Bộ Y tế thông tin về điều kiện để các cơ sở y tế được tiêm chủng
Thời gian qua, Bộ Y tế nhận được nhiều ý kiến vướng mắc của các địa phương, đề nghị được hướng dẫn làm rõ quy định đối với cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng...
Bộ Y tế vừa thông tin đến các Sở Y tế tỉnh, thành phố về điều kiện để các cơ sở y tế được thực hiện hoạt động tiêm chủng.
Bộ Y tế cho biết trong thời gian vừa qua, Bộ đã nhận được ý kiến vướng mắc của một số Sở Y tế tỉnh, thành phố và một số đơn vị đang triển khai tiêm chủng dịch vụ, phản ánh về việc điều kiện của cơ sở tiêm chủng.
Trong đó có đề nghị được hướng dẫn làm rõ quy định đối với cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh của cơ sở, và chứng chỉ hành nghề của nhân sự tham gia hoạt động tiêm chủng.
Sau khi xem xét, Bộ Y tế cho biết tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng “Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tiêm chủng phải đáp ứng các yêu cầu: An toàn tiêm chủng theo quy định tại Nghị định này, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định, có kế hoạch bảo đảm cung ứng đủ vaccine cho hoạt động tiêm chủng tại cơ sở”.
Theo đó, các đơn vị cần đảm bảo yêu cầu theo Điều 9, Điều 10 chương II về An toàn tiêm chủng tại Nghị định số104/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.
Đồng thời, tuân thủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 14, Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Như vậy, cơ sở tiêm chủng đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, và Điều 14, Điều 15 Nghị định số155/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế là đủ điều kiện thực hiện dịch vụ tiêm chủng.
Cụ thể, theo Điều 9 về điều kiện đối với cơ sở tiêm chủng cố định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP, về cơ sở vật chất thì khu vực chờ trước khi tiêm chủng phải bố trí đủ chỗ ngồi trong một buổi tiêm chủng, bảo đảm che được mưa, nắng, kín gió và thông thoáng; khu vực thực hiện tư vấn, khám sàng lọc có diện tích tối thiểu là 8 m2; khu vực thực hiện tiêm chủng có diện tích tối thiểu là 8 m2; khu vực theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng có diện tích tối thiểu là 15 m2.
Riêng đối với điểm tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phòng sinh, thì bố trí phòng tiêm hoặc bàn tiêm vaccine riêng, nơi tiêm chủng bảo đảm đủ ấm cho trẻ, có nơi khám sàng lọc cho trẻ, tư vấn cho các bà mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.
Về trang thiết bị, cần có tủ lạnh, phích vaccine hoặc hòm lạnh, các thiết bị theo dõi nhiệt độ tại nơi bảo quản và trong quá trình vận chuyển vaccine; có đủ thiết bị tiêm, các dụng cụ, hóa chất để sát khuẩn và các vật tư cần thiết khác; có hộp chống sốc, phác đồ chống sốc treo tại nơi theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; có dụng cụ chứa chất thải y tế.
Về nhân sự, cần có tối thiểu 3 nhân viên chuyên ngành y, trong đó có ít nhất 1 nhân viên có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên. Đối với cơ sở tiêm chủng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phải có tối thiểu 2 nhân viên có trình độ từ trung cấp chuyên ngành y trở lên, trong đó có ít nhất 1 nhân viên có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên.
Nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng. Nhân viên trực tiếp thực hiện khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng phải có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên; nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ điều dưỡng trung học trở lên…
Theo Bộ Y tế, Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ không quy định về việc cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh và nhân sự phải có chứng chỉ hành nghề khi thực hiện dịch vụ tiêm chủng.
Tuy nhiên, đối với các cơ sở tiêm chủng thuộc cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh thì phải tuân thủ theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh.