những kẻ giả danh đã dùng hai cuốn hộ chiếu lấy cắp để mua vé máy bay từ đại lý du lịch ở Pattaya, Thái Lan để đi từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh rồi sang châu Âu. Ngày 10/3, các nhà điều tra đã tiến hành thẩm vấn nhân viên tại một đại lý du lịch ở Pattaya.

Theo như thông tin mà cảnh sát Malaysia công bố ngày 10/3, hai người dùng hộ chiếu giả để lên chuyến bay mất tích không có đặc điểm nhận dạng của người châu Á. Theo mô tả được nhà chức trách đưa ra, hai người này có vẻ là người da đen. Theo dự kiến, hình ảnh của những người này sẽ sớm được công bố. Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy sự biến mất đột ngột của chuyến bay MH370 có liên quan tới hai hành khách dùng hộ chiếu giả.

Thị trường giấy tờ giả của Thái Lan đã phát triển mạnh suốt nhiều năm qua.

Vào năm 2010, các nhà chức trách Thái và Tây Ban Nha đã bắt giữ những kẻ bị tình nghi nằm trong một đường dây chuyên cung cấp hộ chiếu giả cho các nhóm vũ trang. Nhà chức trách Thái nói rằng, đường dây này có thể đã cung cấp giấy tờ giả cho những kẻ đứng sau vụ đánh bom trên tàu ở Madrid vào năm 2004.

Không chỉ có hộ chiếu giả, ở Bangkok còn có rất nhiều bằng lái xe giả, thẻ nhà báo giả, thị thực giả…

“Thái Lan là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ muốn đánh cắp hộ chiếu châu Âu. Có rất nhiều người nước ngoài tới du lịch ở nước này”, một nhà ngoại giao châu Âu nói.

Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, trong thời gian từ tháng 6/2012-6/2013, có hơn 60.000 hộ chiếu, bao gồm của người Thái Lan và người nước ngoài, bị báo thất lạc hoặc bị đánh cắp.

Cảnh sát ở Phuket nói, anh Maraldi đã báo mất hộ chiếu vào tháng 6 năm ngoái, trong khi hộ chiếu của Kozel được báo mất vào tháng 3/2012. Theo cảnh sát, mỗi tháng, ở địa phương này có tới 10 vụ báo mất hộ chiếu.

Sỹ quan Angkarn Yasanop thuộc lực lượng cảnh sát Phuket cho biết, người nước ngoài có thể bỏ túi 200 USD nếu bán hộ chiếu của mình và sau đó báo mất. Viên cảnh sát này cũng nói rằng, nhiều hộ chiếu bị mất hoặc bị đánh cắp rốt cục rơi vào tay người Thái hoặc người từ các quốc gia Đông Nam Á khác muốn nhập cư để kiếm việc làm.

Ông Larry Cunningham, cựu lãnh sự danh dự của Australia tại Phuket, cho biết, một vấn đề lớn là du khách thường đặt hộ chiếu khi thuê xe máy hoặc ván trượt nước. Sau đó, chủ các hiệu cho thuê đổ lỗi cho khách làm hỏng đồ thuê và không chịu trả hộ chiếu. Khách du lịch thì không muốn phải bồi thường, bèn báo mất hộ chiếu để được cấp cuốn mới. Và rồi cuốn hộ chiếu cũ của họ được bán cho thế giới ngầm.

Cơ sở dữ liệu về giấy tờ thông hành bị mất cắp và thất lạc của Interpol bao gồm 40 triệu hồ sơ từ 167 quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, theo Interpol, các quốc gia không sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu này.