08:17 09/11/2020

Việt Nam có bị ảnh hưởng khi dòng vốn đầu tư toàn cầu bị xáo trộn?

Quỳnh Nguyễn

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay dịch Covid – 19 đã thúc đẩy nhanh hơn xu hướng đa dạng hoá, đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất của các Tập đoàn lớn

Làn sóng FDI tiếp theo vào Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mức tăng trưởng GDP
Làn sóng FDI tiếp theo vào Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mức tăng trưởng GDP

Dòng vốn đầu tư FDI sẽ là "cú hích thúc đẩy nền kinh tế" Việt Nam do nhiều dự án bị hoãn lại vì dịch trong năm 2020 sẽ được khởi động lại vào năm 2021. Trong trung hạn dự báo nhiều doanh nghiệp lớn toàn cầu có xu hướng đầu tư trở lại nước sở tại Bắc Mỹ, EU dẫn đến xáo trộn dòng vốn đầu tư toàn cầu.

SẢN XUẤT SẼ LÀ ĐỘNG LỰC THU HÚT VỐN NĂM 2021

Chia sẻ tại hội nghị đầu tư "Dòng tiền mới hậu COVID-19" tổ chức mới đây ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao, Tập đoàn Novaland cho rằng, với mặt bằng lãi suất thấp có xu hướng giảm, lạm phát thấp, xu hướng trong tương lai của các nền kinh tế và người dân sẽ sống môi trường "dư tiền mặt" qua đó nhu cầu tái đầu tư của doanh nghiệp rất lớn. Trong vòng 3 – 5 năm tới xu hướng "dư tiền mặt" sẽ tích cực cho tất cả các ngành.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng GDP năm 2020 của Việt Nam có thể tăng 2,5% nhờ đầu tư công tăng bù đắp cho đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tăng bù đắp cho tiêu thụ nội địa giảm.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,12%, mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, nhưng với suy thoái của khu vực và toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong một số ít nước châu Á có tăng trưởng dương năm nay. Ông Nguyễn Xuân Thành đánh giá, sản xuất và xuất khẩu chính là động lực duy trì tăng trưởng dương cho nền kinh tế.

Với năm 2021, các tổ chức dự báo tăng trưởng GDP đang dao động từ 6-7%. Ông Nguyễn Xuân Thành dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 6,9% nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu, đặc biệt là ngành công chế biến chế tạo hướng vào xuất khẩu sang châu Âu (hưởng lợi từ EVFTA) và phục hồi xuất khẩu sang Đông Bắc Á, Đông Á. Hơn nữa, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ là "cú hích thúc đẩy nền kinh tế" do nhiều dự án bị hoãn lại vì dịch trong năm 2020 sẽ được khởi động lại vào năm 2021. Nền kinh tế sẽ phục hồi rõ nét dự kiến từ quý 2/2021.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Xuân Thành, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, động lực tăng trưởng và thu hút vốn cho năm sau sẽ tiếp tục trông chờ vào sản xuất. Ông Phạm Văn Thinh nhấn mạnh: "Sản xuất chính là lợi thế của chúng ta. Tôi tin rằng sản xuất sẽ tiếp tục là động lực chính cho thu hút vốn và tăng trưởng trong tương lai."

VỐN FDI SẼ LÀ "CÚ HÍCH" THÚC ĐẦY NỀN KINH TẾ

Dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 dự báo sẽ rất khả quan do nhiều dự án sẽ được khởi động lại vào năm 2021 cũng như làn sóng tái cơ cấu đầu tư của các Tập đoàn trên thế giới được thúc đẩy bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid 19.

Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành, Tập đoàn VinaCapital cho rằng, làn sóng FDI tiếp theo vào Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mức tăng trưởng GDP. Bởi lẻ, các công ty FDI khi vào Việt Nam sẽ giúp xây dựng chuỗi cung ứng địa phương bằng cách là nhà điều hành thứ 2 của các các doanh nghiệp Việt Nam, chuyển giao tri thức và kinh nghiệm, và các hợp đồng mua bán dài hạn. Đây chính là những "vốn" quan trọng lâu dài để Việt Nam thu hút tiếp các luồng đầu tư trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, động lực tăng trưởng đến từ dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ khả quan, bao gồm những dự án M&A do nhiều dự án định đầu tư 2020 bị ảnh hưởng bởi Covid – 19 sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2021; và sự dịch chuyển đầu tư của chuỗi cung ứng (các ngành logistics), ngành thực phẩm chế biến… vào Việt Nam.  

Từ góc độ nhà phát triển bất động sản, nhìn về sự "bùng nổ" của bất động sản công nghiệp, ông Nguyễn Thái Phiên cho rằng, bất động sản công nghiệp phát triển "nóng" trong 2 năm trở lại đây không phải vì đến bây giờ mới có sự dịch chuyển của các nhà sản xuất toàn cầu hay do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid – 19. Sự tăng trưởng "nóng" của phân khúc bất động sản công nghiệp ở Việt Nam phản ánh nhu cầu và xu hướng đa dạng hoá, mở rộng nhà máy của các nhà sản xuất lớn trên toàn cầu ở Việt Nam.

"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay dịch Covid -19 chỉ thúc đẩy nhanh hơn xu huóng đó. Vì vậy, một loạt các Tập đoàn lớn đã vào Việt Nam và các nhà phát triển bất động sản Việt Nam cũng đã mở rộng đầu tư vào lĩnh bất động sản công nghiệp để đón đầu xu hướng đa dạng hoá, mở rộng nhà máy sản xuất của các Tập đoàn lớn trên thế giới" - ông Nguyễn Thái Phiên chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý, trong trung hạn, nhiều doanh nghiệp lớn toàn cầu có xu hướng đầu tư trở lại vào nước sở tại, đặc biệt là các Tập đoàn đến từ Bắc Mỹ, EU dẫn đến xáo trộn dòng vốn đầu tư toàn cầu.