09:59 20/07/2025

Dấu ấn kinh tế thế giới tuần 14-20/7/2025: Đàm phán thương mại ít tiến triển

An Huy

Tuần này, đàm phán thương mại giữa Mỹ với các đối tác thương mại lớn dường như chưa có thêm bước tiến nào mới, trong khi đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của thuế quan đến lạm phát ở Mỹ...

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một buổi làm việc ở Nhà Trắng hôm 14/7/2025 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một buổi làm việc ở Nhà Trắng hôm 14/7/2025 - Ảnh: Reuters.

Kinh tế Trung Quốc có những số liệu thống kê tích cực, nhưng giới quan sát vẫn bi quan về triển vọng trong nửa cuối năm.

Dưới đây là những thông tin và sự kiện kinh tế nổi bật trong tuần từ ngày 14-20/7/2025 do VnEconomy điểm lại:

Xuất khẩu Trung Quốc vẫn tăng trưởng tốt

Số liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 14/7 cho thấy kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD của nước này trong tháng 6 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo tăng 5% của các chuyên gia kinh tế. Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ giảm tháng thứ ba liên tiếp, với mức giảm là 11,6% trong tháng 6, nhưng tốc độ giảm này đã chậm lại so với cú giảm 34% của tháng 5.

Dù các dữ liệu thương mại 6 tháng đầu năm của Trung Quốc được đánh giá là khả quan, các nhà kinh tế dự báo đà tăng trưởng xuất khẩu của nước này có thể sẽ suy yếu trong thời gian tới do sự bấp bênh gia tăng xung quanh chính sách thuế quan của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump dùng thuế quan để gây sức ép với Nga nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Hôm 14/7, ông Trump cho biết Mỹ có thể sẽ áp thuế quan 100% đối với các quốc gia nhập khẩu hàng hóa của Nga nếu chiến tranh ở Ukraine không sớm chấm dứt. Ông đưa ra thời hạn 50 ngày để Nga đi đến một thỏa thuận kết thúc cuộc chiến này, và nếu không có thỏa thuận đạt được trong khoảng thời gian đó, việc áp thuế quan sẽ được triển khai.

Nếu sự trừng phạt này trở thành hiện thực, những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là những nước mua dầu Nga nhiều nhất, gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng trong tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga liên quan tới cuộc chiến tranh ở Ukraine. Gói trừng phạt này bao gồm các biện pháp mới nhằm vào ngành công nghiệp dầu khí của Nga.

Dù vậy, thị trường dầu lửa phản ứng khá thờ ơ với những diễn biến mới này, thể hiện qua việc giá dầu thô WTI giao sau tại Mỹ và giá dầu thô Brent giao sau tại London đều giảm khoảng 2% trong tuần.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 15/7/2025 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng 5,2% trong quý 2 vừa qua so với cùng kỳ năm 2024, giảm tốc so với mức tăng 5,4% trong quý 1/2025, nhưng cao hơn mức dự báo tăng 5,1% mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Theo giới phân tích, Trung Quốc đạt tăng trưởng cao hơn mục tiêu chính thức 5% trong quý 2 vừa qua một phần nhờ các đơn hàng xuất khẩu được đẩy nhanh.

Với những thách thức còn lớn, gồm thuế quan của Mỹ, tiêu dùng yếu và khủng hoảng bất động sản kéo dài, kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm nay, đòi hỏi Bắc Kinh triển khai thêm các biện pháp kích thích bằng chính sách tài khóa để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5%.

Mỹ đạt thỏa thuận thương mại với Indonesia

Hôm thứ Ba tuần này, ông Trump tuyên bố Mỹ đã đạt thỏa thuận thương mại với Indonesia. Ngày thứ Tư, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto xác nhận thông tin này và tiết lộ rằng việc đi đến được thỏa thuận với Washington là một tiến trình chông gai.

Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Indonesia đưa ra mức thuế quan 19% của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Indonesia, giảm từ mức 32% mà ông Trump công bố trong kế hoạch thuế quan đối ứng ngày 2/4.

Thỏa thuận với Indonesia là thỏa thuận thương mại thứ tư mà ông Trump tuyên bố đạt được trong ba tháng qua, sau thỏa thuận với Anh, Trung Quốc và Việt Nam. Trước đó, ông đã hứa sẽ đạt được hàng chục thỏa thuận với các đối tác thương mại của Mỹ trong khoảng thời gian tạm hoãn thuế đối ứng, nhưng dường như việc đạt nhiều thỏa thuận trong một thời gian ngắn như vậy là bất khả thi.

Lạm phát của Mỹ tăng tốc, dấu hiệu của thuế quan bắt đầu có tác động

Số liệu thống kê của Mỹ công bố tuần này cho thấy lạm phát ở nước này có dấu hiệu nóng lên. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đến từ Bộ Lao động Mỹ vào hôm thứ Ba tuần này cho thấy CPI tháng 6 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. CPI lõi - thước đo không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ 2024.

Tuy phù hợp với dự báo, các mức tăng của CPI toàn phần và CPI lõi đều cao hơn so với tháng 5. Do đó, các số liệu này khiến thị trường lo ngại hơn về tác động đối với lạm phát từ các kế hoạch áp thuế quan của ông Trump. Nếu thuế quan đẩy lạm phát tăng trở lại hoặc khiến lạm phát chững lại trên ngưỡng mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.

Ông Trump cứng rắn trong đàm phán thuế quan với Nhật Bản

Hôm 16/7, ông Trump cho biết Washington sẽ giữ nguyên thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản ở mức 25% như đã thông báo hồi đầu tháng này. Nếu trong thời gian từ nay đến hết tháng 7, Mỹ và Nhật Bản không đạt thỏa thuận thương mại, mức thuế 25% sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Thuế quan ô tô được xem là vấn đề gai góc nhất trong đàm phán thương mại giữa hai quốc gia đồng minh thân cận này.

Trong lúc đàm phán không có tiến triển, xuất khẩu của Nhật Bản tiếp tục trượt dốc dưới sức ép thuế quan. Số liệu thống kê tuần này cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 6 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp nối cú giảm 1,7% trong tháng 5.

Hai tháng xuất khẩu giảm liên tiếp cho thấy thuế quan của Mỹ đang đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế có độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu của đất nước mặt trời mọc.

Thông tin Chủ tịch Fed có thể bị sa thải khiến thị trường lo lắng

Hôm 16/7, báo chí Mỹ đưa tin ông Trump đã đưa ra ý tưởng sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell trong một cuộc gặp với các nghị sỹ của Đảng Cộng hòa. Thông tin này làm dấy lên mối lo ngại về sự độc lập của Fed - ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới.

Nhưng sau đó, ông Trump nhanh chóng bác bỏ thông tin trên, nói rằng “khả năng rất cao” là ông sẽ không sa thải ông Powell trong tương lai gần, nhưng ông không “loại trừ bất kỳ điều gì”.

Nhà Trắng gần đây bắt đầu chỉ trích dự án nâng cấp trụ sở của Fed, cho rằng đây là một dự án tốn kém và lãng phí. Giới chuyên gia cho rằng câu chuyện này có thể phát triển thành một lý do chính đáng để ông Trump sa thải ông Powell.

Đàm phán thương mại Mỹ - châu Âu chưa mang lại kết quả

Hôm thứ Sáu, tờ báo Financial Times dẫn nguồn thạo tin nói rằng ông Trump đã nâng cao các yêu cầu của Mỹ trong đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu (EU), theo đó ông chủ trương áp thuế quan tối thiểu 15-20% lên hàng hóa châu Âu trong bất kỳ thỏa thuận thương mại nào của Mỹ với khối này. Trong khi đó, EU được cho là kỳ vọng có được một thỏa thuận với mức thuế quan 10%.

Nếu không có thỏa thuận nào giữa hai bên trước ngày 1/8, ông Trump có thể thực thi mức thuế quan 30% đối với hàng hóa châu Âu kể từ mốc thời gian này như đã cảnh báo.

Thu thuế quan của Mỹ lập kỷ lục

Theo số liệu được Bộ Tài chính Mỹ công bố trong tuần này, thu thuế quan của Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6 vừa qua, đạt 27,2 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao kỷ lục. Tổng thu thuế quan từ đầu năm tài khóa bắt đầu vào tháng 10/2024 đạt hơn 113 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nước này thu thuế quan vượt 100 tỷ USD trong một năm tài khóa.