Để khoa học công nghệ trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao những ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng lần thứ tư để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã nêu ra các giải pháp, trong đó một nhiệm vụ trọng tâm thứ hai đã được nhấn mạnh: đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng công nghệ đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao những ứng dụng tiến bộ của khoa học công, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng lần thứ tư để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Bên lề Đại hội XIII, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã trao đổi với báo chí về chủ đề này.
Trong 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn tới, khoa học công nghệ được xác định như thế nào, thưa ông?
Để thể hiện khát vọng của Việt Nam trong giai đoạn tới, Đại hội XIII đã đưa ra những nhiệm vụ rất cụ thể cho giai đoạn 2025, 2030 và 2045. Và để thực hiện được điều đó thì đất nước phải dựa vào khoa học công nghệ. Và điều này đã được thể rất rõ trong các nội dung của các văn kiện trình Đại hội Đảng lần này.
Đặc biệt trong việc xác định khâu đột phá để thực hiện chiến lược. Trong 3 khâu đột phá, xác định rõ khoa học công nghệ là cốt lõi, là điểm tựa cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh. Đây là nét rất mới trong nghị quyết lần này.
Thực tế thời gian qua đã chứng minh, khoa học công nghệ đã có bước tiến rất quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Điều đó được thể hiện qua tất cả các chỉ tiêu phát triển, thứ bậc tăng trưởng, số lượng bài báo công bố quốc tế, chỉ số đổi mới toàn cầu và đánh giá của các bộ ngành về đóng góp của khoa học công nghệ,... Như vậy, khoa học công nghệ đã thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh
Vậy có thể hình dung những yếu tố then chốt nào tập trung trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thưa ông?
Đấy là khoa học công nghệ nói chung, nhưng khoa học công nghệ được nhắc tới trong văn kiện Đại hội XIII là khoa học công nghệ của giai đoạn mới, giai đoạn của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nơi mà tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ đều phát triển ở mức rất cao. Đó là những sáng chế của ngày hôm sau phát triển hơn rất nhiều so với ngày hôm trước, những gì của ngày hôm nay thì hôm qua là một câu chuyện viễn tưởng.
Do đó khoa học công nghệ phải phát triển nhanh đồng bộ và tiến kịp với các nước, đặc biệt công nghệ lõi, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà hiện nay đất nước ta đang chú trọng vào phát triển thành công nghệ then chốt mà trong quản lý nhà nước chính là chuyển đổi số trong quản lý hành chính.
Với vai trò quan trọng như thế, cùng với thể chế hoá, tới đây các quy định pháp luật liên quan đến khoa học công nghệ sẽ thay đổi như thế nào để giúp đưa nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, thưa ông?
Trong kỳ hợp khoá 14 vừa qua, Quốc hội đã thể chế hoá các chủ trương của Đảng và nhà nước bằng một loạt các quy định luật pháp liên quan về khoa học công nghệ và các luật khác mà có nội dung liên quan đến khoa học công nghệ. Tuy nhiên để triển khai các nghị quyết của Đại hội XIII, các nội dung này lại tiếp tục được xem xét lại để những nội dung nào chưa thực sự phù hợp thì sẽ được điều chỉnh theo định hướng của Nghị quyết lần này.
Là chủ tịch của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, nơi tập trung rất nhiều đội ngũ tri thức về khoa học công nghệ, ông sẽ làm gì để triển khai nghị quyết của Đại hội XIII, mà đặc biệt là triển khai nội dung đột phá về khoa học công nghệ?
Ngay sau Đại hội XIII, khi trở về Liên hiệp, chúng tôi tổ chức sẽ họp đoàn chủ tịch, hội đồng trung ương, để triển khai nghị quyết của Đại hội III, xây dựng các chương trình cụ thể để các tổ chức của Liên hiệp như các hội, các viện nghiên cứu, tuỳ theo chức năng của mình sẽ nghiên cứu để đưa ra các giải pháp phù hợp với nhân lực của tổ chức mình.
Khoa học công nghệ hiện đại là đích để chúng ta hướng tới. Nhưng để triển khai được khoa học công nghệ thì phải dựa vào con người, mà con người ở đây chính là đội ngũ những người làm khoa học công nghệ cũng như các cán bộ khoa học công nghệ. Với đặc thù của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam là nơi tập hợp các trí thức Việt Nam, đặc biệt là những nhà khoa học, vốn đã được đào tạo và rèn luyện rất căn bản về khoa học và kỹ thuật nên chắc chắn đây là sẽ là lực lượng hùng hậu để có thể đồng hành cùng với các nhân lực khác hoàn thành những mục tiêu cao cả mà Đại hội XIII đã phê chuẩn.