11:07 26/10/2023

Việc lấy phiếu tín nhiệm là dịp để các chức danh nhìn lại mình, tiếp tục phấn đấu, hành động hiệu quả hơn

Nhĩ Anh

Việc lấy phiếu tín nhiệm là dịp để cho mỗi người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn lại mình, nhìn lại việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình, lĩnh vực mình phụ trách còn những hạn chế khó khăn gì để có giải pháp quyết liệt hơn, quyết tâm hơn, hiệu quả hơn...

Quốc hội đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là cơ hội để các chức danh tự soi lại mình, từ đó có những hành động khắc phục những tồn tại khó khăn.
Quốc hội đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là cơ hội để các chức danh tự soi lại mình, từ đó có những hành động khắc phục những tồn tại khó khăn.

Chiều 25/10, Quốc hội đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành một cách chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định tại Nghị quyết 96 năm 2023 của Quốc hội.

Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp cho các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội, các đại biểu đánh giá, đây là cơ hội để các chức danh tự soi lại mình, từ đó có những hành động khắc phục những tồn tại khó khăn.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là một phần thể hiện quan điểm đổi mới của Quốc hội nhiệm kỳ này, hết sức thẳng thắn khách quan nhìn nhận, trung thực về các kết quả đạt được trên các lĩnh vực mà những người được lấy phiếu tín nhiệm phụ trách. Đây cũng là một bước để hiện thực hóa việc chủ trương tiếp tục đổi mới thực chất hơn nữa, chất lượng hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng của cử tri đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

 
Đây là hình thức vừa giúp người được lấy phiếu tín nhiệm phải tự đánh giá, tự thay đổi vừa là cách nhìn của xã hội đối với mỗi cá nhân đó, giúp cho hoạt động của các vị trí này trong 2,5 năm tới được định hướng tốt hơn.

Việc lấy phiếu tín nhiệm là một cơ hội để mỗi người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn lại mình, thông qua việc đánh giá của đại biểu Quốc hội và của cử tri. Đồng thời, là động lực để cho các chức danh này nhìn lại việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình, lĩnh vực mình phụ trách còn những hạn chế khó khăn gì để có giải pháp quyết liệt hơn, quyết tâm hơn, hiệu quả hơn, để khắc phục được và thay đổi được sự tín nhiệm của mình.

Tư lệnh một số lĩnh vực có số “phiếu tín nhiệm thấp” cao hơn các lĩnh vực khác cho thấy những lĩnh vực này còn một số hạn chế nhất định, có sức ảnh hưởng và được cử tri rất quan tâm. Tuy nhiên, tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp cũng không quá cao so với tổng số phiếu lấy. Bộ trưởng là những người “đứng mũi chịu sào” nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vướng mắc, tồn tại của ngành và cần đề ra các giải pháp hiệu quả hơn.

Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm này, Nhân dân và các Đại biểu quốc hội sẽ giám sát việc các “tư lệnh” giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế những ngành có số phiếu “tín nhiệm thấp” cao, đại biểu Thuý nói.

Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Chia sẻ điều này, đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn Hà Nội, bày tỏ đối với những chức danh nhận nhiều tín nhiệm thấp, không có cách nào khác là phải khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tế của ngành mình, bởi vì từng ngành có những phức tạp, hạn chế riêng.

Qua kết quả lấy phiếu có một số tư lệnh ngành có số phiếu tín nhiệm thấp cao. Theo đại biểu Cừ, chắc chắn qua lần lấy phiếu tín nhiệm này, các Bộ trưởng sẽ có động lực nâng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thêm một bước để làm hài lòng người dân và các vị đại biểu Quốc hội.

Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ là việc quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội và cũng là việc có ý nghĩa đối với những người giữ vị trí trọng trách do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Những người được lấy phiếu sẽ phải tự mình kiểm điểm, đánh giá lại suốt nửa nhiệm kỳ qua đã triển khai được những gì so với chiến lược, chương trình, mục tiêu đề ra; đã thực hiện được đến đâu những vấn đề mà Quốc hội, cử tri chất vấn.

 
Cử tri và các Đại biểu quốc hội sẽ giám sát việc các tư lệnh ngành giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế của ngành mình.

Nhấn mạnh hoạt động đánh giá giữa nhiệm kỳ là việc quan trọng, đại biểu Cường cho rằng đây là hình thức vừa giúp người được lấy phiếu tín nhiệm phải tự đánh giá, tự thay đổi vừa là cách nhìn của xã hội đối với mỗi cá nhân đó, giúp cho hoạt động của các vị trí này trong 2,5 năm tới được định hướng tốt hơn.

Có thể nói, Quốc hội đã hoàn thành một trong những công việc rất quan trọng đó là quyền giám sát tối cao thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm. Nhìn nhận về kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này, đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai, nhấn mạnh kết quả đã thể hiện trách nhiệm, sự công tâm và rất khách quan.

Những lĩnh vực có số phiếu tín nhiệm thấp cao là những lĩnh vực mà người dân cũng như đại biểu đòi hỏi phải có nỗ lực hơn nữa để khắc phục, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và cử tri.

Có những Bộ trưởng, trưởng ngành có số phiếu tín nhiệm thấp cao hơn một chút cũng không phải điều gì ghê gớm, gây thất vọng mà đó là một sự đòi hỏi để các vị tư lệnh ngành nhìn lại, xem lại kết quả làm được với sự đánh giá đó của Quốc hội đã được chưa, đủ chưa, cần phải cố gắng, nỗ lực gì.

Kết quả vừa là sự ghi nhận, vừa là yêu cầu của Quốc hội, đại biểu, nhân dân, cử tri đối với trưởng ngành, các cá nhân đã được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả này không chỉ để thực hiện theo quy trình, thủ tục thông thường mà có tác động lan toả tới điều hành, kinh tế xã hội, công tác cán bộ và đặc biệt là với khả năng điều hành của các tư lệnh ngành để có kết quả tốt hơn từ nay tới cuối nhiệm kỳ.