09:45 01/12/2008

Vụ PCI: "Không phải vào cuộc chậm, mà vì chờ thông tin"

Từ Nguyên

"Không phải là chúng ta vào cuộc chậm, mà vì phải chờ những thông tin chính thức từ phía Nhật Bản cung cấp"

"Ngay từ khi bắt tay vào điều tra thì dù chưa có kết quả cụ thể nhưng chúng tôi xác định đây là vụ việc có dấu hiệu hết sức nghiêm trọng."
"Ngay từ khi bắt tay vào điều tra thì dù chưa có kết quả cụ thể nhưng chúng tôi xác định đây là vụ việc có dấu hiệu hết sức nghiêm trọng."
"Không phải là chúng ta vào cuộc chậm, mà vì phải chờ những thông tin chính thức từ phía Nhật Bản cung cấp".

Đó là khẳng định của ông Vũ Tiến Chiến, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, xung quanh "nghi án" đưa hối lộ của Công ty PCI (Nhật Bản), liên quan đến dự án Đại lộ Đông Tây.

Ông có thể cho biết quan điểm và kết quả xử lý của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương về vụ việc của Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI)?

Đến thời điểm này, vụ việc vẫn đang được phía Nhật Bản điều tra. Tuy nhiên, tại hội nghị đối thoại về tham nhũng với các nhà tài trợ cho Việt Nam, chúng tôi cũng đã công bố công khai vụ việc. Ngày 19/11 vừa qua, Chủ tịch UBND Tp.HCM đã quyết định đình chỉ công tác đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây.

Hiện các cơ quan chuyên môn vẫn đang làm việc độc lập với từng nhiệm vụ được giao. Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục theo dõi sát vấn đề này. Kết luận cuối cùng phải chờ sau khi có kết quả điều tra nên chưa thể công bố thông tin sớm được.

Quan điểm của chúng tôi là xem đây là một vụ điển hình, nên đích thân Thủ tướng đã chỉ đạo phải phối hợp thật chặt chẽ với Nhật Bản để điều tra rõ ràng, không để bỏ sót tội phạm.

Đặc biệt, đây là vụ việc có yếu tố nước ngoài nên chúng ta lại càng phải làm nghiêm hơn, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước.

Có nhiều ý kiến cho rằng, phía Việt Nam đã vào cuộc quá chậm bởi nghi án hối lộ đã được đăng tải trên báo chí Nhật Bản từ tháng 6, nhưng đến cuối tháng 11, chúng ta mới đình chỉ công tác ông Huỳnh Ngọc Sỹ, thưa ông?

Không phải là chúng ta vào cuộc chậm, mà vì phải chờ những thông tin chính thức từ phía Nhật Bản cung cấp.

Sau khi phía Nhật chính thức thông báo kết quả điều tra là các quan chức của PCI đã hai lần đưa hối lộ cho một quan chức Việt Nam là ông Huỳnh Ngọc Sỹ, với số tiền là 820.000 USD để nhận được các hợp đồng tư vấn cho dự án từ nguồn ODA này, thì chúng ta mới bắt đầu lập ban chuyên án điều tra.

Đây là vụ việc có yếu tố nước ngoài, nên Chính phủ Việt Nam vừa phải chủ động, kiên quyết và xử lý nghiêm đối với hành vi tham nhũng, vừa phải thể hiện tính thận trọng, khách quan và tuân thủ pháp luật Việt Nam và quốc tế. Đây không chỉ là vấn đề trong nước, mà chúng ta còn phải công bố kết quả với bạn bè quốc tế.

Nhiếu ý kiến cho rằng, với khoản hối lộ lên tới gần 1 triệu USD thì không thể chỉ liên quan đến một mình cá nhân ông Sỹ, thưa ông?

Ngay từ khi bắt tay vào điều tra thì dù chưa có kết quả cụ thể nhưng chúng tôi xác định đây là vụ việc có dấu hiệu hết sức nghiêm trọng. Phía Nhật Bản cũng đang trong quá trình xét xử tội danh đưa hối lộ của các quan chức PCI.

Đó là dấu hiệu rất rõ ràng để chúng ta tập trung điều tra. Nội dung cụ thể của vụ việc phải đợi cơ quan điều tra xem xét, kết luận.

Tôi xin nhấn mạnh, "nghi án" này gây hình ảnh xấu về Việt Nam. Do đó, chúng ta phải sớm kết luận có hay không việc nhận hối lộ, có bao nhiêu người liên quan. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là, bất cứ ai sai phạm cũng phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Đây là vụ việc có liên quan đến nước ngoài. Vậy chúng ta sẽ xét xử theo hướng nào bởi hiện nay chúng ta vẫn chưa có những chế tài cho những vụ án như thế này, thưa ông?

Điều này cũng đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, dù là vụ việc nào đi nữa thì chúng ta cũng đã có các bộ luật xét xử phù hợp. Chúng ta hoàn toàn có quyền xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cùng với vụ PMU 18, liệu vụ việc này có ảnh hưởng đến thu hút ODA của Việt Nam không, thưa ông?

Cùng với việc tiến hành điều tra xác minh làm rõ thông tin đưa và nhận hối lộ, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, Văn phòng Chính phủ và các bộ Ngoại giao, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng cùng với phía Nhật Bản thành lập ủy ban phối hợp để đấu tranh, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong sử dụng nguồn vốn ODA.

Thủ tướng cũng đã khẳng định, hiện nay việc sử dụng nguồn vốn ODA ở Việt Nam về cơ bản vẫn hiệu quả. Chính vì vậy, vụ PCI chỉ là trường hợp cá biệt, không ảnh hưởng đến thu hút ODA của Việt Nam.

Điều này cũng đã được các nhà tài trợ cam kết. Nếu chúng ta giải quyết tốt thì việc thu hút vốn ODA sẽ tốt đẹp.

Liệu còn nhiều dự án sử dụng vốn ODA khác có dấu hiệu tham nhũng, hối lộ, nhưng năng lực phát hiện của chúng ta có hạn, thưa ông?


Nếu nói các dự án sử dụng vốn ODA khác có tình trạng tham nhũng hay không thì cũng chưa thể, bởi cần phải có căn cứ, bằng chứng. Tuy nhiên, qua vụ án PCI thì chắc chắn là chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng giam sát, kiểm tra chặt chẽ hơn tình trạng sử dụng vốn và chế độ tài chính, kế toán trong các dự án đó.

* Đại lộ Đông Tây thuộc quản lý của UBND Tp.HCM, được khởi công 31/1/2005. Điểm đầu của dự án là quốc lộ 1A qua huyện Bình Chánh và kết thúc tại xa lộ Hà Nội (quận 2), với tổng chiều dài toàn tuyến gần 22 km. Dự án có hạng mục hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn  và là đai lộ lớn nhất Đông Nam Á.

Dự án với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), số còn lại từ ngân sách thành phố. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 2/2008 nhưng phải dời lại đến đầu năm 2010.

Công ty PCI có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản). Công ty này có tham gia đấu thầu các hợp đồng tư vấn cho dự án Đại lộ Đông Tây. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, cơ quan chức năng Nhật Bản đã bắt 4 cựu quan chức của công ty về tôi danh đưa hối lộ và vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản.