Việt Nam đã áp dụng mạnh mẽ các giải pháp tài chính tiền tệ
Hội nghị AFMGM+3 đánh giá cao việc cải thiện cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu nhằm tạo thuận lợi cho các giao dịch xuyên biên giới…
“Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp tài chính, tiền tệ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid - 19, thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi kinh tế, đóng góp vào kết quả tăng trưởng 2,91% của năm 2020", Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị trực tuyến giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 (AFMGM+3) lần thứ 24 ngày 3/5.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, kể từ khi đại dịch Covid - 19 bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã quyết liệt triển khai các biện pháp như miễn giảm thuế và các khoản thu ngân sách, miễn giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp và các đối tượng khó khăn.
Đồng thời, tăng cường chi ngân sách cho công tác phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư công, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước, tăng cường xuất khẩu…
Nhờ đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực đi qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh; đạt mục tiêu kép vừa chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi kinh tế, đóng góp vào kết quả tăng trưởng 2,91% của năm 2020.
Tại Hội nghị lần thứ 24 này, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 cùng khách mời đã có phiên thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực, đối thoại về các biện pháp chính sách ứng phó với tác động của dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Trong năm 2021, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp tài khóa, tiền tệ, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021…
Theo đó, các bên đã cùng nhau chia sẻ quan điểm về những rủi ro và thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra đối với kinh tế toàn cầu và khu vực. Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng 6,0%. Trong khi đó, AMRO dự báo kinh tế khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2021.
Trong tuyên bố chung của Hội nghị các lãnh đạo tài chính, ngân hàng trung ương đã hoan nghênh Thoả thuận Đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai sửa đổi (CMIM) có hiệu lực vào ngày 31/3/2021. Thoả thuận CMIM là thể thức hỗ trợ thanh khoản bằng USD của khu vực ASEAN+3 với quy mô cam kết lên đến 240 tỷ USD được thực hiện thông qua các giao dịch hoán đổi tiền tệ giữa các Ngân hàng Trung ương để các thành viên CMIM giải quyết khó khăn khẩn cấp về cán cân thanh toán và thanh khoản USD trong ngắn hạn, thực hiện mục tiêu ổn định tiền tệ và kinh tế vĩ mô.
Các bên cũng đã thông qua kế hoạch triển khai chạy thử nghiệm CMIM lần thứ 12 và kỳ vọng sẽ đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường tài chính, hướng tới mục tiêu đưa CMIM trở thành công cụ hữu hiệu nhằm bổ sung cho mạng lưới an ninh tài chính khu vực và toàn cầu.
Đặc biệt, một điểm nhấn tại hội nghị này là các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng cũng ghi nhận và đánh giá cao tiến độ thực hiện và kết quả đạt được của các nhóm công tác thuộc sáng kiến Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI) trong việc nghiên cứu cải thiện môi trường thu hút nhà đầu tư, phát triển thêm công cụ đầu tư mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu cũng như các hoạt động triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để phát triển thị trường trái phiếu trong nước của các nền kinh tế thành viên.
Theo đó, trong Định hướng trung hạn ABMI giai đoạn 2019 – 2022 tập trung vào hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng thúc đẩy trái phiếu xanh và trái phiếu thuộc Khung phát hành trái phiếu đa tiền tệ ASEAN+3 (AMBIF), thúc đẩy tiêu chuẩn hóa và sự hài hòa của các quy tắc có liên quan đến thị trường trái phiếu. Cải thiện cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu nhằm tạo thuận lợi cho các giao dịch xuyên biên giới, và tăng cường hợp tác giữa các sáng kiến trong khu vực.
Hội nghị cũng đánh giá cao nỗ lực của Quỹ Bảo lãnh tín dụng đầu tư (CGIF) trong việc thúc đẩy phát hành trái phiếu bằng nội tệ dù cho những điều kiện khó khăn trong đại dịch.
Ngoài ra, Hội nghị lưu ý nhiều đến việc khởi động sáng kiến kết nối giao hàng - thanh toán (DvP) xuyên biên giới do Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông và Ngân hàng Nhật Bản phối hợp triển khai. Ghi nhận tiến trình của Diễn đàn Tài sản thế chấp Châu Á (APCF), nhằm thúc đẩy việc sử dụng tài sản thế chấp trong khu vực ASEAN+3…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ghi nhận và hoan nghênh kết quả triển khai các sáng kiến hợp tác tài chính ASEAN+3 trong thời gian qua, ghi nhận kết quả hoạt động của các nhóm công tác trong các sáng kiến CMIM, ABMI và việc triển khai các sáng kiến hợp tác mới, mong muốn thấy kết quả tích cực của các sáng kiến mới trong thời gian tới.
AFMGM+3 được xem là sự kiện quan trọng nhất trong năm của Tiến trình hợp tác tài chính giữa các nước ASEAN và 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.