Xây dựng và phát triển "Mạng lưới phòng chống ung thư vùng Đông Nam Bộ"
Trước tình hình người bệnh ung thư trên thế giới và Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng, ngành y tế TP.HCM tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng nhằm triển khai công tác khám sàng lọc…
Nhằm đẩy mạnh việc hợp tác, phát triển nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh lý ung thư thường gặp tại mỗi địa phương, Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế 6 tỉnh Đông Nam bộ vừa tổ chức hội nghị đồng thuận về xây dựng và phát triển “Mạng lưới phòng chống ung thư vùng Đông Nam bộ”.
Theo đó, mạng lưới có ý nghĩa chăm sóc người bệnh từ lúc tầm soát sớm giai đoạn chưa có triệu chứng, phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ung thư, chẩn đoán chính xác, kịp thời, điều trị đa mô thức hiệu quả,… cho đến chăm sóc giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ tại cộng đồng.
Tại hội nghị, các bên cũng đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác và phát triển về xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư quy mô vùng. Theo đó, thỏa thuận hợp tác giữa các bên gồm 2 cấp độ.
Hợp tác cấp độ 1: Tiếp tục phát huy hiệu quả và tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của từng bệnh viện theo nhu cầu của mỗi địa phương.
Hợp tác cấp độ 2: Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chăm sóc sức khoẻ người dân theo chuyên khoa ung thư, từ bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối đến tuyến y tế cơ sở, từ TP.HCM đến các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam bộ, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống cho người dân mắc bệnh ung thư.
Theo đó, các nội dung hợp tác nhằm phát huy nguồn lực sẵn có của từng địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và y tế nói riêng của từng địa phương, đảm bảo tuân thủ các quy định chuyên môn và phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh của Bộ Y tế.
Ngoài ra, mạng lưới phòng, chống ung thư vùng cùng sẽ được phân chia thành 3 cấp. Cụ thể:
Cấp 1 là cấp chăm sóc ban đầu. Cấp này tập trung vào việc đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa ung thư trong cộng đồng, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe giúp người dân từ bỏ các thói quen có hại cho sức khỏe và nhận biết các dấu hiệu báo động của ung thư.
Cấp 2 là cấp chăm sóc cơ bản. Cấp này hướng đến việc hình thành các cơ sở khám, chữa bệnh đủ năng lực khám, chẩn đoán và điều trị đa mô thức các bệnh lý ung thư cơ bản cho người dân tại địa phương.
Cấp 3 là cấp chăm sóc chuyên sâu. Cấp này tập trung đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên khoa ung thư, đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu để nâng cao hơn nữa chất lượng khám và điều trị cho người bệnh, rút ngắn khoảng cách về các kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị ung thư với các nước trong khu vực.
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay, mỗi ngày bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận từ 4.700 - 4.800 bệnh nhân đến khám, khoảng 1.000 - 1.100 bệnh nhân ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị trong ngày và số bệnh nhân nội trú là 800 - 900 người.
Trong đó, 84% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành trong cả nước, tuy nhiên, trước đây tỉ lệ này ghi nhận khoảng 75%. Số lượng bệnh nhân có địa chỉ tại TP.HCM đến khám không biến động nhiều khoảng 700 – 750 bệnh nhân mỗi ngày.
Sở Y tế TP.HCM cho biết việc hình thành mạng lưới phòng chống ung thư là cần thiết, nhằm triển khai hiệu quả chiến lược phòng chống ung thư, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng sống cho người bệnh ung thư trong khu vực.
Mạng lưới có ý nghĩa chăm sóc người bệnh từ lúc tầm soát sớm giai đoạn chưa có triệu chứng, phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ung thư, chẩn đoán chính xác, kịp thời, điều trị đa mô thức hiệu quả… cho đến chăm sóc giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ tại cộng đồng.