13:50 19/06/2010

Việt kiều được dự tuyển viên chức: Chưa thống nhất

Nguyễn Lê

Phiên thảo luận về dự án Luật Viên chức sáng nay của Quốc hội vẫn có tới 24 ý kiến thảo luận sôi nổi, mang tính tranh luận cao

Nhiều đại biểu nhận định dự án Luật Viên chức rất phức tạp - Ảnh: TTXVN.
Nhiều đại biểu nhận định dự án Luật Viên chức rất phức tạp - Ảnh: TTXVN.
Mặc dù là ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ bảy, song phiên thảo luận về dự án Luật Viên chức sáng nay của Quốc hội vẫn có tới 24 ý kiến thảo luận sôi nổi, mang tính tranh luận cao.

Đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành luật, song không ít ý kiến cho rằng còn nhiều lúng túng tại dự luật này, từ phạm vi điều chỉnh cho tới những quy định cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Văn Quynh đưa ra một thông tin “có thể nói là bất ngờ chưa thể lý giải được”. Đó là Cổng thông tin điện tử của Chính phủ thông báo sau 60 ngày đăng để lấy ý kiến nhân dân mà không có góp ý nào.

Trong khi phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của văn bản này là hơn 1,6 triệu viên chức trong các đơn vị công lập mà chắc chắn đối với họ việc khai thác thông tin trên mạng điện tử không có gì xa lắm.

“Nếu không có trục trặc về kỹ thuật tiếp nhận thông tin thì liệu có thể là viên chức trong các đơn vị công lập chưa thấy dự thảo luật cần thiết đối với họ trong khi những người cần thì không đáp ứng”, đại biểu này phân tích.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, một số ý kiến cho rằng bên cạnh viên chức trong sự nghiệp công lập nên có những quy định áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Bởi vì muốn đảm bảo chất lượng của dịch vụ công thì không thể thả nổi lĩnh vực này.

Một vấn đề mới tại dự luật song còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được tham gia dự tuyển làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập hay không.

Theo đại biểu Phạm Phương Thảo thì nên cho dự tuyển để thu hút nguồn nhân lực, chất xám. Đại biểu Thảo “rất tâm đắc cách Bác Hồ trải thảm đỏ trước đây, nhiều người giỏi đã về nước như Trần Văn Giàu, Trần Đại Nghĩa…”.  Thực tế tại Tp.HCM cũng có công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài về làm viện trưởng, viện phó.

Nhiều người về nước không phải vì có đãi ngộ về tiền bạc, vật chất mà là còn là sự mời gọi đầy tin tưởng, một sự đánh giá công bằng, hiện nay không ít người cũng mong như vậy, bà Thảo nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác chưa đồng ý. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho nên cho họ ký hợp đồng lao động, chứ không nên gọi họ là viên chức. Vì viên chức liên quan đến toàn bộ lợi ích quốc gia, lợi ích công quyền và bộ máy Nhà nước.

Vậy thì họ có được làm việc ở trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hay không, nếu như không cho phép làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu vấn đề.

Liên quan đến quy định viên chức được tham gia góp vốn, thành lập công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân…cũng còn quan điểm khác nhau.

Nhiều ý kiến đồng tình nhưng đề nghị cân nhắc bổ sung một điều quy định về điều kiện để viên chức được làm ngoài thời gian quy định như sức khỏe, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mức độ hoàn thành nhiệm vụ tại đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian, thời lượng làm việc ngoài giờ …

Nhưng theo đại biểu Củng Thị Mẩy thì quy định này trái với quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng.

Theo đó "cán bộ, công chức, viên chức không được tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư nhân, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".