10:23 23/05/2025

Xây dựng và thể chế hóa 5 chính sách đột phá của dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)

Đỗ Như

Lần này luật sẽ bổ sung vai trò của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp, các chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong việc tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng như quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) với các chính sách mới mang tính đột phá.

Cơ quan soạn thảo dự kiến xây dựng và thể chế hóa 5 chính sách vào dự án luật.

Thứ nhất là đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm đẩy mạnh phân luồng, tăng số lượng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp; thực hiện đào tạo nghề, dạy văn hoá, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên.

Đổi mới hệ thống nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém về hướng nghiệp, phân luồng, liên thông; bất hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo; quy mô, chất lượng, hiệu quả đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành, nghề mới, kỹ năng tiên tiến, hội nhập quốc tế.

Các nội dung đổi mới bao gồm: hình thành chương trình trung học nghề trong giáo dục nghề nghiệp, đào tạo tích hợp kiến thức nền tảng của chương trình trung học phổ thông và năng lực nghề nghiệp; đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng.

Đồng thời hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tinh gọn, hiệu quả, gồm: trường trung học nghề, trường cao đẳng; mở rộng hệ thống cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bổ sung quy định về quy hoạch phát triển trường cao đẳng là trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực quản trị của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai là đổi mới chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong đào tạo các chương trình của giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi đã nhấn mạnh tới vai trò xuyên suốt của bảo đảm chất lượng thông qua việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (IQA) hiệu quả tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Mục đích là hướng tới xây dựng văn hóa chất lượng trong mỗi cơ sở thông qua cơ chế giám sát nội bộ, cải tiến liên tục và quản lý rủi ro cũng như xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng về cơ chế giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp thông qua các cơ quan và quy trình bảo đảm chất lượng bên ngoài.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện chuẩn hóa cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo với tư cách là một trong các điều kiện đảm bảo chất lượng tối thiểu cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng cũng như thiết lập cơ sở pháp lý rõ ràng về định danh, phân loại đội ngũ người dạy.

Thứ ba là thu hút hiệu quả doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài vào giáo dục nghề nghiệp.

Lần này luật sẽ bổ sung vai trò của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp, các chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong việc tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng như quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với đó là các chính sách về hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài trong giáo dục nghề nghiệp; chính sách thu hút lao động của doanh nghiệp tham gia giảng dạy các trình độ giáo dục nghề nghiệp mở rộng và tận dụng những lợi thế về nguồn vốn và đội ngũ giảng dạy đến từ doanh nghiệp gắn đào tạo với sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Thứ tư là đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư dựa trên chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ngành giáo dục nghề nghiệp đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách tài chính nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nâng cao hiệu quả đầu tư và phát huy tối đa nguồn lực xã hội.

Các chính sách của luật tập trung vào minh bạch trong quản lý tài chính, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người học thông qua học phí hợp lý, học bổng và hỗ trợ tài chính.

Mục tiêu là xây dựng hệ thống hiện đại, công khai, công bằng, thúc đẩy phân luồng học sinh hợp lý và phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển bền vững của xã hội.

Thứ năm là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Chính sách này nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, cắt giảm rào cản kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục.

Đồng thời, tập trung tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tổ chức, nhân sự, tài chính và hoạt động chuyên môn, nâng cao trách nhiệm giải trình trước Nhà nước và xã hội.

Một trong những điểm nhấn quan trọng là đẩy mạnh phân quyền, phát huy vai trò của người đứng đầu, kết hợp cơ chế "tiền kiểm" và "hậu kiểm", đặc biệt với các ngành nghề đặc thù như y, dược.

Bên cạnh đó, chính sách cũng chú trọng đơn giản hóa điều kiện đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi cho giáo dục nghề nghiệp phát triển.

Với hai nội dung chính là phân cấp mạnh mẽ hơn cho các cơ sở đào tạo và tinh gọn quy định pháp lý, chính sách này hứa hẹn mang lại hiệu quả quản lý cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.