09:43 01/02/2008

Vui, buồn chuyện đào rừng về xuôi

Phan Anh

Dọc hai bên quốc lộ từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa, hàng nghìn cành, gốc đào được người dân chặt đốn bày bán

Dọc hai bên quốc lộ từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa, hàng nghìn cành, gốc đào được người dân chặt đốn bày bán. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những gốc đào, cành đào Sa Pa lại được chặt bán cho các du khách qua đường và vận chuyển về xuôi trang trí Tết.

Tết dăm ba ngày qua đi nhưng những cành đào rừng có cả vài chục năm tuổi, thậm chí lâu hơn nữa đang bị đốn trong tích tắc.

Năm nay, đào mai dưới xuôi có vẻ không được mùa vì thời tiết thất thường. Dân chơi hoa cây cảnh ngày Tết gần đây cũng đang chuyển dần từ mai đào uốn thế sang tìm mua chơi đào rừng, đào tự nhiên. Có cầu ắt có cung, chính vì thế mà những cây đào rừng Sa Pa hàng năm thêm trơ gốc.

Bán cành cao hơn thu quả?

Còn hơn 1 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng những cành đào ngậm đài, chúm chím nụ đã làm tăng thêm khí thế Xuân. Giữa tiết trời lạnh 5-6 độ C, từng dãy chợ tạm bán đào rừng mọc lên 2 bên đường. Từ trong rừng, dưới bản, không ngừng những cành nhỏ, cành lớn có khi đốn tận gốc được vận chuyển lên đường bày bán. Mặc dù không nhiều nụ và thế không đẹp mắt, cầu kỳ như đào trồng dưới xuôi nhưng những cành đào rừng lại thu hút người mua bằng dáng vẻ cổ kính, rêu mốc và có nụ to, căng tràn sức sống.

Bất chấp những cái lạnh rét miền sơn cước, những làn sương mờ như mưa phùn phả vào mặt, người dân bản từ trẻ con đến người lớn vẫn cần mẫn đứng bên đường giương những cành đào chào đón, mời gọi khách. Tuỳ theo độ lớn nhỏ của cành mà định nhưng giá những cành đào rừng rêu phong cả chục năm tuổi cũng chỉ từ vài chục nghìn đến vài ba trăm. Chỉ mất khoảng 30.000-50.000 đồng, người mua đã có một cành đào rừng vừa tay cầm.

Phải mất gần 2 giờ đồng hồ lặn lội sương gió, anh Quảng và 5 thanh niên dân bản mới chật vật vận chuyển được cây đào từ trong rừng ra đến Sa Pa đón xe ô tô. Cả cây đào được đốn tận gốc sù sì còn rong nhựa. Cây đào này đã có khoảng 70 năm tuổi nhưng cái giá của nó cũng chỉ có 500.000 đồng. Anh Quảng cho biết, nó sẽ được vận chuyển về Hà Nội và sẽ bán trọn gói cho một đơn vị với giá gấp 10 lần giá mua gốc. Nhìn cành đào có thể đoán được nơi đặt nó phải là một khách sạn hoặc văn phòng có diện tích lớn hàng chục mét vuông.

Trên đường nhỏ xã Bản Hồ - Sa Pa, một người đàn ông gầy gò, đen nhẻm đang khó khăn vận chuyển cành đào trùm kín cả người chiếc xe Wave Tầu ra đường lớn bán. Nó được đốn trong vườn nhà và có tuổi đời hơn 30 năm nhưng cũng chỉ bán với giá 200.000 đồng.

Lò Lủ Tẩu cho biết, mỗi năm chặt dần ra bán trước Tết tranh thủ kiếm đồng tiêu. Trong vườn nhà rộng còn nhiều cây đào có tuổi đời vài chục năm. Khi chúng tôi thắc mắc nếu cứ chặt thế này thì sang năm lấy đâu ra đào mà chặt bán nữa, Tẩu hồn nhiên cho biết: “Tao thà chặt cây, chặt cành bán Tết được vài trăm nghìn tiêu còn hơn để trồng mỗi năm chỉ thu được vài chục nghìn tiền quả”.

Sa Pa nay mai còn có đào rừng?

Lợi thế thời tiết đặc biệt trong vùng, đào Sa Pa có nét đẹp riêng. Không ồ ạt như những vườn đào ươm trồng thu hoạch theo năm như miền xuôi, những cây đào lâu năm Sa Pa đang từng ngày từng giờ bị chặt đốn bán đi khắp các tỉnh. Rồi sau Tết, gốc đào thì trơ mà cành đào thì làm củi khô hoặc vứt ra thùng rác. Không chỉ nhà Tẩu mà bao nhiêu hộ dân Sa Pa tận dụng cơ hội mấy ngày Tết để chặt đào bán. Chưa biết mỗi năm, gốc đào này cho thu bao nhiêu quả nhưng chỉ bán một cành thôi, người dân đã thu về cả trăm nghìn đồng.

Ngay trước cổng Vườn quốc gia Hoàng Liên, Trần Văn Thắng, quê Lào Cai và 3 thanh niên bản đang khó khăn, vất vả trong mưa gió, sương mù mới đưa được cành đào lên chiếc xe tải 5 tấn. Cây đào 40 năm tuổi này đã được Thắng chặt tận gốc từ trong bản ra và mua với giá gần 300 nghìn đồng. Theo tính toán thì trừ cả công bốc vác, thuê xe vận chuyển về Hà Nội, Thắng cũng cầm chắc trong tay gần 2 triệu đồng. Còn nếu bán sang tay ngay tại đó, cái giá của nó đã lên đến 700 nghìn đồng, lợi nhuận kiếm cũng kha khá.

Cả cây đào mấy chục năm tuổi, người dân bản địa cũng chỉ thu được vài trăm nghìn, còn đâu vào tay các lái buôn có đầu óc kinh doanh. Người dân Sa Pa đang thu nhập thêm từ những gốc đào, các lái buôn thì đang ráo riết săn lùng những gốc đào cổ, những cành đào đẹp để mua vận chuyển đi các thị trường tiêu thụ.

Cứ với đà chặt thế này, một mai, thương hiệu đào Sa pa sẽ dần mai một. Đào trong vườn nhà chặt lắm rồi cũng dần hết. Đã mang tiếng đào Sa Pa mà cành trơ, phẳng phiu, không rêu mốc sù sì thì đâu còn là đào của núi rừng Sa Pa. Nhưng nếu muốn có rêu mốc, sù sì, thường những cây đào này cũng phải “dãi gió dầm sương” dăm ba năm trở lên.

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Gần đến ngày Tết ông Táo, trong những khách sạn nhà hàng ở Sa Pa, những cành đào đã được trang hoàng cho thêm khí thế Xuân. Bamboo là một trong những khách sạn lớn ở Sa Pa. Ngay từ lối vào, trong sân khách sạn đã thu mua, tập kết cả trăm cành đào lớn nhỏ có giá từ vài chục đến cả triệu đồng.

Anh nhân viên khách sạn phụ trách thu gom đào cho biết, giá đào năm nay có nhỉnh hơn năm trước. Vì thời tiết Sa Pa thời điểm này còn đang có rét đậm, rét hại kéo dài nên đào chưa buông lộc, nở hoa. Tuy nhiên, nếu mang về dưới xuôi, khi vào phòng ấm thì đào sẽ nở đẹp và chơi được lâu hơn.

Đã thành thông lệ khi Tết đến Xuân về, hễ cứ bước chân lên tàu, xe ngược Lào Cai, Sa Pa, y như rằng sẽ nhận được những lời nhắn nhủ: “Mua mấy cành đào rừng về chơi Tết nhé!” Phải nói đào Sa Pa đẹp, đẹp một cách tự nhiên hoang dại, thuần khiết như chính nét đẹp của những cô gái bản làng.

Tay chỉ đám mốc xanh đóng tầng đóng kép trên thân cành đào sù sì, Thắng bảo, đào phải như thế mới đích thị đào rừng, đào đẹp. Chẳng biết rừng còn lại bao nhiêu đào nhưng trong vườn nhà các gia đình thì những cây đào hoặc còn lơ thơ vài cành nhỏ hoặc đã trơ gốc. Và cứ cái đà đốn đào bán Tết như thế này, chắc đào rừng chẳng kịp lớn để mà có gốc sù sì, có thân rêu mốc cổ kính.

Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên, lượng đào rừng ở Sa Pa còn khá nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Sa Pa sẽ phải tính đến chuyện bảo vệ nếu cứ khai thác thế này thì chẳng mấy chốc cả đào rừng lẫn đào nhà sẽ cạn kiệt. Những chuyến xe tải chất đầy đào vẫn tất tả về xuôi kịp phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết.

Trong không khí sum họp đầm ấm gia đình ngày Tết dân tộc, bên cạnh mâm cỗ đầy, cặp bánh chưng dẻo nền... những cành bích đào miền xuôi, những cành đào phai từ rừng núi mang về thêm đượm sắc Xuân, mang chất tự nhiên hoà quyện. Khai thác đào rừng bền vững chính là cách bảo tồn để Xuân nào, cả người miền xuôi và miền ngược cũng được chơi và thấy nét đẹp riêng của đào rừng Sa Pa.