Vinh danh 76 công trình sáng tạo Việt Nam 2021
76 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2021 đều có giá trị ứng dụng trong hoạt động thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội...
Ngày 25/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2021.
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, các công trình đều được tiến hành lựa chọn bài bản, chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan. Các tác giả của các công trình này là những tập thể, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc, có tác giả là giáo sư, tiến sĩ, là chủ doanh nghiệp và cả sinh viên, học sinh. Điều đó cho thấy năng lực sáng tạo, nghiên cứu khoa học luôn có ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội.
“Hàng nghìn công trình khoa học được trao giải, đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc phát triển các tài năng sáng tạo và các phong trào thi đua sáng tạo, việc công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam tiếp tục là giải pháp kịp thời động viên, khuyến khích và tôn vinh các nhà khoa học, nhà sáng chế. Đồng thời, khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy trí tuệ của người Việt Nam.
Cũng tại buổi Lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, năm nay Sách vàng sáng tạo Việt Nam công bố và giới thiệu 76 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ được tuyển chọn từ 151 công trình.
Đáng chú ý, năm 2021 lần đầu tiên đã vinh danh 6 công trình sáng tạo khoa học tiêu biểu thuộc lĩnh vực xã hội - nhân văn, có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Có thể khẳng định, những công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2021 là những công trình tiêu biểu, có giá trị ứng dụng trong hoạt động thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đặc biệt, có những sáng tạo khởi nguồn từ những người trực tiếp lao động sản xuất nhằm thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng cho biết, trong những năm gần đây, số lượng bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế và sáng chế của người Việt Nam ngày càng tăng; khoảng cách về trình độ khoa học và công nghệ giữa Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới được rút ngắn.
Bên cạnh đó, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng, theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được tổ chức WIPO công bố mới đây, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết thêm, tiêu chí, điều kiện các công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ được giới thiệu, đề nghi tuyển chọn, công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2021 gồm: Công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và kỹ thuật đã đoạt giải tại các cuộc thi; có giá trị khoa học và công nghệ hoặc giá trị ứng dụng thực tiễn cao, giá trị kinh tế cao, đạt hiệu quả trong sản xuất, đời sống...
76 công trình, giải pháp được chia theo các lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông: 15 công trình; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới và chế biến, sản xuất trong nông nghiệp: 14 công trình; sinh học phục vụ sản xuất, đời sống: 13 công trình.
Cơ khí tự động hóa: 9 công trình; giáo dục – đào tạo: 8 công trình; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên: 7 công trình; y tế: 7 công trình; công nghệ vật liệu: 3 công trình.
Với công trình “Công nghệ sản xuất và kinh doanh sản phẩm tảo xoắn Spirulina quy mô lớn”, ông Nguyễn Xuân Diệu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tảo xoắn Đại Việt chia sẻ, để có được thành công này, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực không ngừng nghỉ với sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ, nhân viên.
Ông Nguyễn Xuân Diệu kỳ vọng lĩnh vực tảo xoắn Spirulina trong thời gian tới sẽ phát triển tốt hơn, trở thành sản phẩm khoa học công nghệ cao, giúp người dân Việt Nam có sức khỏe tốt hơn trong thời gian tới.
Cho rằng công nghệ sinh học là một trong những lĩnh vực quan trọng, đóng góp lớn cho nền kinh tế cũng như tính ứng dụng cao trong đời sống, ông Nguyễn Xuân Diệu cũng mong muốn được tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ có thêm cơ chế, chính sách tốt nhất để nghiên cứu và phát triển sản xuất.
Trong khi đó, với công trình “Nghiên cứu và áp dụng quy trình sản xuất ngói cao cấp bằng phương pháp nghiền khô”, Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổ hợp Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt cho biết, đến nay, 100% sản phẩm của Gốm Đất Việt đều là sản phẩm khoa học và công nghệ.
Nhấn mạnh ngành sản xuất ngói xưa nay nặng nhọc, ông Nguyễn Quang Mâu cho biết, trong tương lai, Gốm Đất Việt sẽ tiếp tục phấn đấu làm cho nghề sản xuất gạch, ngói, đất sét nung ngày một vơi đi nặng nhọc.