Vốn cho vay giải quyết việc làm: Cung chưa đủ cầu
Tính đến hết tháng 5/2019, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt gần 17.000 tỷ đồng
Đánh giá về hiệu quả của chính sách cho vay vốn qua Quỹ quốc gia về việc làm, ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, dù những năm qua nguồn vốn phân bổ cho chương trình rất ít, nhưng hoạt động cho vay của Quỹ rất hiệu quả, góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động.
Vốn cho vay giải quyết việc làm đạt gần 17.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 31/5/2019, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 16.999 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là 4.511 tỷ đồng, nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động là 4.010 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội là 8.478 tỷ đồng.
Doanh số cho vay giải quyết việc làm giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 5/2019 đạt 24.459 tỷ đồng, với gần 800.000 lượt khách hàng được vay vốn, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 885.000 lao động.
Doanh số thu nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 13.857 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giải quyết việc làm đến ngày 31/5/2019 là 16.860 tỷ đồng, với hơn 523.000 khách hàng đang còn dư nợ, mức cho vay bình quân đạt 32 triệu đồng/lao động.
Nhờ nguồn vốn có được, những năm qua nhiều mô hình cho vay hiệu quả từ Quỹ quốc gia về việc làm như mô hình khôi phục làng nghề bó chổi thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên; mô hình kinh tế nông trại câu lạc bộ Nông trang xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh... đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tạo thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình họ.
Vay vốn kết hợp mô hình "5 hỗ trợ"
Mặc dù đem lại hiệu quả tốt trong tạo việc làm cho người lao động, songtheo ông Lê Quang Trung thì hiện nguồn vốn cho vay từ Quỹ rất hạn chế, nhất là từ năm 2016 đến nay ngân sách nhà nước không cấp bổ sung vốn cho Quỹ. Thay vào đó, nguồn vốn chỉ được bổ sung một phần từ 10% tiền lãi cho vay từ Quỹ hằng năm, nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Bên cạnh đó, mức vay và thời hạn vay vốn chưa phù hợp với quy mô và chu kỳ sản xuất trong tình hình mới. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, quy mô sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất và người lao động từng bước chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, định hướng tiêu thụ sản phẩm theo các mô hình chuỗi giá trị.
Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động ngoài nguồn vốn vay tối đa 1 tỷ đồng hoặc 50 triệu đồng đã phải tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng khác mới đủ vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay từ Quỹ hiện bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, trong khi đây không phải là các đối tượng ưu tiên dẫn đến tâm lý ỷ lại của các đối tượng, không khuyến khích họ trả nợ đúng hạn.
Trước những thực tế như vậy, ông Lê Quang Trung cho rằng, vì nguồn vốn có ít nên khi triển khai cần xem xét rất kỹ những nhóm đối tượng nào cần ưu tiên bố trí vốn cho vay. Đồng thời, lãi suất cho vay cũng cần phải được tính toán cho hợp lý so với thực tiễn và mặt bằng lãi suất chung để tránh lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích của chương trình vay vốn.
Dự kiến, tới đây việc sửa đổi các quy định về chính sách vay vốn sẽ đề xuất tăng lãi vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động lên bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật.
Cùng với đó là nâng mức vay tối đa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh lên 2 tỷ đồng; đối với người lao động tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể sẽ do Ngân hàng Chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn.
Bên cạnh đó, để nâng hiệu quả của chương trình cho vay, ông Lê Quang Trung cũng lưu ý, các địa phương khi triển khai chương trình cần nghiên cứu cả giải pháp hỗ trợ. Đặc biệt là chú trọng đến mô hình 5 hỗ trợ gồm: hỗ trợ về định hướng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thực hiện dự án, hỗ trợ vốn, thị trường tiêu thụ và hỗ trợ quản trị tài chính vi mô.