VN-Index vượt 860 điểm, thị trường theo chân nhà đầu tư ngoại
Chỉ số VN-Index trong phiên ngày 10/1 một lần nữa phá vỡ kỷ lục cũ và thiết lập kỷ lục mới khi đạt 865,71 điểm, tăng 20,8 điểm (+2,46%)
Chỉ số VN-Index trong phiên ngày 10/1 một lần nữa phá vỡ kỷ lục cũ và thiết lập kỷ lục mới khi đạt 865,71 điểm, tăng 20,8 điểm (+2,46%).
Kết quả của sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi 53/106 cổ phiếu tăng giá. Tuy nhiên, khối lượng cổ phiếu được khớp lệnh thành công chỉ đạt hơn 5,93 triệu cổ phiếu, tương đương 670,4 tỷ đồng, giảm gần 20% so với phiên trước.
Theo thống kê của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài trong phiên này vẫn khá nhiều. Mặc dù giá nhiều cổ phiếu trên thị trường được đánh giá là cao ngất ngưởng, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực mua vào các cổ phiếu mà họ cho là có tiềm năng.
Ngoài một số cổ phiếu đã đạt tỷ lệ sở hữu tối đa như AGF, REE, BT6, TMS, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại các công ty niêm yết khác. Cũng như các phiên gần đây, các cổ phiếu như CII, FPT, GMD, ITA, PGC, PVD, SAM, VNM, VSH... tiếp tục là các cổ phiếu được khối nhà đầu tư ngoại quan tâm.
Đó là lý do khiến giá của các cổ phiếu này tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, cổ phiếu FPT. Đây là cổ phiếu tâm điểm của thị trường trong phiên này.
Có 314.250 cổ phiếu FPT được khớp lệnh ở mức giá 495.000 đồng, tăng 5.000 đồng/cổ phiếu so với phiên trước. Với số lượng này, FPT đã trở thành cổ phiếu đứng đầu thị trường về giá trị giao dịch với 154,87 tỷ đồng được chuyển nhượng thông qua khớp lệnh.
Tuy nhiên, nếu tính về khối lượng khớp lệnh thì CII là cổ phiếu đứng đầu thị trường với gần 400.000 cổ phiếu khớp lệnh, tiếp theo là ITA với hơn 341.260 cổ phiếu, kế đến là STB với 336.880 cổ phiếu và VNM với 329.410 cổ phiếu.
Hầu hết các cổ phiếu này đều tăng giá, đáng kể có các cổ phiếu chủ chốt, có khối lượng giao dịch lớn như GMD, REE, SAM, SJS, VNM, VSH tăng kịch trần.
Sự tăng mua ồ ạt hàng loạt cổ phiếu chủ chốt của khối nhà đầu tư ngoại trong phiên này đã tạo hưng phấn cho thị trường, giúp thị trường tăng trưởng mạnh.
Và thị trường sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nếu không có sự “níu chân” của nhóm 37 cổ phiếu giảm giá, trong đó đáng kể là sự sụt giảm của cổ phiếu bất động sản.
Mặc dù không giảm sàn, nhưng cổ phiếu TDH của Công ty Cổ phần Nhà Thủ Đức là cổ phiếu đứng đầu trong nhóm các cổ phiếu giảm giá. Giá của TDH đã giảm 6.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 200.000 đồng/cổ phiếu với 232.550 cổ phiếu khớp lệnh.
Còn cổ phiếu HBC giảm 4.500 đồng/cổ phiếu (giảm sàn) xuống 93.000 đồng/cổ phiếu với 29.380 cổ phiếu khớp lệnh và đây cũng chính là số lượng mua vào của HBC trong phiên này.
Phần lớn các cổ phiếu giảm giá, ngoại trừ TDH, đều là các cổ phiếu có khối lượng chuyển nhượng thấp, nên tác động không mạnh đến sự tăng trưởng của thị trường.
Ngoài số lượng khớp lệnh, thị trường còn có thêm 383.766 cổ phiếu nữa được giao dịch theo phương pháp thoả thuận, tương đương 47,3 tỷ đồng giá trị, nâng khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng toàn thị trường lên hơn 6,3 triệu cổ phiếu, tương đương 717,8 tỷ đồng giá trị.
Giao dịch của chứng chỉ quỹ trong phiên này cũng khá sôi động. Có đến 869.670 đơn vị quỹ VF1 và 425.770 chứng chỉ BF1 được chuyển nhượng trong phiên này. Giá của VF1 tăng kịch trần (+2.000 đồng) lên 42.500 đồng/đơn vị quỹ và BF1 lại giảm nhẹ 100 đồng xuống còn 13.200 đồng khi đóng cửa PGD.
Giao dịch của 2 chứng chỉ quỹ này đã góp thêm cho thị trường gần 42,6 tỷ đồng, cộng với 132 tỷ đồng giá trị trái phiếu, nâng tổng giá trị giao dịch toàn thị trường phiên này đạt hơn 892,5 tỷ đồng.