Việt Nam tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng về độ phức tạp của hàng hóa xuất khẩu
So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam hiện xếp cao hơn Indonesia, Campuchia, Lào, Myanmar; nhưng xếp sau khá xa so với Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines...
Theo Chỉ số Độ phức tạp Kinh tế (ECI) năm 2019 mới cập nhật của Growth Lab thuộc Trung tâm Phát triển Quốc tế, Đại học Harvard, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam tăng mạnh so với năm trước đó.
Chỉ số ECI đo lường sự đa dạng và mức độ tinh vi về công nghệ của các loại hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia cũng như khối lượng hàng hóa xuất khẩu.
Việt Nam đứng thứ 56 trong bảng xếp hạng gồm 133 quốc gia trên thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2018. Thứ hạng của Việt Nam đã tăng 14 bậc so với năm 2010 và 51 bậc so với năm 1995.
Theo ECI, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 117 tỷ USD hàng điện tử, chiếm tỷ trọng lớn nhất lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu (350 tỷ USD) với 33,4%. Tỷ trọng của mặt hàng này năm 2018 là 36,7% và 9,6% vào năm 2010.
Mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai và thứ ba trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 là hàng dệt may và nông sản với lần lượt 68,2 tỷ USD (gần 19,5%) và 31 tỷ USD (8,9%). Kim ngạch xuất khẩu máy móc của Việt Nam năm 2019 đạt 24,2 tỷ USD (6,9%), tăng gần 2 tỷ USD so với năm trước đó.
So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam hiện xếp cao hơn Indonesia (vị trí 61), Campuchia (88), Lào (92) và Myanmar (114). Tuy nhiên, Việt Nam xếp sau khá xa so với Singapore (vị trí 5), Thái Lan (23), Malaysia (24) và Philippines (28).
Nhật Bản là quốc gia có chỉ số ECI cao nhất thế giới, luôn giữ vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng này kể từ năm 1995. Các quốc gia còn lại trong top 10 gồm Thụy Sỹ, Đức, Hàn Quốc, Singapore, Cộng hòa Séc, Áo, Thụy Điển, Slovenia và Hungary.
Mỹ xếp thứ 11 trong danh sách. Trong khi đó, Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, xếp thứ 16. Khoảng cách giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm hơn một nửa trong vòng một thập kỷ. Thứ hạng của Trung Quốc tăng 8 bậc so với năm 2010 và tăng 30 bậc so với năm 1995.
Hiện tại, chưa có dữ liệu về xuất khẩu trong thời gian diễn ra đại dịch. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo thứ hạng của các quốc gia xuất khẩu mạnh như Trung Quốc sẽ thay đổi đáng kể nhờ đại dịch. Dữ liệu năm 2019 là dữ liệu mới nhất được cập nhật vào tuần trước.
Theo Growth Lab, thứ hạng cao của các quốc gia không đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế nhanh. Điển hình rõ ràng nhất là Nhật Bản, quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng 19 năm liên tiếp, nhưng có tăng trưởng kinh tế tương đối chậm. Trong khi đó, khoảng cách giữa mức độ tinh vi trong hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia và GDP bình quân đầu người là yếu tố dự báo mạnh nhất về độ mở cửa nền kinh tế của quốc gia đó trong tương lai.
Năm 2019, Growth Lab dự báo các quốc gia đang đa dạng hóa sản xuất sang những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ và độ tinh vi cao như Việt Nam, Trung Quốc, sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong thập kỷ tới. Theo Growth Lab, Uganda, Ai Cập, Myanmar, Trung Quốc và Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế vào năm 2027 (ít nhất 6%/năm).
“Châu Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế nhờ việc đa dạng hóa sản xuất sang các lĩnh vực phức tạp hơn. Các quốc gia dẫn đầu trong khu vực sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, với Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Malaysia và Thái Lan là các nền kinh tế dẫn đầu trong thập kỷ tới”, ông Sebastian Bustos, nhà nghiên cứu hàng đầu của Growth Lab, nhận định.
Tuy nhiên, các dự báo này được đưa ra trước khi đại dịch Covid-19 ập đến và trước khi xảy ra nhiều biến động về chính trị như đảo chính ở Myanmar đầu năm nay.